Thứ 2, 25/11/2024, 07:10[GMT+7]

Mỹ sẽ sản xuất siêu máy tính mạnh gấp 5 lần kỷ lục hiện nay

Thứ 3, 30/07/2024 | 15:34:29
1,146 lượt xem
Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đang chuẩn bị phát triển siêu máy tính thế hệ mới mạnh gấp 5 lần siêu máy tính mạnh nhất hiện nay là Frontier, dự kiến đạt 8,5 exaflop.

Siêu máy tính Frontier ở Thư viện quốc gia Oak Ridge. Ảnh: ORNL

Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đặt mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ ở mảng máy tính hiệu suất cao. DOE đề nghị mời thầu thiết kế siêu máy tính tiên tiến mang tên Discover nhằm thay thế Frontier, siêu máy tính nhanh nhất thế giới hiện nay, Interesting Engineering hôm 28/7 đưa tin. Frontier nằm ở Thư viện quốc gia Oak Ridge (ORNL) ở Tennessee đứng đầu trong danh sách 500 siêu máy tính nhanh nhất thế giới hiện nay 5 lần liên tiếp vào tháng 5 năm nay.

Siêu máy tính này được chế tạo với bộ xử lý AMD Epyc, bao gồm 74 tủ máy tính HPE Cray EX và chứa gần 8,7 triệu lõi CPU kết hợp GPU. Ngoài ra, cỗ máy có điểm đo lường hiệu năng Linpack lên tới 1,206 exaflop. Exaflop là đơn vị đo sức mạnh tính toán tổng hợp của hệ thống máy tính, tương đương một tỷ tỷ phép tính dấu phẩy động mỗi giây.

Dù DOE không nêu cụ thể mục tiêu hiệu suất chính xác đối với Discovery, siêu máy tính mới được kỳ vọng cung cấp hiệu suất tính toán gấp 3 - 5 lần so với Frontier, có khả năng vượt ngoài 8,5 exaflop (đơn vị đo sức mạnh tính toán tổng hợp của các hệ thống máy tính). Theo Matt Sieger, giám đốc dự án Discovery ở ORNL, Discovery sẽ cách mạng hóa nghiên cứu khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thúc đẩy đột phá trong dự đoán biến đổi khí hậu, phát hiện thuốc, vật lý năng lượng cao và giải pháp năng lượng xanh nhờ nâng cấp sức mạnh tính toán.

Nói về tiềm năng của Discovery, Georgia Tourassi, phó giám đốc khoa học máy tính ở ORNL, nhấn mạnh cộng đồng khoa học có thể lập mô hình tình huống thực tế ở mức độ chi tiết mới. "Cỗ máy sẽ giúp chúng ta nghiên cứu những vấn đề thách thức không thể dễ dàng khám phá chỉ bằng thí nghiệm, quan sát hoặc lý thuyết", Tourassi nói.

Ngoài ứng dụng khoa học, siêu máy tính mới được thiết kế để hoạt động nổi trội trong các nhiệm vụ trí tuệ nhân tạo và học máy, thúc đẩy giới hạn ở lĩnh vực khoa học vật liệu và thiết kế sản phẩm công nghiệp. Ngoài ra, Discovery sẽ đóng vai trò chủ chốt trong sáng kiến Integrated Research Infrastructure của DOE. Chương trình này hướng tới kết hợp nhiều công cụ nghiên cứu và cơ sở khoa học khác nhau.

DOE ấn định thời gian đến ngày 30/8/2024 để các nhà thầu nộp đề xuất cho siêu máy tính Discovery. Thời gian bàn giao cho Cơ sở máy tính hàng đầu Oak Ridge (OLCF) là năm 2027 hoặc đầu năm 2028. Thay vì nêu cụ thể mục tiêu tốc độ, DOE vạch ra nhiều yêu cầu đối với hệ thống thế hệ mới, bao gồm cải thiện tiết kiệm năng lượng, lập mô hình và mô phỏng toàn hệ thống, nâng cấp khả năng liên quan tới AI và học máy.

Tiết kiệm năng lượng vẫn là mục tiêu hàng đầu đối với OLCF, cơ sở tăng công suất tính toán gấp 500 lần trong khi mức tiêu thụ điện chỉ tăng 4 lần trong thập kỷ qua. Sau khi hoạt động, dự kiến các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đều có thể tiếp cận Discovery.

Theo vnexpress.net