Thứ 6, 26/07/2024, 11:23[GMT+7]

Bên trong viện nghiên cứu tế bào gốc triệu đô

Thứ 2, 03/04/2023 | 10:15:03
1,222 lượt xem
Được đầu tư 2,2 triệu USD năm 2007, Viện tế bào Gốc (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM) làm chủ nhiều công nghệ sản xuất thuốc, mỹ phẩm phục vụ cộng đồng.

Hôm 17/3, Viện tế bào gốc được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế ISO 13485:2016 cho dây chuyền sản xuất vật tư y tế tại Trung tâm đổi mới sáng tạo và sản xuất thực nghiệm, thuộc viện (ảnh). Tiêu chuẩn được cấp cho 5 lĩnh vực sản xuất và kinh doanh gồm: kit phân lập tế bào, kit thu nhận chế phẩm từ máu, môi trường nuôi cấy tăng sinh tế bào, môi trường bảo quản tế bào, môi trường nuôi cấy tế bào. Theo PGS. Phạm Văn Phúc, Viện trưởng tế bào gốc, tiêu chuẩn quốc tế này được chấp nhận áp dụng rộng rãi cho các nhà sản xuất thiết bị y tế trên toàn thế giới. Ông cho rằng đây là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay nếu một tổ chức sản xuất dụng cụ y tế, thiết bị y tế, vật tư y tế muốn sản phẩm của mình được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới.

Viện tế bào gốc (tiền thân của viện là Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học phân tử), trong khuôn viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM, phường Linh Trung, TP Thủ Đức. Viện có chức năng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ, sản xuất sản phẩm tế bào gốc, đào tạo nhân lực lĩnh vực này.

Các khu vực nghiên cứu và sản xuất tại Viện tế bào gốc luôn đảm bảo tiêu chuẩn phòng sạch. Nhân viên phải mặc đồ bảo hộ vô trùng và phải đi qua buồng thổi khí trong 5 giây để làm sạch bụi còn bám trên bề mặt đồ trước khi vào bên trong. Dụng cụ cá nhân và rác thải đều phải đựng trong hộc tủ riêng có đèn chiếu tia UV khử khuẩn và vận chuyển bằng thang riêng lên xuống các tầng.

Phòng kiểm tra chất lượng và đánh giá hoạt tính sinh học của tế bào gốc được trang bị các kính hiển vi hiện đại, tủ ấm CO2 cung cấp môi trường nuôi cấy, tủ lạnh bảo quản mẫu chờ kiểm nghiệm…

Kỹ thuật viên đang quan sát tế bào miễn dịch đựng trong hộp xem mức độ tăng sinh tế bào phát triển như thế nào. Kính hiển vi được kết nối với máy tính để xem ảnh chụp tế bào trực tiếp.

Phòng dây chuyền sản xuất tế bào gốc với máy nhận diện và phân tách tế bào tự động. Khi đưa mẫu tế bào vào, máy sẽ chiếu tia laser lên tế bào được nhuộm huỳnh quang. Khi tế bào phát huỳnh quang, máy nhận tín hiệu để đọc kích thước, mật độ hạt và biểu hiện protein giúp nhận biết và phân tách tế bào. Chiếc máy có xuất xứ từ Mỹ có giá trị hơn 10 tỷ đồng có khả năng tự tách tế bào gốc dựa trên đặc điểm nhận dạng tế bào.

Máy ghi nhận và phân tích các yếu tố bên trong tế bào bằng hình ảnh (Micro Confocal) sử dụng công nghệ có thể chụp cắt lớp tế bào giúp đánh giá quá trình phát triển tế bào, sự thay đổi của tế bào quan sát theo thời gian thực. Máy có giá trị gần 15 tỷ đồng, xuất xứ từ Mỹ.

Thiết bị nuôi cấy tế bào gốc quy mô lớn cho phép thu được hàng tỷ tế bào mỗi lần nuôi cấy. Theo đó, tế bào được nuôi trong buồng nuôi cấy đặt bên trong máy và được cấp môi trường dinh dưỡng liên tục (túi màu đỏ) để tăng sinh. Hệ thống phù hợp với việc sản xuất tế bào gốc theo tiêu chuẩn GMP. Hệ thống này có giá gần 10 tỷ đồng.

Máy quay siêu ly tâm có giá trị 7 tỷ đồng tại phòng dây chuyền sản xuất tế bào gốc, được sử dụng để thu nhận exosome và các túi tiết từ tế bào gốc.

Phòng nghiên cứu và phát triển (R&D), kết hợp hoạt động đào tạo các chuyên gia về tế bào gốc với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu.

Khu vực nuôi, nhân giống chuột bạch phục vụ nghiên cứu cận lâm sàng tại Viện tế bào gốc. Đến nay viện có hơn 3.000 chuột bạch nuôi trong hơn 500 chuồng và tiếp tục nhân giống.

Sau 16 năm hình thành và phát triển, Viện tế bào gốc làm chủ được 27 công nghệ với hơn 150 sản phẩm tế bào gốc trong lĩnh vực thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế… Một số sản phẩm tiêu biểu do đơn vị nghiên cứu phát triển như thuốc Cartilatist sản xuất từ tế bào gốc trung mô từ mô mỡ người điều trị bệnh thoái hóa khớp gối và thoái hóa cột sống. Đây được coi là thuốc tế bào gốc đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 2018. Thuốc Modulatist sản xuất từ tế bào gốc dây rốn người giúp điều trị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính. Thuốc Skinatist từ mô mỡ người điều trị loét và bỏng da.

Ngoài các sản phẩm, Viện tế bào gốc đang xây dựng ngân hàng tế bào chuyên cung cấp các dòng tế bào phục vụ cho nghiên cứu trên cả nước với số lượng hàng trăm dòng tế bào khác nhau từ các dòng tế bào ung thư đến các dòng tế bào sơ cấp.

Theo vnexpress.net