Thứ 4, 26/06/2024, 17:14[GMT+7]

Nhà khoa học lo vệ tinh có thể ngăn tầng ozone tự chữa lành

Thứ 2, 17/06/2024 | 15:03:36
1,041 lượt xem
Các vệ tinh như Starlink của SpaceX có thể làm suy giảm tầng ozone do thải ra chất ô nhiễm trong quá trình lao trở lại khí quyển.

Minh họa vệ tinh lao xuống khí quyển bốc cháy. Ảnh: ESA

Trong nghiên cứu trên tạp chí Geophysical Research Letters, nhóm nhà khoa học từ Đại học Nam California ước tính tác động tiêu cực từ việc vệ tinh đưa các chất ô nhiễm độc hại như oxit nhôm vào tầng khí quyển trên cao khi chúng rơi trở lại khí quyển và cháy rụi, Futurism hôm 16/6 đưa tin. Những vệ tinh sắp dừng hoạt động này có thể góp phần làm suy giảm đáng kể tầng ozone - "tấm chắn nắng" bảo vệ Trái Đất khỏi bức xạ tia cực tím quá mức từ Mặt Trời.

Hiện nay, giới nghiên cứu chủ yếu tập trung vào những chất ô nhiễm do tên lửa thải ra khi phóng, trong khi mới chỉ bắt đầu hiểu được tác động của việc hàng nghìn vệ tinh ngừng hoạt động hoặc gặp trục trặc và cháy rụi trong khí quyển. Tác động này ngày càng lớn hơn khi SpaceX đã phóng gần 6.000 vệ tinh Starlink và dự kiến phóng thêm hàng chục nghìn vệ tinh nữa. Tham vọng của SpaceX cũng góp phần thúc đẩy những mạng lưới vệ tinh khổng lồ tương tự được xây dựng xung quanh Trái Đất.

"Vài năm gần đây, mọi người mới bắt đầu nghĩ rằng nó có thể trở thành một vấn đề rắc rối. Chúng tôi là một trong những nhóm đầu tiên nghiên cứu tác động của điều này", Joseph Wang, đồng tác giả nghiên cứu mới, chuyên gia về du hành vũ trụ tại Đại học Nam California, cho biết.

Việc thu thập dữ liệu chính xác từ những chất gây ô nhiễm mà vệ tinh thải ra khi rơi trở lại khí quyển gần như bất khả thi, do đó, nhóm nhà khoa học chỉ có thể ước tính tác động của chúng đến môi trường xung quanh. Nhờ nghiên cứu cách những kim loại phổ biến dùng trong chế tạo vệ tinh tương tác với nhau, họ ước tính rằng sự hiện diện của nhôm trong khí quyển tăng tới gần 30% chỉ riêng trong năm 2022.

Nhóm nghiên cứu cho biết, một vệ tinh 250 kg tạo ra khoảng 30 kg hạt nano oxit nhôm trong quá trình hồi quyển. Chúng sẽ mất tối đa khoảng 30 năm để trôi xuống tầng bình lưu. Tổng cộng, nếu các mạng lưới vệ tinh như Starlink tiếp tục phát triển theo kế hoạch, lượng oxit nhôm trong khí quyển có thể tăng tới 646% mỗi năm so với mức tự nhiên.

"Tác động môi trường từ quá trình vệ tinh hồi quyển hiện chưa được hiểu rõ. Khi số lượng vệ tinh hồi quyển tăng lên, việc tìm hiểu thêm những vấn đề được đề cập trong nghiên cứu mới rất quan trọng", nhóm chuyên gia viết.

Theo vnexpress.net