Chủ nhật, 19/01/2025, 16:15[GMT+7]

Australia tạo ra muỗi đực với khả năng 'đầu độc' muỗi cái

Chủ nhật, 12/01/2025 | 11:43:47
386 lượt xem
Các nhà khoa học Australia sửa đổi gene muỗi đực để khiến chúng tiêm nọc độc vào con cái khi giao phối, giúp kiểm soát số lượng muỗi.

Phương pháp kiểm soát mới có thể nhanh chóng ngăn các bệnh do muỗi lây truyền. Ảnh: Scott Smith

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Macquarie đang thử nghiệm "kỹ thuật muỗi đực độc" với một loài muỗi lây truyền sốt xuất huyết, Zika và các virus khác, Guardian hôm 10/1 đưa tin. Cụ thể, họ sửa đổi gene muỗi đực để sản xuất protein nọc độc từ nhện và hải quỳ. Chúng sẽ "đầu độc" muỗi cái bằng tinh dịch trong quá trình giao phối, từ đó rút ngắn tuổi thọ của con cái, giúp kiểm soát số lượng muỗi.

Phương pháp đặc thù theo loài này có thể nhanh chóng ngăn chặn những đợt bùng phát bệnh do muỗi như sốt xuất huyết - có 390 triệu ca mắc mỗi năm trên thế giới - mà không cần phun một lượng lớn thuốc diệt côn trùng gây hại cho côn trùng địa phương, theo Sam Beach, tác giả nghiên cứu mới.

"Điều chúng tôi đang cố gắng đạt được là: Muỗi đực giao phối với một con cái, sau đó con cái lập tức mất mạng", Beach nói. Ông cho biết, việc tiêm một gene mới vào trứng muỗi vừa đẻ bằng kim thủy tinh tí hon là một quá trình mệt mỏi và buồn tẻ.

Ở muỗi, chỉ có con cái hút máu. Chúng thường giao phối trong vòng 24 - 48 giờ sau khi xuất hiện, nhưng có thể sống và tiếp tục hút máu trong vài tuần, làm lây truyền bệnh. Theo nghiên cứu, kỹ thuật muỗi đực độc có thể giảm tỷ lệ hút máu 40% - 60%.

Các phương pháp kiểm soát sinh học gene khác từng dùng muỗi đực để giảm khả năng sống sót, hút máu hoặc truyền bệnh của muỗi con, nhưng phương pháp mới nhắm trực tiếp vào muỗi cái. "Với cách tiếp cận này, chúng ta có thể lập tức giảm số lượng muỗi cái, sau đó hy vọng việc lây truyền các bệnh từ muỗi cũng giảm nhanh chóng", Beach nói.

Kháng thuốc diệt côn trùng là một vấn đề toàn cầu, thúc đẩy giới khoa học phát triển những phương pháp kiểm soát khác, theo tiến sĩ Tom Schmidt, nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Melbourne. "Muỗi kháng thuốc diệt côn trùng rất nhanh và chúng có thể lan truyền khả năng này", ông giải thích. Khủng hoảng khí hậu cũng đang đưa muỗi đến những nơi trước đây chúng chưa từng xuất hiện.

Có hàng nghìn loài muỗi nhưng chỉ một số ít mang mầm bệnh, theo giáo sư Philip Weinstein, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Adelaide. Weinstein cho biết, giải pháp lý tưởng sẽ là kiểm soát mà không xóa sổ muỗi, vì chúng là sinh vật thụ phấn và là nguồn thức ăn quan trọng cho cá và dơi. "Sức khỏe hệ sinh thái - những thứ trong môi trường bao gồm muỗi, chất lượng nước, chất lượng không khí, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học - đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người", ông giải thích.

Theo vnexpress.net