Thứ 6, 07/02/2025, 17:58[GMT+7]

'Sửa Luật Năng lượng nguyên tử để đáp ứng các dự án hạt nhân tương lai'

Thứ 6, 07/02/2025 | 11:45:43
191 lượt xem
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định xác định, sửa Luật Năng lượng nguyên tử là căn cứ pháp lý, triển khai các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Đồng Nai.

Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu tại hội thảo.

Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (NLNT) sửa đổi đang được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, lấy ý kiến chuyên gia. Tại hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách, pháp luật về năng lượng nguyên tử do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức chiều 6/2, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, việc tham vấn rộng rãi sẽ giúp đảm bảo chất lượng và tính khả thi của Dự thảo, hoàn thiện khung pháp lý để phát triển an toàn và bền vững về năng lượng nguyên tử tại Việt Nam. "Đặc biệt là để đáp ứng kịp thời các dự án năng lượng hạt nhân trong tương lai", Thứ trưởng Định nói.

PGS Vương Hữu Tấn, nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, năm 2013, Chính phủ đã trình Quốc hội đưa Luật NLNT vào chương trình sửa đổi. Tuy nhiên, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tạm dừng, vấn đề này không còn cấp thiết. Khi dự án được tái khởi động, nhu cầu sửa luật trở nên cấp bách. So với quy định của Luật NLNT mẫu của IAEA thì Luật NLNT 2008 còn nhiều bất cập, chưa luật hóa được các nội dung trong nguyên tắc cơ bản về an toàn và an ninh của IAEA. Vì vậy ông cho rằng Luật NLNT sửa đổi cần bám sát vào luật mẫu của IAEA và tham khảo kinh nghiệm của các nước khác.

PGS Tấn cũng nhấn mạnh, Việt Nam chưa tham gia Công ước bồi thường hạt nhân, vì vậy cần phải có tuyên bố chính sách của Nhà nước về bồi thường hạt nhân để có căn cứ trong đàm phán, và ký kết các Hiệp định liên chính phủ về xây dựng nhà máy điện hạt nhân và lò nghiên cứu mới. "Cần phải có quy định chi tiết về bồi thường hạt nhân trong Luật NLNT sửa đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế", ông Tấn nói.

TS Nguyễn Nữ Hoài Vi, chuyên gia trong lĩnh vực NLNT góp ý về hoạt động thanh sát hạt nhân (kiểm tra, giám sát hoạt động hạt nhân hòa bình, mục đích kiểm tra để các vật liệu không bị chuyển hướng sang các vũ khí hạt nhân hoặc các thiết bị nổ hạt nhân khác). Bà cho rằng Luật hiện hành chưa có quy định đầy đủ về chức năng, nguồn lực để cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân thực hiện vai trò pháp quy. Vì vậy cần bổ sung các nguyên tắc cơ bản của hoạt động thanh sát hạt nhân; quy định về đối tượng chịu điều chỉnh; nhiệm vụ, chức năng của cơ quan an toàn bức xạ và hạt nhân; quy định về thanh sát viên quốc tế.

TS Nguyễn Nữ Hoài Vi góp ý về hoạt động thanh sát hạt nhân. Ảnh: Nhật Minh

TS Nguyễn Nữ Hoài Vi góp ý về hoạt động thanh sát hạt nhân.

Đối với lĩnh vực an ninh hạt nhân, TS Vi cũng đề xuất bổ sung các nguyên tắc cơ bản như: thực hiện các biện pháp bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp phép; trách nhiệm tìm kiếm thu hồi vật liệu hạt nhân bị lấy cắp; bảo mật thông tin. "Đây là các vấn đề còn thiếu trong Luật NLNT 2008, do đó cần bổ sung trong Luật NLNT sửa đổi, làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các hướng dẫn cụ thể", bà Vi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng các quy định về đảm bảo an toàn cho nhà máy điện của dự thảo cần rõ ràng, cụ thể hơn. Ông Lê Đức Nguyên, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng cần bổ sung, hoàn thiện các quy định cụ thể về quản lý, vận hành, bảo vệ an ninh, an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân và các công trình phụ trợ liên quan. Bổ sung các quy định về phạm vi, đối tượng áp dụng liên quan đến bí mật nhà nước, quốc phòng, an ninh. Quy định rõ ràng về điều kiện, thủ tục cấp phép, chứng chỉ đối với các hoạt động liên quan đến vận chuyển, sử dụng chất phóng xạ, nguồn phóng xạ.

Các chuyên gia cũng yêu cần rà soát các định nghĩa, thuật ngữ tránh gây nhầm lẫn; tập trung phát triển nguồn nhân lực cao và quy định về báo cáo thường xuyên của nhà máy điện hạt nhân với chính phủ về mức độ an toàn để đảm bảo lòng tin của người dân vào các dự án hạt nhân.

Bộ Khoa học và công nghệ đang lấy ý kiến chuyên gia, người dân về Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và đăng ký vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội Khóa XV.

Trong lần sửa đổi lần này, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất thay đổi 6 nhóm chính sách trong năng lượng nguyên tử như thúc đẩy ứng dụng, ứng phó sự cố, quản lý nhà nước lĩnh vực năng lượng nguyên tử; đảm bảo an toàn, thanh sát và không phổ biến vũ khí hạt nhân... Một trong những điểm chú ý trong dự luật này là các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ độ rủi ro thấp được Bộ Khoa học và Công nghệ kiến nghị tăng thời hạn khai báo, cấp phép lên 5 năm, thay vì 3 năm như hiện nay.

Dự thảo luật cũng quy định chuyển các thủ tục hành chính trong việc khai báo, cấp phép thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ từ "cấp phép" sang "đăng ký" với trình tự thủ tục đơn giản hơn về thành phần hồ sơ, theo hướng dẫn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Điều này giúp, tổ chức, doanh nghiệp giảm được chi phí đăng ký, tiết kiệm thời gian, đi lại khi thực hiện thủ tục.

Theo vnexpress.net