Thứ 4, 21/05/2025, 09:57[GMT+7]

Hội thi sáng tạo Khoa học - Công nghệ và Kỹ thuật Thái Bình lần thứ V Sân chơi trí tuệ

Thứ 3, 27/08/2013 | 14:02:25
2,421 lượt xem
Hội thi Sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật Thái Bình lần thứ V là một sân chơi bổ ích, lý thú, thiết thực để cán bộ, CNVCLĐ và nhân dân vận dụng những tri thức đã được học, tìm tòi, suy nghĩ, sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, những giải pháp hữu ích, thiết thực phục vụ cho việc học tập, lao động, sản xuất và các hoạt động xã hội.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phối giống cho lợn nái Móng Cái bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (Đề tài tham dự Hội thi của Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Thái Bình).

Những kết quả từ Hội thi đã góp phần quan trọng vào việc khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong đội ngũ trí thức và người lao động ở các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh.

 

Giống cây trồng là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả của ngành trồng trọt. Để đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng của sản xuất đại trà, Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình luôn coi trọng công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng mới. Giải pháp nghiên cứu, chọn tạo và khảo nghiệm giống lúa thuần TBR45 tham dự Hội thi Sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật Thái Bình lần thứ V là giải pháp nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới theo phương pháp chọn lọc cá thể từ nguồn vật liệu nội cho hiệu quả kinh tế cao so với giống khác 12,7 triệu đồng/ha. Đây là  giống thuần có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, ổn định, có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất thuận và sâu bệnh tốt, chất lượng gạo ngon và khắc phục những nhược điểm của bộ giống cũ, phù hợp hơn với xu thế chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống lúa.

 

Với mong muốn việc phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được áp dụng rộng rãi và đem lại lợi ích cho người chăn nuôi, Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Thái Bình đã mang đến Hội thi đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật huấn luyện, khai thác, pha chế tinh dịch lợn đực rừng phối giống cho lợn nái Móng Cái bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo”. Giải pháp cụ thể là thuần hóa lợn đực rừng sau đó sản xuất rồi dùng tinh lợn đực rừng thụ tinh nhân tạo cho lợn nái Móng Cái. Đây là giải pháp lần đầu tiên được nghiên cứu thành công ở Việt Namon> thông qua thực tiễn chăn nuôi lợn rừng và lợn lai rừng. Sự thành công của giải pháp là hướng đi mới trong chăn nuôi đem lại hiệu quả hiệu quả kinh tế  cho người chăn nuôi cao gấp 3 - 5 lần. Phương pháp này góp phần kiểm soát được dịch bệnh, tránh được hiện tượng đồng huyết, cận huyết, đa dạng hóa giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh, các hộ chăn nuôi dễ dàng sản xuất được giống lợn rừng lai mà không phải đầu tư để mua lợn đực rừng.

 

Hiện nay nhu cầu sử dụng giấy khổ A4 (kích thước 210 x 297mm) rất lớn. Giấy A4 (hoặc  giấy A3) chủ yếu được sản xuất bằng cách xén tay thủ công hoặc bằng máy nhưng còn nhiều hạn chế. Trước thực trạng đó, Công ty TNHH cơ khí Quốc Hòa đã triển khai công trình nghiên cứu và cho ra đời loại máy cắt giấy khổ A4 (A3) để đáp ứng cho nhu cầu của xã hội. Máy cắt giấy Quốc Hòa mang tính tự động hóa, tích hợp nhiều chức năng, không kén định lượng giấy, được thiết kế vững chắc, hoạt động ổn định, vận hành linh hoạt, tích hợp hệ thống bảo vệ pha, chống mất pha ở nguồn cung cấp đến, bảo vệ điện áp không. Tùy khổ lô giấy 420 - 1050mm khi chạy qua hệ thống lô dẫn đến dao quay đĩa phân thành các dải bề rộng 210mm sau đó dẫn đến dao quay cắt kích thước 297mm giấy A4. Sau khi đạt kích thước được tải qua dây đai đi xuống bộ vỗ tạo chồng giấy ngay ngắn. Khi đếm đủ số tờ, một hệ thống sẽ gắp và kéo ra  sắp xếp thành từng chồng riêng biệt trên băng tải và băng tải chuyển các gam giấy ra ngoài để công nhân đóng gói  sau đó bàn gắp lại trở về vị trí chờ gắp chồng tiếp theo. Máy hoạt động nhẹ nhàng, dùng năng lượng điện sạch nên không thải ra các chất có hại cho môi trường xung quanh.

 

Tiếp nối thành công của các hội thi lần trước, Hội thi Sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật Thái Bình lần thứ V (2012 - 2013) đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hơn 100 đề tài, giải pháp tham gia Hội thi của đội ngũ trí thức, người lao động trong tỉnh được nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống học tập, lao động sản xuất đã minh chứng cho khả năng nghiên cứu, sức sáng tạo của những con người trên quê hương “năm tấn”. Để Hội thi đạt kết quả cao, công tác tuyên truyền được Ban tổ chức chú trọng. Thường trực Ban tổ chức Hội thi đã in 3.000 tờ rơi, thể lệ và mẫu phiếu đăng ký tham gia dự thi; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát tờ rơi đến cán bộ, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), đoàn viên, thanh niên và người lao động trong tỉnh; tổ chức 244 buổi tuyên truyền tại các lớp tập huấn, hội thảo và tuyên truyền trực tiếp tại một số trường học, cơ quan, đơn vị. Nhờ vậy, Hội thi đã thu hút sự quan tâm, tích cực tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh. Tính đến ngày 30/6/2013, Ban tổ chức Hội thi đã nhận được 108 đề tài, giải pháp dự thi. Nhìn chung, các đề tài, giải pháp tham dự Hội thi đều xuất phát từ thực tiễn công tác, lao động, sản xuất; nhiều đề tài, giải pháp có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng rộng rãi, sẽ góp phần quan trọng trong việc  thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

 

Hội thi Sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật Thái Bình lần thứ V là một sân chơi bổ ích, lý thú, thiết thực để cán bộ, CNVCLĐ và nhân dân vận dụng những tri thức đã được học, tìm tòi, suy nghĩ, sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, những giải pháp hữu ích, thiết thực phục vụ cho việc học tập, lao động, sản xuất và các hoạt động xã hội. Những kết quả từ Hội thi đã góp phần quan trọng vào việc khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong đội ngũ trí thức và người lao động ở các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh. Đây cũng là dịp để tôn vinh, ghi nhận các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và phục vụ sản xuất, đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Bài, ảnh: Mai Thư

 

  • Từ khóa