Thứ 4, 22/01/2025, 18:42[GMT+7]

Sinh viên nghiên cứu bào chế dược chất quý từ mãng cầu xiêm

Thứ 4, 22/01/2025 | 15:48:04
219 lượt xem
Sinh viên Nguyễn Quốc Trung bào chế hoạt chất chống ung thư từ quả mãng cầu xiêm với kỳ vọng nâng giá trị sử dụng các loài thực vật của Việt Nam.

Nguyễn Quốc Trung tại phòng thí nghiệm Khoa hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM.

Quốc Trung, 22 tuổi, sinh viên Khoa hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) là một trong 14 gương mặt Công dân trẻ tiêu biểu thành phố 2024, được vinh danh vào ngày đầu tiên năm 2025. Đại diện cho các bạn trẻ đam mê nghiên cứu khoa học, Trung nói, giải thưởng là nguồn động lực to lớn giúp bản thân và nhóm nghiên cứu phát triển các dự án tác động tích cực đến sức khỏe cộng đồng.

Định hướng nghiên cứu của Trung là nghiên cứu các bài thuốc y học cổ truyền như một giải pháp thay thế các loại thuốc tây. Cậu mong muốn khai thác các loại dược liệu phong phú tại Việt Nam bằng các bài thuốc an toàn cho sức khỏe và hiệu quả. "Đây cũng là cách nâng cao giá trị sử dụng của các loài thực vật bản địa tại Việt Nam", Trung nói.

Trong đó với mãng cầu xiêm Trung hướng đến bào chế dược chất ức chế tế bào u nguyên bào thần kinh đệm. Đây là bệnh ung thư khó điều trị do tỷ lệ kháng thuốc cao. Khi phân lập các hợp chất từ cây mãng cầu xiêm Trung nhận thấy các hợp chất phân lập từ mãng cầu xiêm có hoạt tính mạnh hơn chất điều trị hiện tại là temozolomide. Kết quả ban đầu đem lại hy vọng mới trong việc phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư.

Kỳ vọng của Trung có cơ sở khi trước đó em cùng nhóm đã nghiên cứu chiết xuất dược chất kháng khuẩn từ cây cúc leo. Nhóm sau đó đã tổng hợp nano bạc từ cỏ cúc leo làm dung dịch kháng khuẩn, không có khả năng gây độc tế bào hay ô nhiễm môi trường. Dung dịch này có tác dụng tương đương kháng sinh ampicillin đang sử dụng phổ biến hiện nay.

Hay một nghiên cứu khác là tối ưu hóa bài thuốc cổ truyền chỉ sử dụng ba loại dược liệu thay vì 15 loại như phương pháp truyền thống. Trung nói, việc tối ưu hóa bài thuốc nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm dược liệu, đặc biệt là một số loại dược liệu quý hiện nay, giúp tiết kiệm một phần chi phí điều trị bệnh. Hiện hướng nghiên cứu của Trung và cộng sự được chấp nhận đơn đăng ký sở hữu trí tuệ. Sắp tới, Trung kết hợp với một cơ sở y tế thực hiện các bước thử nghiệm lâm sàng để đánh giá tính hiệu quả.

Nguyễn Quốc Trung (đeo kính) cùng đồng sự làm một thí nghiệm tại phòng nghiên cứu trường. Ảnh: NVCC

Nguyễn Quốc Trung (đeo kính) cùng đồng sự làm một thí nghiệm tại phòng nghiên cứu trường.

Các hướng nghiên cứu được đánh giá tiềm năng, tuy nhiên Trung nhìn nhận việc đưa các kết quả từ phòng thí nghiệm ra thị trường cần phải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đánh giá an toàn và hiệu quả. Các nghiên cứu cũng cần có sự hợp tác trong ngành y tế, cũng như nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ. Cậu đang tham gia chương trình hợp tác học thuật tại Đại học Khoa học sức khỏe và điều dưỡng quốc gia Đài Bắc (Đài Loan). Với sự giúp đỡ các chuyên gia, Trung thực hiện các thử nghiệm các nghiên cứu trên thiết bị hiện đại, hoàn thiện các luận cứ khoa học.

TS Đặng Hoàng Phú, Giảng viên Khoa hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), đánh giá Quốc Trung là sinh viên năng động, ham học hỏi và chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác trong và ngoài nước để thực hiện các nghiên cứu. Ông cho biết, hướng nghiên cứu của Trung có nhiều thuận lợi do Việt Nam có nguồn thực vật, dược liệu khá đa dạng, có thể phát triển thành nhiều dạng thuốc, thực phẩm chức năng phục vụ người bệnh, cũng như làm giàu hơn nguồn dược liệu trong nước. "Trường sẽ tạo điều kiện hỗ trợ về phòng thí nghiệm, tài liệu chuyên ngành, định hướng các giai đoạn nghiên cứu để Trung đạt các mục tiêu đề ra", TS Phú nói.

Theo vnexpress.net