Thứ 6, 22/11/2024, 22:22[GMT+7]

Nhà khoa học gốc Việt sở hữu 28 bằng sáng chế

Thứ 6, 16/02/2024 | 10:24:14
1,256 lượt xem
Sang Mỹ, từng làm đủ nghề, có lúc tưởng chừng giấc mơ sụp đổ, TS David Vu nhận ra 'chỉ có con đường học vấn mới thay đổi được hiện tại' và anh trở thành chủ nhân của 28 bằng sáng chế.

TS David Vũ.

Cuối năm 1991 sau khi hoàn tất chuyên ngành Địa chất công trình thủy văn tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM (nay thuộc ĐHQG TP HCM), David Vũ theo gia đình đến thành phố Lincoln thuộc tiểu bang Nebraska, Mỹ định cư. Vốn tiếng Anh hạn chế khiến anh khá chật vật tìm cách tồn tại. Ban đầu, anh làm cho một công ty thịt đông lạnh, nhưng sớm nhận ra công việc lao động chân tay hàng giờ trong môi trường lạnh buốt vốn không đem lại tương lai cho chàng trai 23 tuổi thân hình nhỏ thó và đầy khát vọng.

Để trau dồi vốn tiếng anh và kiếm tiền trang trải việc đi học, David Vũ chuyển sang làm phụ tá phòng khám bác sĩ thú y người bản địa. Kinh tế khó khăn, anh thường nhịn ăn sáng, chỉ dành một thanh socola hay một lon bắp ngô cho bữa trưa. Anh kể mùa đông tiểu bang Nebraska có lúc xuống tới âm 30 độ C, phương tiện đi lại không có, anh thường xuyên phải chạy bộ hàng giờ, đôi khi chân tay tê buốt, môi nứt nẻ chảy máu. Mùa đông, mỗi ngày anh đi học bằng xe bus với mũ trùm kín mặt chỉ chừa ra hai con mắt và lỗ mũi. Trời lạnh đến mức hơi thở đóng băng trông như bộ râu tuyết.

"Khởi đầu giấc mơ Mỹ tưởng chừng như hoàn toàn sụp đổ. Tôi nhận ra phải thành công trên con đường học vấn mới có thể thay đổi được hiện tại", anh kể với VnExpress về mùa đông đầu tiên nơi xứ lạ.

Khát khao thành công, đến năm 1993, anh thi đỗ ngành kỹ sư Hóa học tại Đại học Nebraska-Lincoln. Đây là ngôi trường vào top 30% các đại học nghiên cứu quốc gia hàng đầu của Mỹ. Anh làm nhiều việc để có tiền trang trải. Khi thì phiên dịch tại Sở giáo dục thành phố Lincoln, lúc phụ tá cho các giáo sư nghiên cứu. David Vũ sau đó nhận được học bổng McNair Scholar dành cho sinh viên xuất sắc nghiên cứu khoa học, hướng tới theo học bậc tiến sĩ. Học bổng này trở thành bước ngoặt trên con đường học thuật và cơ duyên đưa anh tới niềm đam mê nghiên cứu.

Anh làm việc với hai giáo sư khoa kỹ sư hóa và kỹ sư xây dựng, nghiên cứu cách phát hiện vết nứt của bê tông cầu đường và thép. Năm 1997, David Vũ tốt nghiệp kỹ sư ngành hóa và tiếp tục học thạc sĩ, tập trung nghiên cứu về chất xúc tác acid dạng rắn để thay thế cho chất xúc tác dạng lỏng. Năm 1999, nhận bằng thạc sĩ ngành kỹ sư hóa, anh làm việc cho hãng ATARD laboratory, công ty nghiên cứu về hợp chất polymer cho máy bay và motor điện. Sau đó, anh tiếp tục theo học tiến sĩ tại Đại học Nebraska. Đây là thời điểm anh bứt phá với hai bằng sáng chế. Đầu tiên là nghiên cứu phương pháp tách chất cafein ra khỏi cafe từ máy pha cafe tự động bằng chất zeolite và silica imprinting trên sợi cellulose và một bằng sáng chế về sản xuất công nghệ nano (hạt và sợi nano) từ chất chitosan (vỏ tôm). Nghiên cứu gắn zeolite trên sợi cellulose giúp anh trở thành người thứ 3 trên thế giới được cấp bằng sáng chế về nghiên cứu này.

Trước khi nhận bằng tiến sĩ tháng 12/2005, anh làm việc theo lời mời của công ty LNK Chemsolutions, chuyên nghiên cứu trong lĩnh vực y tế. Tại đây, anh được cấp sáng chế sử dụng công nghệ nano để chế tạo thuốc trị ung thư. Anh cũng song song viết phần mềm cho công ty Kamterter Products LLC, chuyên về công nghệ nông nghiệp và hạt giống) và gắn bó cho đến nay.

TS David Vũ bảo ở Mỹ các trường đại học không chú trọng đào tạo sâu kiến thức cho các nghiên cứu sinh mà đào tạo phương pháp nghiên cứu khoa học. Các nghiên cứu sinh sau khi ra trường có thể đi theo hướng đam mê mới. Đây là lý do các hướng nghiên cứu của anh "biến đổi" theo sự đam mê lẫn nhu cầu thực tế.

Trong số các nghiên cứu anh được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cấp bằng, có công nghệ nano. Đó là năm 2002 công nghệ nano phát triển mạnh, anh sử dụng vỏ tôm để cấy tế bào sụn ở đầu gối lên trên thảm nano (chitosan nanofibers mat). Anh trở thành người đầu tiên trên thế giới tạo ra màng nano chitosan với liên kết ngang (crosslinking). Đây là nghiên cứu đầu tiên tạo ra sợi nano starch acetate có kích thước nhỏ hơn 40 nanometer.

Sợi nanochitosan fiber với crosslinking từ vỏ tôm. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Sợi nanochitosan fiber với crosslinking từ vỏ tôm. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Tế bào xươn sụn của đầu gối được cấy lên trên màng chitosan làm từ vỏ tôm. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Tế bào xương sụn của đầu gối được cấy lên trên màng chitosan làm từ vỏ tôm. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

56 tuổi, TS David Vũ hiện sở hữu 28 bằng sáng chế được cấp ở Mỹ, trong đó 4 bằng sáng chế của WIPO, các sáng chế tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, hóa chất và động cơ đốt trong. Các sáng chế của anh được ứng dụng giải quyết những vấn đề khó khăn trong thực tế lĩnh vực y tế và nông nghiệp.

Anh chia sẻ muốn mang công nghệ, sáng chế ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp như phun thuốc trừ sâu và diệt cỏ, hay các chất kích thích hạt giống/cây trồng chịu được mặn, hạn hán, sâu rầy, phèn và năng suất cao để giúp nền nông nghiệp của Việt Nam phát triển, đỡ phụ thuộc vào nước ngoài. Đây là các sáng chế giúp giảm tác hại thuốc trừ sâu-diệt cỏ ra môi trường, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nông dân, tiết kiệm thời gian và chi phí trong sản xuất.

TS David Vũ cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức hướng dẫn các nhà khoa học trẻ theo hướng nghiên cứu ứng dụng, đồng thời trao đổi công nghệ, hợp tác nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp. Anh cũng gợi ý các trường đại học cần đẩy mạnh quỹ đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu trong nước và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học trẻ và nghiên cứu sinh tiếp cận, và khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ.

Theo vnexpress.net