Thứ 3, 07/01/2025, 16:28[GMT+7]

Những chính sách khoa học công nghệ được kỳ vọng năm 2025

Thứ 7, 04/01/2025 | 12:29:00
298 lượt xem
Năm 2025, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định ưu tiên hoàn thiện chính sách, mục tiêu tạo hành lang thông thoáng, đột phá trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Khu vực quang khắc sử dụng ánh sáng vàng tại Phòng thí nghiệm bán dẫn Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 12/2024.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong chín nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2025. Trong đó triển khai các cơ chế thí điểm, vượt trội, đặc thù, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực.

Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì soạn thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo với nhiều điểm mới. Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mục tiêu lớn nhất là xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Dự thảo Luật gồm 14 chương và 83 điều, trong đó nhiều nội dung chính, quan trọng được kế thừa từ Luật năm 2013. Dự thảo Luật bổ sung nhiều quy định về tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt hoạt động trong các lĩnh vực Nhà nước; đơn giản hóa các bước phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, giảm thời gian phê duyệt nhiệm vụ (đề xuất, xác định, tuyển chọn...) theo hướng giảm tải thời gian xét duyệt, yêu cầu, hồ sơ...

Các nguyên tắc chính sách thuế đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng được bổ sung để làm căn cứ đề xuất các ưu đãi cụ thể trong các luật về thuế; làm rõ các hoạt động nghiên cứu, phát triển trong doanh nghiệp và các nội dung chi cho hoạt động nghiên cứu, phát triển của doanh nghiệp; bổ sung quy định về hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, chính sách đối với trung tâm đổi mới sáng tạo xuất sắc...

Có nhiều quy định "khơi thông" dòng chảy tài chính đối với Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, quỹ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác thuộc Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với hoạt động khoa học, công nghệ.

Để tạo cơ chế thông thoáng cho nhà khoa học, cơ quan soạn thảo luật đề xuất tách biệt đội ngũ nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học khỏi quan niệm coi họ như cán bộ của đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này khuyến khích nhà khoa học tham gia điều hành các doanh nghiệp do viện nghiên cứu và trường đại học thành lập, dựa trên kết quả nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của họ.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, điểm quan trọng của việc xây dựng luật lần này là những quy định gần hơn với thông lệ quốc tế, chấp nhận tư duy đầu tư dài hạn. Mục tiêu hướng tới thúc đẩy tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước.

Luật Khoa học và Công nghệ dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 sau đó bốn tháng.

Luật Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi)

Dự thảo Luật này dự kiến thông qua tại kỳ họp giữa năm 2025. Báo cáo giải trình tại Quốc hội hồi tháng 11/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, cho rằng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật không còn hoàn toàn phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với cam kết mở hơn. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia sâu vào hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Theo Bộ trưởng Đạt, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật chưa quy định đầy đủ về nghĩa vụ minh bạch hóa của Việt Nam cũng như thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ thông báo, hỏi đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại.

Tại lần sửa đổi này, Chính phủ hướng đến tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Đây sẽ là khung pháp lý quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Chính phủ cũng xây dựng nhiều chính sách hoàn thiện quy định về nguyên tắc, đối tượng, căn cứ, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố TCVN, ban hành QCVN, QCĐP; nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý tiêu chuẩn cơ sở theo hướng chặt chẽ hơn.

Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Bộ Khoa học và công nghệ đang lấy ý kiến chuyên gia, người dân về Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và đăng ký vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội Khóa XV.

Trong lần sửa đổi lần này, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất thay đổi 6 nhóm chính sách trong năng lượng nguyên tử như thúc đẩy ứng dụng, ứng phó sự cố, quản lý nhà nước lĩnh vực năng lượng nguyên tử; đảm bảo an toàn, thanh sát và không phổ biến vũ khí hạt nhân... Một trong những điểm chú ý trong dự luật này là các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ độ rủi ro thấp được Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị tăng thời hạn khai báo, cấp phép lên 5 năm, thay vì 3 năm như hiện nay.

Dự thảo luật cũng quy định chuyển các thủ tục hành chính trong việc khai báo, cấp phép thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ từ "cấp phép" sang "đăng ký" với trình tự thủ tục đơn giản hơn về thành phần hồ sơ, theo hướng dẫn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Điều này giúp, tổ chức, doanh nghiệp giảm được chi phí đăng ký, tiết kiệm thời gian, đi lại khi thực hiện thủ tục.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi)

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã ban hành 15 năm. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sau thời gian triển khai, hệ thống pháp luật đã xuất hiện nhiều bất cập và vướng mắc trong thực tiễn cũng như chưa đáp ứng nhu cầu thay đổi, hội nhập quốc tế, tự do hóa thương mại và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Theo đó, Luật sửa đổi tập trung vào 4 chính sách, trong đó quan trọng nhất là hạ tầng chất lượng quốc gia hướng đến phát triển bền vững. Hạ tầng không chỉ đơn thuần là thử nghiệm, chứng nhận, công nhận mà còn gắn với hoạt động về tiêu chuẩn hóa và đo lường.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2025.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (giữa) và Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy tham quan các sản phẩm công nghệ tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam, tổ chức tháng 8/2024.  Ảnh: Giang Huy

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (giữa) và Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy (bìa phải) tham quan các sản phẩm công nghệ tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam, tổ chức tháng 8/2024. 

Ngoài bốn dự án Luật, Bộ Khoa học Công nghệ đang xây dựng Nghị định về chính sách đặc thù hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Mục tiêu hoàn thiện hành lang pháp lý trong đó làm rõ nội hàm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, ban hành các quy định về loại hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ cũng như hoạt động liên quan.

Bên cạnh đó Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính với hoạt động khoa học và công nghệ (Nghị định 95/2014/NĐ-CP) cũng được sửa đổi, bổ sung. Dự thảo hướng đến tháo gỡ vướng mắc về sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho đầu tư hạ tầng mua sắm, hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức viện trường. Tại Nghị định 95 sửa đổi cũng điều chỉnh về việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp theo hướng mở rộng hơn, dựa trên nhu cầu của đơn vị đã trích lập quỹ. Điều này được cho sẽ tháo gỡ việc tồn đọng hàng nghìn tỷ đồng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp do vướng cơ chế.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu ngành khoa học và công nghệ dành ưu tiên cao nhất cho công tác hoàn thiện thể chế chính sách; tập trung kiện toàn sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18. Phó thủ tướng tin tưởng, phát huy thành tựu trong năm 2024, ngành Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục có một năm phát triển, vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Theo vnexpress.net