Thứ 3, 26/11/2024, 09:39[GMT+7]

Đổi mới sáng tạo bắt đầu từ thay đổi công nghệ

Thứ 6, 25/08/2023 | 16:34:04
1,257 lượt xem
Doanh nghiệp muốn sáng tạo cần khởi đầu bằng những mô hình công nghệ, sản phẩm nhỏ sau đó phát triển lên với tầm nhìn lớn hơn, theo TS Nguyễn Thanh Mỹ.

TS Nguyễn Thanh Mỹ (phải) chia sẻ câu chuyện về đổi mới sáng tạo tại InnoEx, sáng 24/8.

Thông điệp được TS Mỹ, người sở hữu hơn 400 bằng sáng chế trên toàn cầu chia sẻ trong phiên thảo luận đổi mới để tăng trưởng bền vững, trong khuôn khổ sự kiện Đổi mới Sáng tạo Quốc tế InnoEx 2023, tổ chức sáng 24/8 tại TP HCM. Ông cho rằng, muốn sáng tạo, cần có những ý tưởng nhỏ thay đổi những phương pháp truyền thống sau đó phát triển thành sản phẩm mới.

Theo ông, thế hệ những người có tư duy khác biệt, luôn suy nghĩ những điều mới được xem là rất phù hợp để thay đổi công nghệ, góp phần thay đổi đất nước và cả thế giới.

Là người đứng đầu 14 công ty công nghệ, TS Mỹ cho rằng, sự thay đổi có thể gặp rủi ro, thậm chí thất bại. Tuy nhiên sự thất bại sẽ giúp con người học hỏi và thúc đẩy họ làm điều khác nhanh hơn. "Thực hiện 10 ý tưởng chỉ cần 3 cái thành công là rất tốt rồi, miễn là người đó chịu làm thật", ông nói. Nhà sáng chế 68 tuổi từng làm các dự án nhỏ nhưng thiết thực như phao quan trắc đo độ mặn, gửi thông số về smartphone, để người nông dân biết được lúc nào nước mặn và khi nào hết mặn.

Khi đã có thành công ban đầu, ông nghĩ đến việc giải bài toán thực phẩm bẩn. Ông tiến hành một lúc 3 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Cù Lao Long Trị: Smart Fertilizer (chuyên về phân bón thông minh), Rynan Techonologies (chuyên về đồng hồ nước thông minh, cảm biến nhiệt trong xe) và Rynan Agrifoods (chuyên sản xuất bao bì đa lớp giúp bảo quản nông sản trong thời gian dài mà không cần hóa chất)...

Từ trải nghiệm bản thân, ông kể điều hạnh phúc nhất của mỗi nhà sáng chế là khi còn sự sáng tạo, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Quan trọng nhà sáng chế là chọn được những người cộng sự xung quanh có được hạnh phúc khi nghiên cứu. Vì thế khi chọn cộng sự, ông theo hai tiêu chí: động lực và chuyên môn. Tuy nhiên, ông cho rằng, động lực sáng tạo là yếu tố nằm trong bản chất con người, khó thay đổi. Còn chuyên môn hoàn toàn có thể học được. Người có động lực luôn học nhanh, học giỏi. "Lựa chọn người có động lực rồi sát cánh cùng họ, thách thức họ, hỗ trợ để họ cùng mình thực hiện việc muốn làm", ông Mỹ đúc kết.

Ông Albert Antoine, Cố vấn Chính phủ Singapore cho rằng, mỗi người sáng tạo cần có tầm nhìn lớn, nhưng khi bắt tay vào làm cần bắt đầu bằng một dự án nhỏ, thử nghiệm để đánh giá được rủi ro, sau đó phát triển ý tưởng quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, sự thất bại cũng cần đối mặt sớm và trải qua nhanh để người sáng tạo tiếp tục học từ thất bại cho những sản phẩm sau tốt hơn.

Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, nền kinh tế thế giới trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, môi trường kinh doanh thay đổi nhiều khiến mô hình cũ chịu nhiều sức ép và mất dần vị thế. Điều này đặt ra vấn đề cần đổi mới sáng tạo, tạo ra mô hình kinh doanh mới, giúp thay đổi vị thế quốc gia. Tuy nhiên, đổi mới không dễ, cần sự đầu tư, nhiều thời gian, nguồn lực, sự kiên trì và tinh thần biết chấp nhận thất bại. Lãnh đạo TP HCM nhìn nhận, mọi sự đổi mới bắt đầu từ sự tư duy, sự hợp lực của doanh nghiệp, sáng tạo của cộng đồng.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức (phải) trao đổi với chuyên gia nước ngoài tại sự kiện. Ảnh: BTC

Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức (phải) trao đổi với chuyên gia nước ngoài tại sự kiện. 

Sự kiện quốc tế InnoEx 2023 diễn ra ngày 24 và 25/8 với sự tham gia của gần 2.000 lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia, đại diện từ hơn 70 quỹ đầu tư, ngân hàng, định chế tài chính Việt Nam và quốc tế và hơn 200 doanh nghiệp và startups đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hoạt động này nhằm kết nối, hợp tác phát triển trong hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy và tôn vinh những sản phẩm sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo vnexpress.net