Thứ 2, 25/11/2024, 02:58[GMT+7]

Vệ tinh radar của Việt Nam sẽ phóng lên quỹ đạo đầu năm 2025

Thứ 2, 22/01/2024 | 09:59:08
1,755 lượt xem
LOTUSat-1, vệ tinh công nghệ radar đầu tiên dự kiến hoàn thành chế tạo vào tháng 3 và chờ phóng lên quỹ đạo vào đầu năm 2025, theo TS Lê Xuân Huy, phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Mô phỏng vệ tinh LOTUSat-1. Ảnh: VNSC

Vệ tinh LOTUSat-1 có trọng lượng 600 kg, sử dụng công nghệ radar mới nhất với nhiều ưu điểm như phát hiện các vật thể kích thước từ 1 m trên mặt đất, khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm. Vệ tinh LOTUSat-1 sẽ chụp ảnh và cung cấp các thông tin chính xác để ứng phó để giảm thiểu các tác động của thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn tài nguyên và giám sát môi trường.

Tập đoàn NEC sẽ thiết kế, chế tạo và đào tạo nhân lực tại nhà máy sản xuất vệ tinh ở Nhật Bản, sau đó chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Quá trình thiết kế diễn ra cùng với việc đào tạo 86 học viên thực hành chế tạo, vận hành và ứng dụng ảnh vệ tinh.

TS Huy cho biết, phát triển vệ tinh LOTUSat-1 thuộc dự án "Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất" được khởi công tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam, triển khai từ tháng 9/2012.

Đến tháng 11/2023, dự án đã hoàn thành 99% hạng mục xây dựng hạ tầng, đang chuẩn bị lắp đặt các thiết bị. Việc chế tạo vệ tinh LOTUSat-1 dự kiến hoàn thành vào 3/2024 và chờ phóng lên quỹ đạo vào tháng 12/2024 đến tháng 2/2025.

Đài thiên văn tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cơ sở tại Hoà Lạc. Ảnh: Giang Huy

Đài thiên văn tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cơ sở tại Hòa Lạc.

Theo lộ trình, tháng 9/2024, toàn bộ hệ thống mặt đất chuẩn bị vận hành vệ tinh sẽ được hoàn thiện tại Trung tâm vũ trụ Việt Nam, cơ sở Hòa Lạc. Khi đó, toàn bộ hệ thống sẽ đi vào vận hành, sẵn sàng đón nhận những tín hiệu đầu tiên của vệ tinh.

TS Huy cho biết, khác với các vệ tinh quang học, vệ tinh radar có thể chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết, đặc biệt khi thời tiết có mây, sương mù, điều kiện thiếu ánh sáng. Ông Huy kỳ vọng dữ liệu cung cấp từ vệ tinh radar này sẽ đóng góp quan trọng cho Việt Nam, trong điều kiện môi trường khí hậu có nhiều mây.

Bên cạnh phát triển vệ tinh, Trung tâm cũng chuẩn bị các lớp học, chuyển giao công nghệ xử lý ảnh vệ tinh radar; chuẩn bị sẵn sàng về công nghệ, nhân lực để khi vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, các dữ liệu sẽ được khai thác hiệu quả, phục vụ cho các đơn vị sử dụng dữ liệu ảnh của vệ tinh này trong tương lai. "Vệ tinh dự kiến hoạt động 5 năm trên quỹ đạo", TS Huy nói.

Để khai thác hiệu quả vệ tinh LOTUSat-1, hồi tháng 11/2023 GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và GS Yamakawa Hiroshi, Chủ tịch Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã ký thỏa thuận thực hiện nghiên cứu khả thi trong hợp tác khoa học thuộc lĩnh vực công nghệ vũ trụ.

Theo hợp tác này, hai bên chia sẻ các kinh nghiệm vận hành khai thác vệ tinh LOTUSat-1 trên quỹ đạo, kinh nghiệm vận hành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và tìm phương án chia sẽ dữ liệu ảnh vệ tinh.

Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ từ năm 2006. Dưới sự hỗ trợ của JAXA, các kỹ sư của VAST đã nghiên cứu, chế tạo ba vệ tinh siêu nhỏ "Made in Viet Nam" gồm PicoDragon, Nano Dragon và MicroDragon và đã được JAXA hỗ trợ phóng thành công vào quỹ đạo.

Theo vnexpress.net