Thứ 3, 11/02/2025, 16:18[GMT+7]

Nhà khoa học Việt dùng bột bí mật tạo vật liệu mái che máy bay quân sự

Thứ 3, 11/02/2025 | 09:45:27
295 lượt xem
Từ thập niên 90, với yêu cầu chế tạo vòm che máy bay quân sự, GS Trần Vĩnh Diệu cùng cộng sự đã phối hợp nhựa, sợi thủy tinh và một loại bột vô cơ tạo ra loại vật liệu bền, khác biệt trên thị trường.

GS Trần Vĩnh Diệu.

Năm 1990, khi đó GS Trần Vĩnh Diệu làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polymer và Composite, Đại học bách khoa Hà Nội nhận được đặt hàng của Quân chủng Phòng không - Không quân về chế tạo nhà vòm che máy bay. Lý do nhiều máy bay quân sự không được che chắn khiến các linh kiện nhanh chóng xuống cấp.

GS Diệu nhớ lại "nhiệm vụ này rất khó khăn vì nhóm nghiên cứu phải đồng thời giải quyết hai yêu cầu: sử dụng nguyên liệu trong nước để giảm chi phí và đảm bảo chất lượng vật liệu đạt tiêu chuẩn".

Dựa trên kinh nghiệm ứng dụng composite trong vá đường ống dẫn xăng, bọc thuyền gỗ cho Nhà thuyền hồ Tây, ông và cộng sự bắt đầu tính toán và thử nghiệm. Nhóm đã sử dụng composite gia cường bằng sợi thủy tinh kết hợp với bột vô cơ để chế tạo nhà vòm che máy bay. Theo GS Diệu, composite gia cường bằng sợi thủy tinh vẫn có những khiếm khuyết, bột vô cơ giúp khắc phục, tăng cường độ bền cho vật liệu.

Khi đó sợi thủy tinh được nhập qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc do lệnh cấm vận, dẫn đến tình trạng kích thước sợi thủy tinh không đồng đều, dính nhiều bùn đất. Nhóm nghiên cứu phải mất nhiều thời gian để phân loại, vệ sinh và sấy khô bằng chiếc tủ sấy do một công ty in sách thanh lý.

Ngoài sợi thủy tinh phải đặt mua từ nước ngoài, bột vô cơ sử dụng trong dự án có nguồn gốc hoàn toàn từ Việt Nam. Đây là phế phẩm của ngành dầu khí. Loại bột này không chỉ tăng cường độ bền cho vật liệu mà còn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. "Đến nay, thành phần cụ thể của loại bột này vẫn là bí mật kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polymer và Composite", GS nói.

Để xây dựng một nhà vòm đủ che một máy bay MIG-21 với chiều cao 6 mét và chiều rộng 12 mét theo yêu cầu của Quân chủng Phòng không - Không quân, nhóm chia kết cấu nhà vòm thành các module để dễ dàng chế tạo, vận chuyển và lắp ráp. Trong quá trình đúc các module, GS Diệu cùng nhóm nghiên cứu gặp phải tình trạng dính khuôn, gây khó khăn trong việc chế tạo. Thời điểm đó Việt Nam chưa có chất chống dính, nhóm phải tự nghiên cứu dung dịch chống dính từ vật liệu PVA, giúp đẩy nhanh tốc độ chế tạo.

Sau nhiều lần thất bại, phần đỉnh của nhà vòm bị nứt, nhóm phải thay đổi phương pháp lắp ghép. Các thử nghiệm sau đó thành công và nhà vòm đầu tiên được nhóm nghiên cứu lắp đặt tại sân bay Kép (Bắc Giang). Từ số lượng ban đầu, nhà vòm tại sân bay Kép tăng dần lên 29. Sau đó, việc lắp đặt nhà vòm được mở rộng sang các sân bay khác như Yên Bái, Nội Bài và Sao Vàng. Qua quá trình sử dụng, nhà vòm che máy bay của Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polymer và Composite đã chứng minh tính bền vững và hiệu quả.

GS Bùi Chương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polymer và Composite cho biết, Trung tâm là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam kết hợp gia cường hỗn hợp giữa sợi thủy tinh và bột vô cơ. Sự kết hợp này tạo sự khác biệt lớn cho sản phẩm composite của Trung tâm so với các sản phẩm khác trên thị trường.

GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu 86 tuổi, quê Hà Tĩnh. Trong sự nghiệp khoa học, ông gắn bó với hướng nghiên cứu tổng hợp và ứng dụng các polyme trên cơ sở laccol; chế tạo các loại vật liệu polyme compozit gia cường bằng sợi thủy tinh, aramit và carbon và chế tạo vật liệu nanopolyme.

Ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên nhận Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực khoa học vật liệu vào năm 2005. Ông được vinh danh với công trình "Các tổ hợp chất lượng cao có sử dụng nguyên liệu Việt Nam", trong đó nổi bật là nghiên cứu chế tạo nhà vòm che máy bay quân sự từ thập niên 90. Vào tháng 5/2024, GS Trần Vĩnh Diệu cùng các nhà khoa học của trường Đại học Phenikaa đã đạt giải Nhất lĩnh vực công nghệ vật liệu trong cuộc thi Vifotec lần thứ 29 với công trình "Nghiên cứu công nghệ và xây dựng nhà sản xuất nhựa polyester không no (PEKN) công suất 25.000 tấn/năm phục vụ sản xuất đá nhân tạo thạch anh".

Theo vnexpress.net