Thứ 6, 27/12/2024, 20:54[GMT+7]

Học sinh trải nghiệm thiết kế chip IC

Thứ 2, 08/01/2024 | 08:12:16
1,479 lượt xem
Khoảng 200 học sinh THPT được trải nghiệm thiết kế chip IC đơn giản, giúp tiếp cận kiến thức vi mạch, nuôi dưỡng đam mê.

Ngày hội STEM do trường Đại học Việt Đức tổ chức sáng 7/1 thu hút hàng trăm học sinh THPT tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... tham gia với 7 hoạt động trải nghiệm khoa học các chủ đề về thiết kế chip IC, làm hệ thống điện mặt trời, xây dựng mô hình công trình kiến trúc, xây dựng hệ thống cơ khí…

Theo TS Hà Thúc Viên, Hiệu phó trường, việc tiếp cận sớm giáo dục STEM là một trong những điều kiện quan trọng để học sinh làm quen, định hướng nghiên cứu trong bối cảnh khoa học công nghệ đang thay đổi nhanh hiện nay. "Hoạt động trải nghiệm khoa học giúp học sinh đánh giá năng lực bản thân, nhu cầu thực tế xã hội và tìm hướng đi phù hợp cho mình", TS Viên nói. Ông cho biết, sắp tới nhà trường sẽ đầu tư khu không gian sáng tạo (maker space) với trang thiết bị hiện đại để học sinh, sinh viên trải nghiệm và nuôi dưỡng tài năng tốt hơn.

Mỗi nhóm có khoảng 20 học sinh trải nghiệm hoạt động các lĩnh vực theo sở thích bản thân. Tại phòng thí nghiệm kỹ thuật điện và máy tính, Khoa Kỹ thuật, học sinh lắng nghe giảng viên truyền đạt kiến thức cơ bản về thiết kế chip IC.

Thạc sĩ Nguyễn Võ Thất Thuyết giới thiệu kiến thức cơ bản về thiết kế chip cho học sinh. Theo ông, nhà trường có 20 bản quyền phần mềm thiết kế chip sử dụng trong 5 năm từ nhà cung cấp Synopsys (Mỹ) và hệ thống phần cứng kiểm tra thiết kế chip.

Học sinh được cung cấp bo mạch FPJA và máy tính cài phần mềm Quartus để viết code thiết kế chip IC.

Công đoạn viết code trên phần mềm máy tính. Lê Đức Minh, học sinh lớp 11 trường Quốc tế Việt Úc chia sẻ, bản thân từng học và thực hành với ngôn ngữ lập trình Python nên không bỡ ngỡ khi thao tác trên phần mềm Quartus. Sắp tới Minh định hướng sẽ trở thành kỹ sư thiết kế vi mạch và mong muốn được thực hành trên các công cụ thiết kế hiện đại tại nhà trường và các doanh nghiệp để hoàn thiện kỹ năng.

Sau khi hoàn thành code, dữ liệu được truyền vào bo mạch. Khi dữ liệu truyền xong, đèn trong bo mạch sẽ sáng khi một trong hai công tắc được mở và sẽ tắt khi hai công tắc cùng đóng hoặc cùng mở. Đây được coi là thiết kế mạch IC đơn giản và một mạch chip điện tử sẽ có độ phức tạp hơn rất nhiều.

Máy kiểm tra tín hiệu số và tín hiệu tương tự dùng đo đạc, kiểm thử phục vụ các môn học liên quan điện tử và thiết kế chip. Theo thạc sĩ Thuyết, nhu cầu nhân lực vi mạch hiện nay tập trung vào công đoạn thiết kế và sản xuất. Các kỹ sư khi ra trường có thể làm việc trong các doanh nghiệp chuyên thiết kế và làm trong nhà máy quản lý sản xuất, phụ trách kiểm tra, đóng gói chip.

Ông cho rằng, đa số các thiết bị điện tử dân dụng hiện nay như máy giặt, máy lạnh, tivi, điện thoại… đều cần chip nên học sinh cần trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong ngành bán dẫn.

Một hoạt động khác học sinh được trải nghiệm trong ngày hội STEM là khám phá công nghệ năng lượng mới. Mỗi nhóm được trang bị một bộ quản lý hệ thống pin năng lượng mặt trời sau đó thực hành đấu nối dây dẫn kết nối các thiết bị với nhau và làm cho các thiết bị điện thoạt động khi sử dụng.

Theo vnexpress.net