Thứ 2, 02/12/2024, 17:20[GMT+7]

Hơn trăm giải pháp công nghệ cao trình diễn tại Techmart TP HCM

Thứ 6, 29/11/2024 | 14:29:30
524 lượt xem
118 giải pháp tự động hóa, chế biến sau thu hoạch... sẵn sàng chuyển giao ứng dụng vào nông nghiệp công nghệ cao được giới thiệu tại Chợ công nghệ, thiết bị (Techmart) TP HCM.

Sáng 28/11, Trung tâm Thông tin Thống kê Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM) tổ chức Chợ công nghệ thiết bị (Techmart) về nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ chế biến sau thu hoạch. Triển lãm giới thiệu các công nghệ của hơn 50 đơn vị đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp...

Phát biểu khai mạc, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Thị Kim Huệ, cho biết trong định hướng của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp hiện đại. Trong đó, Techmart là hoạt động thường niên với mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, giúp kết nối các bên mua bán, chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp.

Máy bay không người lái phục vụ phun thuốc trong nông nghiệp của công ty Optima Robotics nghiên cứu chế tạo. Sản phẩm có hai phiên bản mang tải tối đa 20 kg và 30 kg. Hai phiên bản có dung lượng pin 30.000 mAh, thời gian bay 18 phút, ở độ cao tối đa 20 m

Máy bó rau do một doanh nghiệp tại quận 12 chế tạo. Chỉ trong 1 giây máy có thể hoàn thành một bó rau, gấp 5 lần so với làm thủ công. Theo Phan Nguyễn Anh Sơn, đại diện công ty, dây sử dụng buộc rau có thể thay đổi kích thước tùy vào sản phẩm nhưng phải có tính chất co giãn, máy mới có thể thực hiện. Ngoài bó rau, máy có thể bó hoa, buộc các sản phẩm người dùng mong muốn. Giá sản phẩm khoảng 45 triệu đồng.

Bộ sạc nguồn cho drone do công ty TT Drone (TP Thủ Đức) sản xuất. Sản phẩm được coi như bộ "sạc dự phòng" cho drone với công suất khoảng 22 KWh có thể sạc 18 - 22 lần.

Màn hình hiển thị các chỉ số tình trạng pin, điện áp, dòng điện, nhiệt độ... để người dùng quản lý và theo dõi.

Anh Võ Minh Đạt (phải) giới thiệu thiết bị máy pha chế và định lượng dung dịch như thuốc, phân, hóa chất được trộn đều với nước theo tỷ lệ được người quản lý thiết lập. Thiết bị được gắn trên đường ống, hoạt động với lưu lượng từ 750 - 13.000 lít mỗi giờ tùy phiên bản.

Theo anh Đạt, chi phí đầu tư một bộ thiết bị khoảng 15 triệu cho quy mô khoảng 2.000 - 3.000 m2 vườn giúp nông dân tiết kiệm thời gian, nhân lực so với bón phân thủ công.

Trạm đo môi trường do công ty công nghệ PIF Lab (TP Thủ Đức) chế tạo. Sản phẩm có thể đo các chỉ số như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, lượng mưa, tốc độ và hướng gió... Các dữ liệu môi trường được lưu trữ theo thời gian thực, lập báo cáo và xuất dữ liệu theo yêu cầu. Các dữ liệu môi trường được cập nhật liên tục giúp người quản lý có thông tin phục vụ kế hoạch chăm sóc, quản lý dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp. Thiết bị hoạt động hoàn toàn bằng pin mặt trời vận hành tối đa 10 ngày trong điều kiện không nắng.

Chế phẩm vi sinh cải tạo đất được tổng hợp từ 7 chủng vi sinh vật có lợi. Sản phẩm khi sử dụng có thể giúp phân giải nhanh phế thải nông nghiệp và dinh dưỡng khó tan trong đất làm phân bón. Ngoài ra, chế phẩm có khả năng cải tạo đất trồng, cân bằng pH đất, tạo các chất kích thích sinh trưởng tự nhiên cho cây từ vi sinh vật...

Ngoài triển lãm các công nghệ, Techmart nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sau thu hoạch có khu vực chuyên gia tư vấn miễn phí cho khách quan tâm đến công nghệ.

Ngoài triển lãm, trong hai ngày 28 - 29/11 còn có 10 hội thảo chuyên ngành giới thiệu các công nghệ tự động hóa trong nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc...

Theo vnexpress.net