Thứ 3, 26/11/2024, 19:41[GMT+7]

Vùng nước lạnh và mặn nhất thế giới đang ấm lên

Thứ 3, 13/06/2023 | 15:29:27
858 lượt xem
Khối nước biển sâu ở châu Nam Cực đang ấm lên và co lại, có thể gây hậu quả lớn cho khí hậu và hệ sinh thái đại dương sâu.

Vịnh hẹp Larsen ở biển Weddell, châu Nam Cực.

"Nước đáy châu Nam Cực" - khối nước ở Nam Đại Dương bao quanh châu Nam Cực - là vùng nước lạnh nhất và mặn nhất hành tinh. Vùng nước này đóng vai trò trọng yếu trong khả năng hấp thụ nhiệt dư thừa và ô nhiễm carbon của đại dương. Ngoài ra, nơi này cũng giúp luân chuyển chất dinh dưỡng xuyên đại dương.

Ở biển Weddell, dọc theo bờ biển phía bắc châu Nam Cực, khối nước quan trọng này đang suy giảm do những thay đổi dài hạn của gió và băng biển, theo nghiên cứu do Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) công bố hôm 12/6.

Nhóm nhà khoa học sử dụng dữ liệu mà tàu thuyền và vệ tinh thu thập suốt hàng chục năm để đánh giá khối lượng, nhiệt độ và độ mặn của nước đáy châu Nam Cực. Họ phát hiện thể tích của vùng nước đáy lạnh giá giảm hơn 20% trong ba thập kỷ qua. Họ cũng nhận thấy, nước biển sâu hơn 2.000 m ấm lên nhanh gấp 4 lần so với phần còn lại của các đại dương trên thế giới.

Nghiên cứu mới cho thấy, vùng nước sâu thu hẹp do những thay đổi trong sự hình thành băng biển khi gió yếu đi. Gió mạnh có xu hướng đẩy băng ra xa khỏi thềm băng, để lại những vùng nước thoáng cho phép băng hình thành thêm. Gió yếu hơn đồng nghĩa những khoảng trống này nhỏ hơn, làm chậm quá trình tạo băng biển.

Băng biển mới rất quan trọng với sự hình thành khối nước cực mặn và lạnh của biển Weddell. Khi nước đóng băng, muối bị đẩy ra ngoài và do nước mặn đặc hơn, nó chìm xuống đáy đại dương.

Sự thay đổi ở những vùng nước sâu này có thể gây ra hậu quả lớn. Chúng là thành phần thiết yếu trong sự tuần hoàn của đại dương toàn cầu, vận chuyển lượng carbon mà con người tạo ra xuống vùng nước sâu, nơi carbon bị "giam giữ" nhiều thế kỷ, theo chuyên gia Alessandro Silvano tại Đại học Southampton, đồng tác giả nghiên cứu.

Nếu vòng tuần hoàn này yếu đi, biển sâu có thể hấp thụ ít carbon hơn, làm hạn chế sức mạnh của đại dương trong việc giảm sự ấm lên toàn cầu. Các đại dương đã hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa của thế giới từ những năm 1970 và hấp thụ gần 1/3 ô nhiễm carbon do con người tạo ra.

Vùng nước lạnh và đặc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp oxy cho biển sâu. "Chúng tôi vẫn chưa rõ làm thế nào và liệu các hệ sinh thái biển sâu có thể thích nghi với lượng oxy ít hơn hay không", Silvano nói thêm.

Theo vnexpress.net