Chủ nhật, 24/11/2024, 00:40[GMT+7]

Máy bay phản lực siêu thanh tốc độ 6.174 km/h

Thứ 4, 15/05/2024 | 17:54:43
828 lượt xem
Công ty Hermeus đang phát triển máy bay siêu thanh tốc độ Mach 5 có thể bay xuyên Đại Tây Dương trong 1,5 giờ.

Hình dáng của máy bay phản lực siêu thanh Halcyon. Ảnh: Hermeus

Máy bay phản lực chở khách Halcyon có thể bay ở tốc độ Mach 5 (6.174 km/h), di chuyển giữa London, Anh và New York, Mỹ, chỉ trong 90 phút. So với nó, tốc độ tối đa của Concorde, một trong hai máy bay siêu thanh từng chở khách trong lịch sử, chỉ ở mức Mach 2,04 (2.173 km/h). Các chuyến bay thử nghiệm và hoạt động chở khách của Halcyon sẽ bắt đầu vào cuối thập kỷ này, theo Sun.

Với hơn 125 lộ trình trong kế hoạch, mẫu máy bay siêu thanh trên có tầm hoạt động 6.437 km, đủ để hoàn thành chuyến bay thẳng xuyên Đại Tây Dương như từ New York tới Paris. Tuy nhiên, lộ trình xuyên Thái Bình Dương như từ Los Angeles tới Tokyo sẽ đòi hỏi điểm trung chuyển nhỏ. Tuy nhiên, chiếc máy bay phản lực không thể dùng cho chuyến bay liên lục địa và bay nội địa trên đất liền do di chuyển ở tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh sẽ tạo ra tiếng nổ siêu thanh lớn.

Halcyon đang được phát triển bởi Hermeus, một công ty khởi nghiệp công nghệ hàng không vũ trụ ở Atlanta hướng tới cách mạng hóa giao thông bằng máy bay siêu thanh. Công ty chủ yếu tập trung vào phát triển một động cơ phản lực độc đáo giúp máy bay của họ cất cánh. Năm 2020, Hermeus thử nghiệm thiết kế động cơ mới kết hợp giữa công nghệ dùng trong hàng không và quốc phòng.

Thiết kế động cơ này lai giữa động cơ turbine phản lực luồng mà phần lớn máy bay chở khách sử dụng và động cơ phản lực dòng thẳng, loại động cơ chỉ hoạt độ ở tốc độ siêu thanh trở lên. Khi bay ở tốc độ dưới Mach 3 (3.700 km/h), không khí bị nén lại và trộn lẫn với nhiên liệu trước khi kích hoạt bên trong động cơ turbine phản lực luồng. Không khí nóng sau đó phun mạnh từ phía sau động cơ, đẩy máy bay về phía trước. Tuy nhiên, để đạt tốc độ trên Mach 5 (6.174 km/h), máy bay cần sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng.

Hermeus lên kế hoạch sử dụng chế độ turbine phản lực luồng khi máy bay ở tốc độ cận âm, đặc biệt trong lúc cất cánh và hạ cánh. Động cơ sẽ tự động chuyển sang chế độ phản lực dòng thẳng khi máy bay đạt vận tốc siêu thanh trong lúc tăng tốc và bay hành trình.

Động cơ mới sẽ được sử dụng lần đầu tiên trên Quarterhorse, nguyên mẫu máy bay thứ hai của công ty dự kiến bay gần cuối năm 2024. Phương tiện được Hermeus và Không quân Mỹ đồng phát triển trong dự án hợp tác 60 triệu USD. Mục tiêu chính của nguyên mẫu là chứng minh khả năng cất cánh và hạ cánh ở tốc độ cao. Công ty sau đó sẽ chế tạo Darkhorse, phiên bản nâng cấp của Quaterhouse có thể chở hàng. Các nguyên mẫu sẽ mở đường cho máy bay siêu thanh 20 chỗ ngồi Halcyon của công ty.

Theo vnexpress.net