Thứ 6, 22/11/2024, 22:20[GMT+7]

Những dấu ấn trong sự nghiệp Giáo sư Võ Tòng Xuân

Thứ 3, 20/08/2024 | 14:24:12
960 lượt xem
Giáo sư Võ Tòng Xuân có hơn 60 năm gắn bó với ngành nông nghiệp với nhiều đóng góp quan trọng trong nghiên cứu và phổ biến giống lúa năng suất cao, kháng bệnh tốt.

GS. TS Võ Tòng Xuân (trái) trong ngày nhận giải thưởng VinFuture năm 2023.

GS Võ Tòng Xuân qua đời sáng 19/8 tại một bệnh viện ở TP HCM, thọ 84 tuổi. Ông được biết đến là chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu về nông nghiệp.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, khi nhắc tới các giống lúa Thần Nông, IR36, IR33, IR64, MTL30... thường gắn với tên tuổi GS Võ Tòng Xuân. Ông có công tìm kiếm, đưa các giống mới về để lai tạo phù hợp với điều kiện trồng ở vùng đất này. Các giống lúa sau đó được trồng khắp các tỉnh miền Tây. Trong đó giống IR36 được cho là "một cuộc cách mạng" giúp khống chế được dịch rầy nâu, năng suất cao tới 8 - 9 tấn/ha.

Những năm 1980, giống lúa IR36 đã được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu ha. Đến năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, với sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn.

Ông trở thành nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng VinFuture năm 2023 với đóng góp trong việc phổ biến giống IR36 trên các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến. Trong dịp nhận giải, ông chia sẻ: "Muốn làm sao để người nông dân Việt Nam giàu hơn. Đi nước này nước kia, tôi thấy sao người nông dân người ta giàu quá vậy, mà người nông dân nước mình lại nghèo thế. Cần làm sao để người nông dân trồng lúa Việt Nam có thu nhập cao lên. Từ đó tôi xác định mục tiêu để học, nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề".

Nhiều chuyên gia nông nghiệp đánh giá "giống lúa IR36 đã tạo ra sự thay đổi lớn cho nền nông nghiệp nhờ khống chế được dịch rầy nâu. Những đóng góp trong ngành nông nghiệp của GS Võ Tòng Xuân góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới".

GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam vẫn nhớ lúc còn làm Giám đốc trung tâm giống cây trồng Việt-Nga (Liên Xô cũ) những năm 1985-1987, được GS Xuân ủng hộ hướng nhập giống thế giới về Việt Nam. Khi đó GS Xuân nói "Nguồn gene là tài sản quý của quốc gia". Việc kết hợp nguồn quốc tế với nguồn gene Việt Nam khiến ông rất hứng thú.

Nhờ việc kết hợp nguồn gene và ứng dụng công nghệ hiện đại, Việt Nam đã tự túc được 95% giống cây trồng, đặc biệt là các giống lúa thuần. Điển hình như các dòng ST24, ST25 cũng dựa vào những lý thuyết cơ bản để có được các giống lúa mới, lúa ngon nhất thế giới, điều mà kỹ sư Hồ Quang Cua, một học trò của GS Xuân đã làm được. "Các giống hiện nay như giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu chịu mặn, chịu phèn... cũng là kết quả từ ứng dụng nghiên cứu thế giới cùng với công nghệ hiện đại để cải tiến làm ra giống lúa thích hợp", GS Long nói.

Các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của GS Võ Tòng Xuân còn thể hiện qua các dự án hợp tác quốc tế. Ông thường xuyên tham gia chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong việc phát triển nông nghiệp.

GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long, kể, có thời điểm khi ở bên Tây Phi, ông gọi điện cho GS Lang nhờ giúp tạo một số giống lúa đưa qua Tây Phi để giúp đỡ người dân. Bà đã gửi 10 giống lúa của Việt Nam sang và hiện phát triển mạnh. "Khi tôi đi dự hội nghị quốc tế, nhiều nhà khoa học nước ngoài đều hỏi tôi có biết thầy Xuân không", bà nói danh tiếng của GS Xuân lan tỏa ra quốc tế và rất được trân trọng.

GS Nguyễn Thị Lang cùng GS Võ Tòng Xuân (hàng đầu) trong một lần đi đánh giá giống lúa chịu mặn phục vụ cho Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 2/2021. Ảnh: GS Lang cung cấp

GS Nguyễn Thị Lang cùng GS Võ Tòng Xuân (hàng đầu) trong một lần đi đánh giá giống lúa chịu mặn phục vụ cho Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 2/2021. Ảnh: GS Lang cung cấp

Không chỉ nghiên cứu, tạo giống lúa ông còn tìm giải pháp cải tạo đất phèn, nâng cao năng suất cây trồng. Tại vùng Bắc Long An, Hồng Ngự (Đồng Tháp) nhiễm phèn rất nặng, ông khuyến nghị xây dựng hệ thống thủy lợi dẫn nước ngọt thau chua, rửa mặn. Để giảm độ chua và độ phèn trong đất, ông khuyến khích việc sử dụng vôi bột để trung hòa axit trong đất, cải thiện tình trạng pH và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cây trồng phát triển.

Trong sự nghiệp của GS Võ Tòng Xuân, đào tạo đội ngũ kỹ sư nông nghiệp cũng để lại nhiều dấu ấn. Từng chia sẻ với VnExpress khi ra Hà Nội nhận giải năm 2023, ông cho biết năm 1976, một năm sau khi lấy bằng "bác sĩ nông học" ở Nhật Bản (tương đương với tiến sĩ), ông về nước với mong muốn đào tạo đội ngũ kỹ sư nông nghiệp tại trường Đại học Cần Thơ. Kết quả, đã có hàng nghìn sinh viên được ông truyền kiến thức.

GS.TS Nguyễn Thị Lang, cho biết, GS Xuân rất chú trọng đào tạo thế hệ trẻ kế cận. Khi ông còn làm Hiệu trưởng Đại học An Giang đã mời GS Lang xây dựng bộ môn công nghệ sinh học cho trường. "Thầy bảo ở lại trong nước ít tiền hơn nhưng hãy ráng sức vì Việt Nam", bà nhớ mãi. Đó là lý do bà giữ lời hứa về xây dựng bộ môn công nghệ sinh học cho đại học An Giang trong 5 năm.

Theo vnexpress.net