Thứ 5, 21/11/2024, 19:44[GMT+7]

Tàu vũ trụ lớn nhất NASA bắt đầu tìm sự sống trên mặt trăng của sao Mộc

Thứ 4, 16/10/2024 | 08:27:41
486 lượt xem
NASA phóng tàu vũ trụ lớn nhất khám phá mặt trăng Europa của sao Mộc - đây là một trong những môi trường hứa hẹn nhất hệ mặt Trời có thể phù hợp với sự sống.

Tên lửa SpaceX Falcon Heavy mang theo tàu vũ trụ Europa Clipper. (Ảnh: NASA)

Theo CNN, tàu vũ trụ Europa Clipper của NASA thiết kế để khám phá vệ tinh Mặt trăng Europa của sao Mộc vừa được phóng thành công bằng tên lửa SpaceX Falcon Heavy, từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida.

Tàu vũ trụ đã vào quỹ đạo và NASA xác nhận thu được tín hiệu từ Europa Clipper khoảng 70 phút sau khi phóng. Các tấm quang điện lớn của Europa Clipper sẽ giúp cung cấp năng lượng cho tàu vũ trụ trong suốt hành trình.

Europa Clipper là tàu vũ trụ đầu tiên của NASA mang sứ mệnh chuyên nghiên cứu thế giới đại dương phủ băng trong hệ Mặt trời, nhằm mục đích xác định liệu mặt trăng của sao Mộc có phù hợp cho sự sống hay không.

"Chúng ta sẽ khám phá được nhiều thứ hơn từ Europa và sẽ thay đổi hiểu biết của chúng ta về vũ trụ nếu đây là hành tinh có thể hỗ trợ sự sống”, Jenny Kampmeier, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA nói.

Europa Clipper sẽ mang theo 9 thiết bị và 1 thí nghiệm về trọng lực để nghiên cứu đại dương bên dưới lớp băng dày của Europa. Người ta ước tính rằng đại dương của Mặt trăng này chứa lượng nước lỏng gấp đôi so với đại dương của Trái đất.

"Chúng tôi sẽ tìm hiểu điều gì khiến Europa hoạt động, từ lõi, đá, đại dương và lớp vỏ băng, cho đến bầu khí quyển rất mỏng và môi trường không gian xung quanh", Robert Pappalardo, nhà khoa học làm việc trong dự án tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực cho hay.

Tàu vũ trụ này cũng mang theo hơn 2,6 triệu cái tên do mọi người từ nhiều quốc gia trên thế giới gửi đến và một bài thơ của nhà thơ Mỹ Ada Limón.

Sứ mệnh trị giá 5,2 tỷ USD này được lên ý tưởng vào năm 2013, nhưng con đường dẫn tới thời khắc phóng tàu gặp nhiều thách thức.

Vào tháng 5, các kỹ sư phát hiện ra rằng các thành phần của tàu vũ trụ có thể không chịu được môi trường bức xạ khắc nghiệt của sao Mộc. Tuy nhiên, nhóm có thể hoàn thành các thử nghiệm cần thiết kịp thời và được chấp thuận vào tháng 9 để thực hiện vụ phóng. Việc cất cánh ban đầu được lên lịch vào ngày 10/10 nhưng phải trì hoãn do bão Milton.

Sứ mệnh của Europa Clipper

Sau khi phóng, tàu Europa Clipper sẽ di chuyển 2,9 tỷ km và dự kiến đến sao Mộc vào tháng 4/2030. Trên đường đi, tàu sẽ bay ngang qua sao Hỏa và sau đó là Trái đất, tận dụng lực hấp dẫn của mỗi hành tinh để giúp tàu tiết kiệm nhiên liệu hơn và tăng tốc trong hành trình đến sao Mộc.

Europa Clipper sẽ hoạt động phối hợp với tàu vũ trụ Jupiter Icy Moons Explorer, còn gọi là Juice, được Cơ quan Vũ trụ châu Âu phóng vào tháng 4/2023, dự kiến đến nghiên cứu sao Mộc và các mặt trăng lớn nhất của nó vào tháng 7/2031.

Europa Clipper là tàu vũ trụ lớn nhất mà NASA từng chế tạo cho một sứ mệnh hành tinh. Tàu có chiều rộng 30,5 m, lớn hơn một sân bóng rổ. Các tấm quan điện khổng lồ sẽ giúp tàu hấp thụ đủ ánh sáng mặt trời để cung cấp năng lượng cho các thiết bị và đồ điện tử của tàu vũ trụ trong quá trình khám phá Europa, nơi cách xa Mặt trời gấp năm lần so với Trái đất.

Video: Tàu_vũ_trụ_lớn_nhất_NASA_bắt_đầu_tìm_sự_sống_trên_mặt_trăng_của_sao_Mộc.mp4

 Video mô phỏng tàu vũ trụ Clipper của NASA bay ngang qua Mặt trăng Europa của sao Mộc. (Nguồn: NASA)

Khi đến nơi, tàu vũ trụ sẽ thực hiện nhiệm vụ bay ngang qua Europa 49 lần thay vì hạ cánh xuống bề mặt của mặt trăng này.

Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, hành trình của tàu vũ trụ có thể kết thúc bằng việc đâm xuống bề mặt Ganymede, mặt trăng lớn nhất của sao Mộc.

Các nhà thiên văn học tin rằng các thành phần của sự sống, bao gồm nước, năng lượng và hóa học phù hợp, có thể đã tồn tại trên Europa. Tàu vũ trụ có thể thu thập bằng chứng để tìm hiểu xem các thành phần đó có cùng tồn tại theo cách giúp môi trường của Mặt trăng phù hợp với sinh sống hay không.

Nhiệm vụ sẽ nghiên cứu độ dày chính xác của lớp vỏ băng bao bọc Europa và cách lớp vỏ đông cứng tương tác với đại dương bên dưới, cũng như tìm hiểu đặc điểm địa chất Mặt trăng này.

Các nhà khoa học rất muốn biết thành phần chính xác của đại dương trên Europa và nguyên nhân khiến các cột phun lên qua các vết nứt trên băng, giải phóng các hạt vào không gian. Họ cũng muốn xác định xem vật chất từ bề mặt Europa có nhỏ giọt xuống đại dương hay không.

Để nghiên cứu kỹ lưỡng, Europa Clipper trang bị camera và quang phổ kế để ghi lại ảnh độ phân giải cao cũng lập bản đồ bề mặt và khí quyển mỏng của Europa. Tàu vũ trụ cũng mang theo thiết bị nhiệt để tìm vị trí các cột phun hoạt động và nơi băng ấm hơn. Ngoài ra, một từ kế sẽ nghiên cứu từ trường của Europa, xác nhận sự tồn tại của đại dương trên Mặt trăng này, cho đến độ sâu và nồng độ muối của nó.

Radar xuyên băng sẽ kiểm tra bên dưới lớp vỏ băng, ước tính dày khoảng 15 - 25 km, để tìm kiếm bằng chứng về đại dương trên Europa. Nếu có các cột phun hoạt động giải phóng các hạt vào không gian từ đại dương của Europa, máy quang phổ khối và máy phân tích bụi của tàu vũ trụ sẽ có thể phát hiện các hạt và phân tích thành phần của chúng.

Nếu có cột phun đang hoạt động, khối phổ kế và thiết bị phân tích bụi có thể phát hiện các hạt chúng phun vào không gian và tìm hiểu thành phần cấu tạo của nó. Tất cả các thiết bị sẽ được bật và vận hành trong mỗi lần bay ngang qua Europa để thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt.

Theo vtc.vn

  • Từ khóa