Chủ nhật, 05/01/2025, 11:46[GMT+7]

Xây dựng cơ chế, chính sách cho công nghiệp bán dẫn

Chủ nhật, 04/02/2024 | 15:11:22
2,204 lượt xem
Trước những cơ hội và thách thức của ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ là khâu quan trọng, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành khác bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Nghiên cứu, phát triển công nghiệp bán dẫn.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, nhiều nhà đầu tư lớn của các quốc gia phát triển đang sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực chip bán dẫn. Trong quy trình sản xuất chip có 3 khâu: Thiết kế, chế tạo, đóng gói-thử nghiệm; trong đó, Việt Nam đang làm tốt khâu đóng gói-thử nghiệm, đúng hơn là công nghiệp phụ trợ cho đóng gói-thử nghiệm.

Với những cơ hội mở ra, thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung vào khâu nào? Nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta cần tập trung khâu thiết kế, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nên mạnh dạn đầu tư vào sản xuất.

Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm đến việc đẩy mạnh ngành công nghiệp chip bán dẫn. Tuy nhiên, để phát triển ngành này phải hội tụ nhiều yếu tố về nghiên cứu, nhân lực... Chính phủ đã phân công rõ nhiệm vụ của từng bộ, ngành đối với việc xây dựng chiến lược, phát triển nhân lực. Bộ Khoa học và Công nghệ với thế mạnh cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu sẽ tập trung vào việc nghiên cứu. Thông qua việc nghiên cứu, bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ về ngành công nghiệp này nên tập trung vào phần nào, trên cơ sở nguồn lực, thực tiễn của Việt Nam để chúng ta có thể đi ngắn nhất, nhanh nhất, thành công nhất.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có các chương trình khoa học và công nghệ, chùm nhiệm vụ liên quan chip bán dẫn; đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm tại Việt Nam, hoặc đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các viện nghiên cứu, trường đại học có lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến bán dẫn; đồng thời, thu hút nguồn chất xám, công nghệ từ nước ngoài thông qua việc khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài tham gia phát triển lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ đẩy mạnh trong chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, chương trình hợp tác song phương, đa phương đối với những nước có thế mạnh về khoa học và công nghệ; từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu có thể áp dụng, nắm bắt nhanh nhất công nghệ lõi trong lĩnh vực này.

Một số ý kiến cho rằng, từ năm 2010, sản phẩm chip bán dẫn đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục là một trong các sản phẩm quốc gia, tuy nhiên chúng ta chưa triển khai được một cách triệt để; do đó cần ưu tiên triển khai các chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia liên quan đến chip bán dẫn. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng triển khai chương trình sản phẩm quốc gia đối với chip bán dẫn.

Các doanh nghiệp có thế mạnh như Viettel, FPT, CMC... và các viện nghiên cứu, trường đại học có thể phối hợp chặt chẽ hơn để tham gia vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia liên quan đến chip bán dẫn. Qua đó, tạo ra hệ sinh thái giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp sản xuất, từ khâu thiết kế, đến chế tạo sản phẩm. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng các chính sách về đầu tư và hỗ trợ những trang thiết bị cho việc đo lường, kiểm định các sản phẩm chip bán dẫn theo đúng tiêu chuẩn, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm.

Tại buổi tổng kết chương trình phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Quốc phòng mới đây, đại diện Viettel cho biết, đơn vị này đang có dự án liên quan chip bán dẫn, và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp xây dựng, đề xuất những chính sách đặc biệt nhằm tháo gỡ cho ngành chip bán dẫn.

Ông Đàm Bạch Dương cho biết, đây là ngành rất đặc biệt và đặc thù, do đó, nếu sử dụng các chính sách thông thường sẽ rất khó phát triển. Hiện nay, các chính sách cho ngành này nằm rải rác ở nhiều nơi. Chip bán dẫn nằm trong danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, vì thế sẽ có một số ưu đãi về đầu tư. Đối với hoạt động nghiên cứu, chip bán dẫn nằm trong danh mục các sản phẩm quốc gia thì có một số ưu đãi với hoạt động nghiên cứu... Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành nghiên cứu chính sách đồng bộ, đặc thù tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia vào nghiên cứu, chế tạo, phát triển và sản xuất chip bán dẫn.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, và không chỉ có vậy, còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới. Phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT. Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số. Công nghiệp chuyển đổi số là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam có tới 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hóa nhanh, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, cho nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn nước nhà...

Theo nhandan.vn