Thứ 3, 21/01/2025, 19:22[GMT+7]

Đũa gắp tên lửa Super Heavy thành công lần thứ hai

Thứ 6, 17/01/2025 | 10:30:09
355 lượt xem
SpaceX thành công trong lần thứ hai sử dụng cặp đũa gắp để thu hồi tên lửa đẩy Super Heavy nhưng tàu vũ trụ ở tầng trên của Starship phát nổ không lâu sau khi rời bệ phóng.

Tên lửa đẩy đáp trúng cặp đũa gắp ở tháp phóng của SpaceX.

SpaceX phóng hệ thống Starship lần thứ 7, đưa phương tiện tái sử dụng cao 123 m cất cánh từ cơ sở Starbase ở Nam Texas vào 17h37 (4h37 ngày 17/1 giờ Hà Nội). Một trong những mục tiêu của chuyến bay thử nghiệm là tóm động cơ đẩy khổng lồ ở tầng đầu tiên của Starship mang tên Super Heavy trên tháp phóng của Starbase, sử dụng cánh tay giống đũa gắp của cấu trúc. SpaceX hoàn thành mục tiêu này lần đầu tiên trong chuyến bay thử thứ 5 của Starship hồi tháng 10 năm ngoái và lặp lại thành công trong thử nghiệm mới nhất.

Tên lửa đẩy 33 động cơ đáp trúng cánh tay của tháp phóng khoảng 7 phút sau khi phóng, thể hiện chiến lược thu hồi tiết kiệm thời gian mà SpaceX dự định sử dụng cho cả Super Heavy và Ship, tầng trên cao 52 m của Starship. Tuy nhiên, trái với kế hoạch, SpaceX mất liên lạc với tàu Ship khoảng 8,5 phút sau khi cất cánh và gặp trục trặc.

Cả 6 động cơ Raptor của tàu Ship đều khai hỏa trong quá trình đốt để bay lên cao, nhưng cuối quá trình đó, dữ liệu viễn trắc dừng đột ngột, theo Dan Huot, thành viên ở đội truyền thông của SpaceX. Ông và người cùng dẫn chương trình phát trực tiếp buổi phóng là Kate Tice, sau đó xác nhận tàu Ship bị thất lạc chưa rõ lý do. Theo kế hoạch, tàu Ship sẽ bay vòng quanh thế giới, sau đó hạ cánh nhẹ nhàng ở Ấn Độ Dương ngoài khơi phía tây Australia khoảng 66 phút sau khi phóng, tương tự 3 lần phóng trước đây của Starship.

Chuyến bay thứ 7 cũng nhắm tới mục tiêu mới cho tàu Ship. Khoảng 17,5 phút sau khi rời bệ phóng, tầng trên của Starship sẽ triển khai 10 vệ tinh giả có kích thước và trọng lượng giống vệ tinh Starlink thế hệ mới của SpaceX. Tuy nhiên, tàu Ship không hoàn thành mục tiêu. SpaceX đang tính sử dụng Starship để hoàn thành siêu chòm Starlink, hiện nay bao gồm gần 7.000 vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái Đất nhưng có thể bao gồm thêm 40.000 vệ tinh nữa.

Theo Huot và Tice, tàu Ship trong chuyến bay này là phiên bản mới sở hữu hàng loạt nâng cấp và chỉnh sửa. Cánh nhỏ ở mặt trước được thu nhỏ kích thước và dịch về phía mũi phương tiện, ra xa tấm chắn nhiệt hơn, giúp giảm đáng kể việc chịu nhiệt cao khi hồi quyển, đồng thời đơn giản hóa cơ cấu bên dưới và tấm ốp bảo vệ. Động cơ đẩy cũng được thiết kế lại, bao gồm tăng 25% thể tích nhiên liệu đẩy, bọc chân không đường cấp lạnh, hệ thống cấp lạnh nhiên liệu mới cho động cơ Raptor, cải tiến module điện tử điều khiển van và cảm biến số liệu. Tất cả những thay đổi đó đều góp phần tăng hiệu suất của phương tiện và khả năng bay trong các nhiệm vụ dài hơn.

Các chỉnh sửa khiến chiều cao phương tiện tăng thêm khoảng 2 mét, theo SpaceX. Tên lửa đẩy Super Heavy trong chuyến bay hầu như giống những tên lửa đẩy gần đây nhưng có một đặc điểm mới. Lần đầu tiên Super Heavy sử dụng một động cơ Raptor từng bay trong chuyến bay thứ 5. 6 chuyến bay thử trước đó của Starship lần lượt vào tháng 4 và tháng 11/2023, tháng 3, 6, 10 và 11/2024. SpaceX hướng tới thực hiện tóm trúng Super Heavy bằng đũa gắp trong chuyến bay thứ 6 nhưng vấn đề liên lạc với tháp phóng buộc tên lửa đẩy phải chuyển hướng hạ cánh trên vịnh Mexico.

SpaceX đang phát triển Starship, hệ thống tên lửa lớn và mạnh nhất từng được sản xuất nhằm giúp con người định cư trên Mặt Trăng và sao Hỏa.

Theo vnexpress.net