Thứ 6, 22/11/2024, 11:33[GMT+7]

Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị tăng thời hạn cấp phép với thiết bị bức xạ

Thứ 2, 15/04/2024 | 16:17:44
1,566 lượt xem
Các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ độ rủi ro thấp được Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị tăng thời hạn khai báo, cấp phép lên 5 năm, thay vì 3 năm như hiện nay giúp giảm chi phí, thủ tục.

Bảng thông báo tình trạng hoạt động dây chuyền chiếu xạ tại Trung tâm nghiên cứu triển khai công nghệ bức xạ tại TP HCM, tháng 7/2023.

Kiến nghị nêu trong dự thảo đánh giá tác động chính sách đề nghị xây dựng Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi) do Bộ Khoa học và Công nghệ gửi Chính phủ và đang lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, người dân.

Theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ trên mức miễn trừ khai báo phải thực hiện các thủ tục khai báo, cấp phép. Tuy nhiên, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, thực tế một số lượng không nhỏ thiết bị bức xạ, thuộc diện trên mức miễn trừ, nhưng có thiết kế tự che chắn, có khóa liên động (chỉ vận hành được khi khoang phát tia đã được đóng kín), cùng với suất liều trong quá trình sử dụng chỉ xấp xỉ bằng phông môi trường, an toàn cho người sử dụng.

Các thiết bị bức xạ trong tiêu chuẩn này gồm máy phân tích huỳnh quang tia X ứng dụng trong công nghiệp để soi kiểm tra bo mạch điện tử. Ngoài ra, còn có số lượng đáng kể các nguồn phóng xạ hoạt độ thấp được sử dụng để hiệu chuẩn (năng lượng, hiệu suất) cho thiết bị ghi đo bức xạ tại các viện nghiên cứu, trường đại học.

Theo đánh giá, đây được coi là các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ có độ rủi ro thấp. Tuy nhiên, theo quy định, những thiết bị này phải tiến hành thủ tục cấp phép, khai báo sau mỗi ba năm. Điều này được Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng không cần thiết, gây lãng phí nguồn lực chi phí, thời gian của tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục. Phía cơ quan nhà nước với quy định này tăng khối lượng công việc trong xử lý, lưu giữ hồ sơ xin cấp phép.

Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị tăng thời hạn khai báo, cấp phép các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ có độ rủi ro thấp từ 3 năm lên 5 năm. Bộ cũng chủ trương chuyển các thủ tục hành chính trong việc này từ "cấp phép" sang "đăng ký" với trình tự thủ tục đơn giản hơn về thành phần hồ sơ, theo hướng dẫn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Điều này giúp, tổ chức, doanh nghiệp giảm được chi phí đăng ký, tiết kiệm thời gian, đi lại khi thực hiện thủ tục.

Thống kê đến cuối năm 2023 của Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân, cả nước có khoảng 1.000 thiết bị phân tích huỳnh quang tia X có cơ cấu tự che chắn. Nếu áp dụng hình thức đăng ký với thời hạn 5 năm thì doanh nghiệp có thể tiết kiệm kinh phí trung bình 400 triệu đồng mỗi năm. Con số này sẽ tăng hơn nữa nếu cơ quan quản lý xem xét giảm mức phí đăng ký do thủ tục đơn giản hơn về thành phần hồ sơ so với cấp phép.

Hiện dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi dựa trên cơ sở 6 nhóm chính sách lớn, gồm:

Thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, coi trọng năng lượng hạt nhân, chế tạo thiết bị, hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực;

Bảo đảm an toàn, an ninh nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân và vật liệu hạt nhân;

Thanh sát và không phổ biến vũ khí hạt nhân;

Quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng;

Ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân;

Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử như: Khai báo, đăng ký, cấp giấy phép, cấp chứng chỉ; Thanh tra, kiểm tra; xử lý vi phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo;

Luật Năng lượng nguyên tử được Quốc hội Khóa XII (kỳ họp 3) thông qua ngày 3/6/2008, có hiệu lực từ 1/1/2009. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sau 15 năm thi hành cho thấy Luật không còn phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế, cũng như sự phát triển của công nghệ, nên cần thiết sửa đổi. Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) sẽ được đăng ký vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội Khóa XV.

Theo vnexpress.net