Thứ 7, 23/11/2024, 23:39[GMT+7]

Thuốc phóng xạ của Việt Nam được điều chế thế nào?

Thứ 3, 21/05/2024 | 10:26:44
2,277 lượt xem
Vật liệu không có phóng xạ được đưa đến Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chiếu xạ, sau đó sẽ tách chiết để lấy hạt nhân phóng xạ cần cho chẩn đoán và điều trị ung thư.

TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh bên trong phòng sản xuất thuốc phóng xạ tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Hiện Viện nghiên cứu hạt nhân là đơn vị duy nhất trong cả nước ứng dụng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để sản xuất thuốc phóng xạ. Các dược chất phóng xạ đang được điều chế tại đây có I-131 dung dịch và viên nang dùng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tuyến giáp (basedow, ung thư tuyến giáp...); P-32 dung dịch dùng điều trị giảm đau ung thư do di căn xương; P-32 dạng tấm áp dùng điều trị u mạch máu cho trẻ em; Tc-99m gắn với các hợp chất đánh dấu đặc hiệu (MDP: xạ hình xương; DTPA: xạ hình thận; Phytec: xạ hình gan) cho 25 khoa y học hạt nhân trên toàn quốc trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Một số sản phẩm cũng được xuất khẩu sang Campuchia.

Phòng điều chế  dược chất I-131. Ảnh: Viện nghiên cứu hạt nhân

Phòng điều chế dược chất I-131. Ảnh: Viện nghiên cứu hạt nhân

TS Phạm Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ, Viện nghiên cứu hạt nhân cho biết, nhu cầu sử dụng thuốc phóng xạ ngày càng tăng cao. Lý do chẩn đoán và điều trị bệnh bằng các thuốc phóng xạ là phương pháp không thể thay thế đối với một số bệnh ung thư hiện nay.

Hiện thuốc phóng xạ sử dụng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đang đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. "Việc chủ động sản xuất các thuốc phóng xạ trong nước giúp giá sản phẩm rẻ bằng 1/3 so với nhập khẩu và góp phần hình thành và phát triển mạng lưới y học hạt nhân trong nước", TS Minh cho biết. Tuy nhiên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt có công suất thấp (500 kW) nên chưa cung cấp đủ nhu cầu trong nước. Ngoài ra, Việc nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thuốc cũng gặp khó khăn do vướng các quy định của Bộ Y tế.

Khoa Y học Hạt nhân, bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) là một trong 25 đơn vị trong cả nước sử dụng thuốc phóng xạ điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân mỗi tháng. Bệnh viện hiện đang sử dụng thuốc phóng xạ I-131 từ Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và từ nước ngoài để điều trị các loại ung thư tuyến giáp, bệnh cường giáp như Basedow...

TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, trong vài năm trở lại đây nhu cầu bệnh nhân sử dụng thuốc phóng xạ trong điều trị và chẩn đoán ngày càng cao. Bệnh viện được trang bị máy gia tốc vòng Cyclotron sản xuất thuốc phóng xạ F-18 FDG sử dụng trong ghi hình PET/CT chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý ung bướu và thần kinh. Thuốc phóng xạ F-18 FDG có thời gian bán rã 2 giờ, thời gian sử dụng 8 giờ, có thể cung cấp cho một số bệnh viện trong thành phố. Theo bác sĩ Cảnh, thiết bị đã 15 năm, công suất giảm, dẫn đến khó đáp ứng đủ cho nhu cầu ghi hình PET/CT cho các bệnh viện.

Hiện bệnh viện Chợ Rẫy có thể chủ động pha chế thuốc phóng xạ Ga-68 PSMA dùng trong ghi hình PET/CT cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt và thuốc Ga-68 Dotatate dùng trong ghi hình PET/CT cho bệnh nhân u thần kinh nội tiết. Thuốc chỉ sử dụng nhanh trong bệnh viện sau khi pha chế vì hai loại thuốc này thời gian bán rã ngắn (68 phút). Thực tế, các loại thuốc phóng xạ có thời gian sử dụng rất ngắn nên khi sản xuất xong phải sử dụng ngay.

Tại bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài thuốc phóng xạ Iod I-131 được sản xuất và sử dụng trong nước, các thuốc phóng xạ khác dùng trong điều trị bệnh phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí có thể từ vài trăm triệu đồng cho một đợt điều trị 6-8 tuần. Bác sĩ Cảnh nói, nếu sản xuất thuốc phóng xạ trong nước, có thể chủ động trong việc điều tiết sản xuất, tức có thể yêu cầu ngừng sản xuất ngay khi bệnh nhân vì lý do nào đó không thể sử dụng, tránh lãng phí.

Đề cập đến sự phát triển trong ngành y học hạt nhân, bác sĩ Cảnh nhận định xu hướng hiện nay là điều trị nhắm trúng đích bằng thuốc phóng xạ cho một số bệnh lý ung thư tuyến tiền liệt, ung thư di căn xương, ung thư biểu mô tế bào gan, u thần kinh nội tiết... Nhà khoa học Việt Nam cần có các nghiên cứu sản xuất được những thuốc phóng xạ nhắm trúng đích đang sử dụng rộng rãi trên thế giới. Nghiên cứu hướng đến việc gắn kết đồng vị phóng xạ trên thuốc nhắm trúng đích để ghi hình, đánh giá khả năng hấp thụ của thuốc nhắm trúng đích vào các tổn thương ung thư, làm cơ sở giúp bác sĩ ra quyết định điều trị. "Các thuốc nhắm trúng đích có thể cung ứng cho các bệnh viện thì chi phí cho việc điều trị có thể giảm hơn 50%", bác sĩ Cảnh nói. Ông cũng đề xuất TP HCM cần có trung tâm sản xuất các thuốc phóng xạ có thời gian sử dụng ngắn, dùng trong ngày để cung ứng cho các bệnh viện trong thành phố và các tỉnh thành lân cận để sử dụng ghi hình chẩn đoán bệnh trên các thiết bị SPECT, SPECT/CT, PET/CT.

Với dự đoán nhu cầu dược chất phóng xạ tăng cao trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu hạt nhân đang có kế hoạch bổ sung thanh nhiên liệu U-235 độ giàu thấp (19,75%) để tăng cường chạy lò sản xuất các dược chất phóng xạ trong 10 năm tới nhằm cung ứng khoảng 80% nhu cầu cho các bệnh viện trong và ngoài nước. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang thúc đẩy triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (CNST) với lò phản ứng hạt nhân có công suất lớn 10 MWt, trong đó ứng dụng lò để sản xuất đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Viện cũng dự định xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, đầu ngành thuốc phóng xạ (ít nhất 10 người), để nghiên cứu và phát triển sản phẩm ứng dụng vào thực tế.

Theo vnexpress.net