Thứ 6, 22/11/2024, 11:25[GMT+7]

Việt Nam triển khai chiến lược quốc gia về bán dẫn trong 2024

Thứ 6, 16/02/2024 | 10:28:53
2,483 lượt xem
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định bán dẫn là ngành công nghiệp trong yếu quốc gia và kêu gọi doanh nghiệp trong nước phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại Tập đoàn FPT, chiều 15/2.

Trong chuyến thăm đầu xuân tại Tập đoàn FPT chiều 15/2, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá sự đặt cược của FPT vào ba mũi nhọn chính gồm AI, chip bán dẫn và automotive "là lựa chọn chiến lược rất đúng đắn".

Riêng về ngành công nghiệp bán dẫn, theo ông Hùng, một khi loài người còn phát triển dựa trên thông tin và dữ liệu như yếu tố đầu vào của sản xuất, chip bán dẫn vẫn là trọng yếu do đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý dữ liệu.

"Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng. Không chỉ vậy, nó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30-50 năm tới", ông nói. Để đón đầu tương lai này, Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về Công nghiệp bán dẫn và sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2024.

Chiến lược này được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo năm 2023, với mục tiêu Việt Nam có 50 nghìn kỹ sư thiết kế, hàng trăm nghìn kỹ sư, lao động kỹ thuật trong các ngành liên quan, đưa Việt Nam đến 2030 trở thành một trung tâm về công nghiệp vi mạch bán dẫn với các hoạt động thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Từ mục tiêu này sẽ đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong việc cải thiện thể chế, chính sách, phát triển và đào tạo nhân lực, nghiên cứu, hỗ trợ khởi nghiệp, hình thành hệ sinh thái vi mạch bán dẫn Việt Nam, hợp tác quốc tế.

Nhắc đến thống kê về quy mô thị trường thiết kế chip bán dẫn là khoảng 60 tỷ USD mỗi năm, ngành bán dẫn nói chung là 600 tỷ USD mỗi năm, nhưng ngành công nghiệp điện tử có thể đạt 3.000 tỷ USD hay ngành chuyển đổi số là 20 nghìn tỷ USD, Bộ trưởng khuyến nghị các doanh nghiệp như FPT cần nhìn ngành này trong một bức tranh lớn.

Theo ông, người Việt có lợi thế lớn về nguồn nhân lực, với năng khiếu trong các ngành toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học (STEAM) - đều là yếu tố căn bản trong việc làm chip. "Từ lợi thế nhân lực sẽ tạo ra lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Công nghiệp bán dẫn là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số và chuyển đổi số là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Phát triển ngành bán dẫn sẽ là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử trong nước, mở rộng ra các mảng như thiết bị điện tử viễn thông, tiêu dùng, y tế, công nghiệp, đặc biệt khi lĩnh vực thiết bị AI đang phát triển.

"Việt Nam có 100 triệu dân, là thị trường lớn đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hóa chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng nhanh. Đây là điều kiện thuận lợi cho công nghiệp bán dẫn nước nhà", ông nói.

FPT đặt cược vào AI, bán dẫn và công nghệ ôtô

Chia sẻ với Bộ trưởng, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết năm 2023, tập đoàn đạt doanh thu 52.618 tỷ đồng, tăng trưởng 19,6%, lợi nhuận 9.203 tỷ, tăng 20,1% so với năm trước đó. Điểm nhấn của tập đoàn là phát triển ở thị trường nước ngoài, với doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ nước ngoài lần đầu đạt một tỷ USD, mở rộng hiện diện ở 30 quốc gia.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ tại buổi gặp Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chiều 15/2. Ảnh: Vân Anh

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ tại buổi gặp Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chiều 15/2. 

Về định hướng năm 2024, ông Bình khẳng định AI, bán dẫn và công nghệ ôtô sẽ là ba hướng đi khối công nghệ FPT sẽ tập trung. Ở lĩnh vực chip bán dẫn, FPT Semiconductor là công ty Việt Nam đầu tiên thiết kế chip thương mại hóa, có đơn hàng 70 triệu chip cho Nhật Bản, Hàn Quốc. Với ngành công nghiệp ôtô, tập đoàn đã thành lập công ty FPT Automotive, có đội ngũ 4.000 chuyên gia trong mảng phần mềm ôtô và nhiều đối tác, khách hàng là tên tuổi lớn toàn cầu.

Với AI, công ty cũng có đội ngũ chuyên gia lớn và đã xây dựng trung tâm trí tuệ nhân tạo tại Bình Định, tham gia vào liên minh AI thế giới do IBM và Meta khởi tạo.

"Để đạt mục tiêu lớn, FPT nghĩ quan trọng nhất là con người, hạnh phúc và chúng tôi dùng AI giúp con người, cuộc sống hạnh phúc hơn", ông Bình nói.

Sau chia sẻ của đại diện FPT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá tập đoàn đã có thể sánh vai với các hãng công nghệ lớn trên thế giới và truyền cảm hứng cho những doanh nghiệp công nghệ số khác. Việt Nam hiện có hơn 40 nghìn doanh nghiệp công nghệ số, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ. Năm 2023, 1.500 doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tổng đạt trên 7,5 tỷ USD. "Họ rất cần những doanh nghiệp lớn, thành công như FPT để nhìn vào và có niềm tin, đặc biệt là niềm tin khi đi ra nước ngoài", ông nói.

Bộ trưởng đề nghị FPT trở thành doanh nghiệp công nghệ toàn cầu và đưa tỷ trọng doanh thu từ nước ngoài lên 70%, đồng thời tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vì "đây là hai chuyển đổi quan trọng nhất của thế kỷ".

Về phát triển AI, ông Hùng khuyến nghị phát triển AI dưới dạng dịch vụ để tất cả người dân Việt Nam có thể sử dụng, tạo ra giá trị và kiếm tiền từ trí tuệ nhân tạo. "Để AI trao quyền cho con người, AI phải phổ cấp như dịch vụ, và trách nhiệm phổ cập này thuộc về các công ty công nghệ số như FPT", Bộ trưởng nói.

Theo vnexpress.net