Thứ 2, 18/11/2024, 17:11[GMT+7]

'Không thay đổi cơ chế tài chính cho khoa học, Việt Nam sẽ tụt hậu'

Thứ 2, 18/11/2024 | 14:39:09
183 lượt xem
Theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân, nếu không tháo gỡ điểm nghẽn tài chính cho khoa học công nghệ và trọng dụng đội ngũ nhân lực ngành này, Việt Nam sẽ bị tụt hậu.

Nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.

Tại hội thảo "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn" được tổ chức mới đây, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân có bài tham luận "cơ chế tài chính - điểm nghẽn của điểm nghẽn trong phát triển khoa học và công nghệ".

Theo ông Quân, ba điểm nghẽn chủ yếu của khoa học và công nghệ Việt Nam là cơ chế tài chính, phương thức đầu tư và chính sách sử dụng cán bộ; trong đó, cơ chế tài chính cũng là điểm nghẽn của điểm nghẽn.

"Chừng nào chưa đổi mới thực sự cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, chừng đó khoa học công nghệ Việt Nam còn chưa thể thoát ra khỏi tình trạng khó khăn và sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu, không thể thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm", nguyên Bộ trưởng khẳng định.

Theo ông, trình độ cán bộ khoa học Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên công nghệ số - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc nếu khơi dậy được khát vọng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ nghiên cứu, tin tưởng và trao cho họ quyền tự chủ cao nhất để đổi mới sáng tạo. Khoa học và công nghệ là yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững của mọi quốc gia. Nếu không quan tâm đến phát triển khoa học công nghệ và trọng dụng đội ngũ nhân lực ngành này, "chắc chắn chúng ta sẽ không tránh khỏi nguy cơ tụt hậu".

Nguyên Bộ trưởng cho rằng cơ chế tài chính không phù hợp đang cản trở sự phát triển và làm giảm hiệu quả đầu tư cho khoa học công nghệ, làm nản lòng những người làm khoa học, chảy máu chất xám sang khu vực tư nhân và ra nước ngoài. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội trong kỷ nguyên số. Nếu đổi mới được cơ chế tài chính, các điểm nghẽn khác như phương thức đầu tư, chính sách sử dụng cán bộ... sẽ được tháo gỡ khi đồng bộ hóa các quy định pháp luật có liên quan.

8 vướng mắc về cơ chế tài chính

Theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân, cơ chế cấp phát kinh phí ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) đang là điểm nghẽn lớn về chính sách.

Những năm qua, việc tài trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các đề tài, dự án khoa học công nghệ đều được thực hiện theo quy định như đầu tư cho xây dựng cơ bản, phải theo kế hoạch của năm tài chính. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt toàn bộ các nhiệm vụ khoa học công nghệ hằng năm cả về nội dung, sản phẩm và kinh phí, tổng hợp thành danh mục các dự án vào dự toán ngân sách của Chính phủ, trình Quốc hội thông qua và Thủ tướng giao dự toán vào đầu năm tiếp theo.

Cách làm này dẫn tới các nhà khoa học phải chờ đợi nhiều năm kể từ khi đề xuất đề tài cho đến khi nhận được kinh phí, đề tài nào mới phát sinh sẽ không được bố trí kinh phí vì chưa có trong danh mục đã tổng hợp trước. Sự biến động giá và lạm phát, biến động chính trị - xã hội gây khó cho mua sắm, đấu thầu và đáp ứng nhu cầu thời sự. Nhiều đề tài sẽ không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ mục tiêu và sản phẩm như dự kiến, chậm tiến độ phải gia hạn nhiều lần, hiệu quả thấp.

Trong khi đó, cơ chế quỹ được tất cả các quốc gia phát triển áp dụng để hỗ trợ, tài trợ cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ khi sử dụng ngân sách. Quỹ này hoạt động theo cơ chế "tiền luôn được bố trí chờ đề tài", tức kinh phí nghiên cứu được phân bổ và giao cho các quỹ khoa học công nghệ ngay từ đầu năm tài chính mà không cần nhiệm vụ được phê duyệt trước. Cơ chế quỹ cho phép chuyển nguồn tự động, nếu kinh phí năm trước chưa sử dụng hết thì tự động chuyển sang năm sau. Quỹ cũng cho phép quyết toán một lần khi nghiệm thu, thanh lý hợp đồng nghiên cứu.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã thí điểm cơ chế quỹ từ năm 2008, khi đưa Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) thành lập theo nghị định Chính phủ. Sau đó, quy định về cơ chế tài chính Quỹ phát triển khoa học và công nghệ được đưa vào luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua cơ chế quỹ chưa được áp dụng bởi luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn chưa thay đổi.

"Đã đến lúc chúng ta cần áp dụng thông lệ quốc tế cho việc tài trợ kinh phí nghiên cứu", ông Quân nói, lý giải rằng việc không thực hiện cơ chế quỹ dẫn đến hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước cho R&D rất thấp. Các nhiệm vụ khoa học công nghệ được phê duyệt phải chờ 1-2 năm mới được ký hợp đồng và cấp kinh phí, tiến độ giải ngân chậm. Điều này khiến hoạt động nghiên cứu nhiều năm qua không có sản phẩm vượt trội đạt trình độ quốc tế, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngoài việc giải phóng cho các nhà khoa học và làm cho hoạt động nghiên cứu hiệu quả hơn, nguyên Bộ trưởng cho rằng một yếu tố rất quan trọng nữa là huy động được đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ.

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hằng năm để lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên luật không quy định bắt buộc và giới hạn mức trần 10% thu nhập tính thuế. Vì thế, suốt hơn 10 năm, các doanh nghiệp hầu như không chịu trích lập quỹ. Chỉ một số ít doanh nghiệp nhà nước làm được điều này, nhưng có nơi lập quỹ mà không sử dụng được.

Dù đã có hơn 20 tỉnh thành và một bộ thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ sau khi Luật Khoa học và Công nghệ 2013 được ban hành, nhưng hoạt động của các quỹ này còn nhiều hạn chế. Nguồn vốn của quỹ được quy định "chỉ cấp một lần ban đầu từ ngân sách nhà nước, vốn bổ sung hằng năm từ phân bổ ngân sách cho nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh và kết quả hoạt động của quỹ, đóng góp của doanh nghiệp..

Vì vậy, ông Quân đề xuất mô hình tổ chức và hoạt động của quỹ theo hướng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ là đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, là quỹ tài trợ cho hoạt động R&D, được ngân sách nhà nước bố trí và bổ sung vốn theo dự toán hằng năm. Ngoài ra, cần quy định về phương thức và thủ tục chuyển giao kinh phí từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn không sử dụng hoặc sử dụng không hết vào quỹ của bộ, ngành, địa phương.

"Chỉ như thế, chúng ta mới có thể huy động được đầu tư xã hội và doanh nghiệp cho phát triển khoa học và công nghệ như các nước phát triển, có đủ nguồn lực tài chính cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số quốc gia", ông Quân góp ý.

Nguyên Bộ trưởng cũng đề nghị xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khoa học công nghệ. Các nước phát triển còn loại Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khoa học công nghệ, huy động vốn rất hiệu quả. Tuy nhiên, Việt Nam còn ít đề cập đến quỹ này vì các văn bản chính thức hầu như né tránh không nói đến.

Ông đề nghị luật Ngân sách nhà nước và các luật thuế khác cần sớm hoàn thiện quy định về Quỹ đầu tư mạo hiểm để huy động vốn cho khoa học công nghệ và khởi nghiệp. Cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng với đề tài, dự án khoa học công nghệ cũng là vấn đề nổi cộm, bởi thực trạng thời gian làm hồ sơ thanh quyết toán nhiều hơn thời gian nghiên cứu đề tài.

Dẫn chứng thông lệ quốc tế, ông Quân cho rằng cơ quan quản lý cần tin tưởng, tạo điều kiện cho nhà khoa học và thay đổi tư duy quản lý theo hướng chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, chia sẻ thất bại với người làm khoa học để tạo điểm tựa cho họ yên tâm nhận nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ Nhà nước đặt hàng.

Tại các nước phát triển, dù nhà nước cấp kinh phí nghiên cứu nhưng khi nghiệm thu xong thì sản phẩm mặc nhiên thuộc sở hữu của nhà khoa học. Họ được toàn quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khi chuyển nhượng hay góp vốn vào doanh nghiệp. "Nếu chúng ta cũng áp dụng cơ chế này, thì chắc chắn số lượng đề tài bỏ ngăn kéo sẽ giảm đi rất nhiều", ông Quân nói.

Việc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với đề tài, dự án khoa học công nghề cũng cần tháo gỡ. Đây là vấn đề nổi cộm trong thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ bởi có thực trạng "thời gian làm hồ sơ thanh quyết toán nhiều hơn thời gian nghiên cứu đề tài". Ông Quân cho rằng nếu không được khoán kinh phí, người làm đề tài không thể chủ động sử dụng hiệu quả và phải lo đối phó với hóa đơn, chứng từ, điều chỉnh nội dung chi, gia hạn thời gian thực hiện, điều chỉnh tiêu chí sản phẩm, thậm chí không thể hoàn thành nhiệm vụ theo cam kết.

Kinh nghiệm ở các nước phát triển cho thấy dù là nhà nước cấp kinh phí cho nghiên cứu nhưng khi nghiệm thu, đánh giá xong thì mặc nhiên quy định đó là sở hữu của nhà khoa học, và họ được toàn quyền sử dụng kết quả nghiên cứu của mình khi chuyển nhượng cho doanh nghiệp hay góp vốn vào doanh nghiệp.

Theo ông Quân, nếu thực sự tin tưởng vào đội ngũ những người làm khoa học và vận dụng quan điểm "khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu", cũng như mong muốn khoa học công nghệ có sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn "vươn mình của dân tộc" thì "nên có chế độ ưu đãi đặc biệt cho một số đối tượng và có giải pháp để làm bằng được.

"Đã đến lúc cần có nhận thức đúng của các cơ quan quản lý và sự đồng bộ của pháp luật liên quan đến cơ chế tự chủ, thể hiện trong các luật về ngân sách nhà nước, đất đai, thuế, quản lý tài sản công, sở hữu trí tuệ và luật viên chức", nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nói.

Theo vnexpress.net