Thứ 4, 05/02/2025, 19:55[GMT+7]

Để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển

Thứ 4, 29/01/2025 | 07:39:18
384 lượt xem
Khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Để hiểu rõ hơn về hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Thái Bình trao đổi với ông Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình.

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ thăm Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Đại Nghĩa, xã Đông Hoàng (Tiền Hải).

Phóng viên: Xin ông cho biết một số thành tựu nổi bật trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của tỉnh những năm qua?

Ông Trịnh Quang Hiệp: Những năm qua, lĩnh vực KHCN của tỉnh đã được cơ cấu theo hướng: Tích cực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo đồng thời nhanh chóng đưa các tiến bộ KHCN áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành đã khảo nghiệm, tuyển chọn hàng trăm giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, đưa vào sản xuất như: giống lúa lai Phúc Thái 168, dưa lê Kim Bạch, Cẩm Châu, bí đá trái dài... Trong chăn nuôi, đã xây dựng nhiều mô hình ứng dụng KHCN cơ cấu lại giống vật nuôi góp phần hạn chế dịch bệnh. Nhiều mô hình được nông dân trong vùng đánh giá cao về hiệu quả kinh tế và môi trường như: mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học xử lý chất thải, mô hình nhân giống gà Tò, nuôi ong ngoại lấy mật trong thùng kế... Trong lĩnh vực y tế, KHCN đã có những đóng góp tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Với sự trợ giúp của các trang thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại, nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng, qua đó nâng cao năng lực khám chữa bệnh, chẩn đoán và điều trị. Hiện tại, 100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện đã triển khai việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước công dân gắn chip... Trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, đã ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm từ nguồn lợi thủy sản, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng tại địa phương; xây dựng mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển. Nhiều kết quả đề tài, sáng kiến KHCN đã được ứng dụng rộng rãi, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngoài ra, với mục tiêu hơn 90% các sản phẩm KHCN, sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của tỉnh được giới thiệu, quảng bá và giao dịch, năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã khai trương trưng bày, giới thiệu, giao dịch sản phẩm KHCN, sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực tại sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình. Đây là mô hình sàn giao dịch công nghệ và thiết bị đầu tiên trên toàn quốc có gắn với sản phẩm OCOP, sản phẩm KHCN và sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đến nay, đã có trên 40 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh đưa sản phẩm vào trưng bày, giới thiệu, quảng bá, giao dịch tại sàn thực với khoảng 500 loại sản phẩm.

Năm 2023, theo kết quả đánh giá Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, Thái Bình đạt 39,05 điểm, xếp hạng 24/63 tỉnh, thành phố. Năm 2024, chỉ số DDCI của Sở Khoa học và Công nghệ đứng thứ 8/21 sở, ngành, tăng 3 bậc so với năm 2023.

Phóng viên: Hàng năm, việc phát triển hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo được ngành KHCN cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ, đề tài cụ thể. Đối với các nhiệm vụ, đề tài được thực hiện từ năm 2025, Sở Khoa học và Công nghệ có những lưu ý gì, thưa ông?

Ông Trịnh Quang Hiệp: Sở đã có thông báo về việc hướng dẫn xây dựng, đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KHCN thực hiện từ năm 2025. Theo đó, các nhiệm vụ KHCN được đề xuất đặt hàng thực hiện từ năm 2025 phải phù hợp với Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 569/QĐ TTg, ngày 11/5/2022; phù hợp với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2025 đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tại Quyết định số 2667/QĐ BKHCN, ngày 28/12/2022.

Các nhiệm vụ KHCN được đề xuất đặt hàng thực hiện từ năm 2025 sẽ tập trung vào các nội dung thực hiện các đột phá chiến lược của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 35/2020/NQ-HĐND, ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Chương trình hành động số 02/CTHĐ UBND, ngày 5/2/2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Quyết định số 3307/QĐ UBND, ngày 23/12/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, ưu tiên các nhiệm vụ KHCN ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số; ứng dụng công nghệ sinh học phát triển kinh tế tuần hoàn; các giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn; giải pháp khai thác nguồn nước bền vững; các nhiệm vụ KHCN có khả năng lan tỏa rộng.

Phóng viên: Để thúc đẩy hoạt động KHCN, đặc biệt là đổi mới sáng tạo, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã có các giải pháp gì, thưa ông?

Ông Trịnh Quang Hiệp: Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, kế hoạch, đề án về việc phát triển hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo tại địa phương. Thực hiện tốt công tác quản lý nhiệm vụ, đề tài KHCN cấp quốc gia, cấp tỉnh. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/2023/ NQ-HĐND, ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023 - 2025; tổ chức xây dựng dự toán hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Quyết định số 192/QĐ-UBND, ngày 23/2/2024 của UBND tỉnh. Nhằm tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt và hỗ trợ trong hoạt động KHCN, Sở đã lập nhóm zalo “Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.

Sở cũng thường xuyên liên hệ, nắm bắt thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của 2 doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh để thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Phóng viên: Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ có những định hướng hoạt động như thế nào để KHCN và đổi mới sáng tạo tiếp tục là động lực phát triển, thưa ông?

Ông Trịnh Quang Hiệp: Thái Bình là tỉnh có ưu thế về phát triển nông nghiệp, vì thế KHCN và đổi mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh một cách bền vững. Đẩy mạnh KHCN và đổi mới sáng tạo luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoạch định trong các chủ trương, nghị quyết về phát triển KHCN trên địa bàn tỉnh. Với vai trò nòng cốt, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành một số chủ trương, chính sách thúc đẩy cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của KHCN và đổi mới sáng tạo thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng cường công tác quản lý sở hữu trí tuệ - một trong những hoạt động liên quan trực tiếp đến vấn đề tài sản trí tuệ trong đổi mới sáng tạo; khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ KHCN tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Thực hiện đổi mới quy trình giám định - tuyển chọn công nghệ, quy trình tuyển chọn và thực hiện các đề tài, dự án, coi “tính mới”, “tính nhân rộng” của đề tài, dự án là yêu cầu số một. Tiếp tục khảo nghiệm chọn lọc, nghiên cứu tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hóa, giá trị kinh tế cao, phù hợp với từng vùng sinh thái, từ đó khai thác tốt hơn điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội các địa phương. Huy động và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn KHCN được giao quản lý, khuyến khích các doanh nghiệp bố trí vốn đầu tư cho hoạt động KHCN. Chú trọng đào tạo đội ngũ trí thức KHCN, có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp. Tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các tổ chức KHCN trong và ngoài nước, nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang