Thứ 4, 24/07/2024, 09:21[GMT+7]

Việt Nam làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến lĩnh vực sinh học

Thứ 6, 10/11/2023 | 15:28:19
1,049 lượt xem
Các chương trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học cấp quốc gia được triển khai giúp Việt Nam làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến trong phát triển kinh tế và chăm sóc sức khỏe.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội thảo.

Thông tin được nêu tại hội thảo "Phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW và định hướng phát triển Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực y, dược, công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới" do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Đại học Huế.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Nghị quyết 36-NQ/TW có vai trò đặc biệt quan trọng, xác định chủ trương của Đảng đối với một trong các lĩnh vực khoa học công nghệ đóng góp lớn cho tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia.

Ông cho biết, triển khai Nghị quyết, nhiều chương trình nghiên cứu đã được thực hiện, trong đó trọng tâm là 3 chương trình khoa học công nghệ quốc gia, gồm: "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe"; "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến phục vụ công nghiệp hóa dược và dược phẩm"; "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học".

Minh họa thêm các kết quả TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế nêu nhiều thành tựu lĩnh vực y tế trong đó đã phát triển Y học cá thể hóa (Personalised medicine); Ứng dụng công nghệ sinh học trong chẩn đoán sớm và điều trị chính xác; Công nghệ tế bào (Cellomics...); Công nghệ Omic; Ngân hàng sinh học (Biobanking); Công nghệ
Bioinformatic Y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô; Công nghệ giải mã gene...

Theo ông Quang, Việt Nam đã làm chủ một số công nghệ tiên tiến, phát triển và ứng dụng trong phát hiện, giảm thiểu các nguy cơ phát sinh bệnh mới nổi, tái nổi và chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh mạn tính không lây.

Ở mảng dược phẩm, phát triển được nhiều sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu và bài thuốc Việt Nam thành thành phẩm ra thị trường.

Các đại biểu tham gia hội nghị. Ảnh: Võ Thạnh

Các đại biểu tham gia hội nghị.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nhờ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học, đã có nhiều giống cây trồng, vật nuôi có tính trạng tốt, năng suất cao được lai tạo thành công. Các chế phẩm sinh học phát triển phục vụ trong chăn nuôi và trồng trọt mang lại hiệu quả năng suất cao. Riêng năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp năm đạt 53.22 tỷ USD.

Theo bà Thủy, mục tiêu đến năm 2025 ngành nông nghiệp triển khai nghiên cứu, phát triển các công nghệ sinh học thế hệ mới; tiếp cận và làm chủ công nghệ tạo các chế phẩm sinh học (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, chế phẩm bảo quản, xử lý môi trường, vaccine thế hệ mới, kít thử...) trong
trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tiến tới thay thế dần các sản phẩm nguồn gốc hóa học. Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ tế bào thực vật trong nhân giống cây trồng sạch bệnh quy mô công nghiệp, giảm giá thành sản xuất cây giống tối thiểu 30% so với công nghệ truyền thống.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ghi nhận những kết quả đạt được của các ngành, địa phương, đơn vị nghiên cứu, chương trình trọng điểm quốc gia... trong nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học. Ông cũng đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ lắng nghe các ý kiến và tổ chức triển khai hiệu quả 3 chương trình cấp quốc gia trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng đặc biệt lưu ý không để trùng lắp về nội dung nghiên cứu, đồng thời tạo cơ chế đã các chương trình có thể thường xuyên trao đổi các kết quả nghiên cứu.

Nghị quyết 36-NQ/TW xác định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, là trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Mục tiêu đến năm 2030, nền công nghệ sinh học đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là 1 trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10 - 15% vào GDP.

Theo vnexpress.net