Chủ nhật, 30/06/2024, 22:18[GMT+7]

Phát hiện loài tắc kè dẹp mới tại Vườn quốc gia Cát Tiên

Thứ 3, 04/07/2023 | 10:41:51
1,859 lượt xem
Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện tắc kè dẹp Cát Tiên, là loài riêng biệt với các đốm nâu sẫm và trắng, đuôi màu xám tro.

Loài tắc kè dẹp Cát Tiên được các nhà khoa học phát hiện. Ảnh: Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga

Loài tắc kè mới tên khoa học Hemiphyllodactylus Cattien, thuộc họ Gekkonidae, chi Hemiphyllodactylus Cattien được các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, gồm TS Lê Xuân Đắc, Nikolay A. Poyarkov, Platon Yushchenko cùng các cộng sự, lần đầu tiên mô tả vào năm 2023. Nghiên cứu đã công bố trên tạp chí Zootaxa cuối tháng 6.

Theo thông tin từ Viện Sinh thái nhiệt đới, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, loài tắc kè dẹp Cát Tiên được ghi nhận trên thân cây cách mặt đất 1,5 m, trong rừng khộp nguyên sinh dọc theo đường mòn đến hồ Bàu Sấu. Đây là loài thứ tám thuộc giống Hemiphyllodactylus được mô tả ở Việt Nam. Không giống như phần lớn các loài giống Hemiphyllodactylus là loài đặc hữu có giới hạn sinh sống ở vùng cao, loài mới này sống ở vùng đất thấp.

Tắc kè dẹp Cát Tiên là một loài nhỏ với chiều dài đầu - thân tối đa 35,1 mm con cái; đầu hình tam giác ở mặt sau. Phân tích trình tự gene ND2 mtDNA cho thấy, tắc kè dẹp Cát Tiên là loài chị em của một nhánh bao gồm loài H. indosobrinus từ Lào và H. flaviventris từ Thái Lan.

Phát hiện loài tắc kè dẹp đầu tam giác mới tại Vườn quốc gia Cát Tiên - 1

Ảnh chụp phân tích mẫu vật loài mới. Ảnh: Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga

Chia sẻ trên Miami Herald, Nikolay A. Poyarkov, tác giả chính của nghiên cứu cho biết việc khám phá ra loài mới này khá bất ngờ. Ngay từ năm 2021, nhóm nghiên cứu của Poyarkov đã tiến hành khảo sát các loài bò sát và lưỡng cư tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Vào một ngày họ tình cờ phát hiện sinh vật lạ có cằm hình tam giác rơi từ trên cây xuống. Các phân tích DNA cho thấy sự khác biệt di truyền khoảng 20% đến 24% so với những con tắc kè được công nhận trước đó. Điều này cho phép các nhà khoa học công nhận nó là một loài riêng biệt.

Tắc kè dẹp Cát Tiên được mô tả là "loài bí ẩn và khó nắm bắt". Các nhà nghiên cứu rất nỗ lực để thu thập thêm mẫu vật của loài này với nhiều cuộc khảo sát chuyên sâu dọc theo đường mòn đến hồ Bàu Sấu, song hiện chỉ thu thập được mẫu vật duy nhất.

Vườn quốc gia Cát Tiên, cách TP HCM gần 150 km về phía đông bắc, là rừng đất thấp ẩm ướt với thảm động thực vật phong phú. Với tổng diện tích gần 72.000 ha, hiện vườn quốc gia Cát Tiên là một trong 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam được UNESCO công nhận.

Theo vnexpress.net