Thứ 2, 29/07/2024, 07:30[GMT+7]

Ứng dụng khoa học công nghệ góp phần nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch

Thứ 2, 25/11/2013 | 09:47:12
1,780 lượt xem
Để bảo đảm chất lượng tốt nhất của nông sản khi đến tay người tiêu dùng, công nghệ sử dụng để bảo quản nông sản trong thời gian này có vai trò cực kỳ quan trọng. Mỗi loại nông sản lại đòi hỏi một công nghệ bảo quản sau thu hoạch khác nhau nhưng các biện pháp này có đặc điểm chung là đều nhằm hạn chế sự phát triển của vi sinh vật, giảm cường độ hô hấp và hạn chế sự bốc hơi, từ đó loại bỏ hoặc hạn chế tối đa tình trạng hư hỏng của sản phẩm, nói cách khác là giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch.

Dây chuyền chế biến hạt giống chất lượng cao của Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Thái Bình là đồng bằng sông Hồng với các nông sản truyền thống là lúa gạo và hoa màu. Tuy nhiên, đời sống của nông dân hiện nay vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh và của cả nước. Một trong những nguyên nhân là công nghệ sản xuất nông nghiệp, trong đó có công nghệ sau thu hoạch còn lạc hậu đã làm cho chất lượng nông sản không cao, tỷ lệ tổn thất lớn do đó giá trị của nông sản bị giảm.

Sau thu hoạch là giai đoạn chấm dứt việc trồng trọt và bắt đầu thu hoạch sản phẩm. Ðời sống sau thu hoạch của nông sản bắt đầu từ giai đoạn thu hoạch. Công nghệ sau thu hoạch là tất cả các công đoạn phải thực hiện đối với nông sản bắt đầu từ khâu thu hoạch đến tay người tiêu dùng hay nhà chế biến.

Giống như các hàng hóa khác, sản phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch cũng có thời gian trong lưu thông trước khi đến tay người tiêu dùng hay nhà chế biến. Tuy nhiên, khác với các sản phẩm công nghiệp, do đặc tính của nông sản là chứa hàm lượng nước rất lớn (trên 85%) nên thời gian lưu thông ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng nông sản.

 Do đó, để bảo đảm chất lượng tốt nhất của nông sản khi đến tay người tiêu dùng, công nghệ sử dụng để bảo quản nông sản trong thời gian này có vai trò cực kỳ quan trọng. Mỗi loại nông sản lại đòi hỏi một công nghệ bảo quản sau thu hoạch khác nhau nhưng các biện pháp này có đặc điểm chung là đều nhằm hạn chế sự phát triển của vi sinh vật, giảm cường độ hô hấp và hạn chế sự bốc hơi, từ đó loại bỏ hoặc hạn chế tối đa tình trạng hư hỏng của sản phẩm, nói cách khác là giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch.

Hiện nay, công nghệ được sử dụng để bảo quản nông sản sau thu hoạch chủ yếu vẫn là các công nghệ thủ công, lạc hậu. Ðối với lúa gạo, một mặt hàng truyền thống và là nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta nói chung và Thái Bình nói riêng, trong nhiều năm nay, công nghệ sấy thóc phổ biến hiện nay vẫn là phơi thóc trên sàn đất, bê tông hoặc mặt đường nhựa, dẫn đến làm cho tỷ lệ hạt gạo (sau khi xay xát) bị rạn, gãy rất cao (30 - 40%),  tỷ lệ sạn, cát nhiều. Chính điều này đã góp phần làm giảm giá trị hạt gạo xuất khẩu của Việt Namon> so với Thái Lan, đối thủ xuất khẩu gạo chính của nước ta, làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị thua thiệt, nông dân bị giảm thu nhập. Các mặt hàng nông sản khác cũng trong tình trạng tương tự.

Nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản đã đầu tư xây dựng các kho mát chuyên dụng để bảo quản rau, quả nhưng phần lớn vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, xa nơi thu hoạch cũng làm cho chất lượng nông sản không được duy trì ở trạng thái tốt nhất.

Công nghệ sau thu hoạch lạc hậu đã làm cho tỷ lệ hao hụt của nông sản của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực: lúa gạo tại Ðồng bằng sông Cửu Long là  13,7%, ở Ðồng bằng sông Hồng và các khu vực khác là 11,6%;  đối với ngô, mức tổn thất là 18 - 19%; rau, quả là 25 - 30%,....(1) . Trong khi đó, con số này ở Ấn Ðộ là 3 - 3,5%, Nhật Bản là 3,9 - 5,6%, Bangladesh 7%, Pakistan 2 - 10%, Indonesia 6 - 17%, Nepan 4 - 22%....(2).   Tính ra, mỗi năm nông dân nước ta mất khoảng 3.000 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ.

Ngoài ra, các phương pháp bảo quản không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn được nông dân sử dụng khá phổ biến, nhất là phương pháp bảo quản bằng hóa chất. Sử dụng phương pháp này, sau khi thu hoạch, nông sản sẽ được phun một lượng hóa chất lên bề mặt nhằm ức chế sự phát triển của các vi sinh vật. Phương pháp này có ưu điểm là chi phí thấp mà hiệu quả lại nhanh. Nhưng phương pháp này thường để lại một lượng tồn dư hóa chất lớn trên bề mặt nông sản nên rất độc hại đối với người tiêu dùng. Trên thế giới, đa số các quốc gia đã cấm tuyệt đối sử dụng phương pháp này. Tuy nhiên, đây lại là phương pháp đang được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Namon>.

Trong khi đó, các công nghệ bảo quản sạch, hiện đại (như công nghệ sấy thăng hoa, công nghệ bảo quản lạnh và lạnh đông) còn chậm được đưa vào ứng dụng đại trà do đòi hỏi khoản kinh phí đầu tư lớn.

Thực trạng trên trước hết xuất phát từ một nền sản xuất nông nghiệp còn manh mún, thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu. Mặc dù nhiều địa phương đã thực hiện dồn điển đổi thửa nhưng nhìn chung quy mô sản xuất nông sản ở nước ta chủ yếu vẫn trong tình trạng manh mún, quy mô hộ gia đình. Bình quân mỗi hộ chỉ có 0,7 ha đất canh tác mặc dù sau khi thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới bình quân mỗi hộ chỉ còn 1,79  thửa. Bên cạnh đó, đầu tư cho quy hoạch các vùng nguyên liệu có chất lượng còn thiếu. Vùng nguyên liệu chất lượng mới chỉ được thành hình ở một số tỉnh nhưng quy mô rất nhỏ lẻ, manh mún. Chính sự manh mún trong sản xuất này đã làm cho chất lượng của các nông sản không đồng đều, chi phí cao và khó có thể áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Mặt khác, việc thực hành các hệ thống tiêu chuẩn sản xuất sạch còn hạn chế. Ða số các hộ nông dân chưa áp dụng rộng rãi Hệ thống thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Ðiều này đã làm cản trở việc tiếp cận và mở rộng các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Euro,... Hiện mới chỉ có một số hộ sản xuất thanh long ở miền Namon> mới được cấp giấy chứng nhận EuroGAP.

Một nguyên nhân khác khiến chất lượng nông sản sau thu hoạch chưa cao là kỹ thuật thu hái nông sản của bà con nông dân còn lạc hậu. Mặc dù nhiều địa phương đã áp dụng máy móc vào việc thu hái nhưng nhìn chung, việc sử dụng các phương pháp thủ công (bằng liềm, dao, kéo, tay,...) trong khâu này vẫn còn rất phổ biến. Hệ thống giao thông nội đồng chưa đồng bộ là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này. Việc sử dụng các dụng cụ để chứa, đựng sản phẩm chưa đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Chính điều này đã làm cho tỷ lệ dập, nát của nông sản cao, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sản phẩm trước khi bảo quản và góp phần làm tăng tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch.

Bên cạnh đó, hệ thống kho tạm trữ, kho bảo quản còn thiếu và chưa phù hợp. Ðã có nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các kho lạnh, kho tạm trữ nhưng các kho này vẫn chủ yếu ở xa vùng sản xuất và phải mất thời gian và chi phí để vận chuyển nông sản  mới đến được các kho này. Ðiều này là chưa phù hợp, vì với đặc thù của nông sản thì cần được bảo quản càng sớm càng tốt ngay sau khi thu hái thì mới bảo đảm được chất lượng sản phẩm. Trong khi việc xây dựng các kho bảo quản tại các trạm trung chuyển, các cửa khẩu cũng gặp nhiều khó khăn.

Ðể nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch, giải pháp cần được ưu tiên là phải quy hoạch vùng nguyên liệu. Ðây là giải pháp có tính then chốt vì chỉ khi có vùng nguyên liệu thì mới có cơ sở để thực hiện áp dụng công nghệ sản xuất sạch, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Cản trở lớn nhất là các chính sách liên quan đến đất đai và tín dụng. Ðể giải quyết được vấn đề đất đai thì Luật Ðất đai cần sửa đổi theo hướng giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài, thúc đẩy việc tập trung ruộng đất. Ðồng thời Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ về thuế và tín dụng đối với hộ nông dân đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Việc đầu tư xây dựng các kho tạm trữ, kho bảo quản cũng cần được cân nhắc lại. Nhà nước cần đầu tư xây dựng các kho tạm trữ, kho bảo quản hiện đại, bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế ngay tại các vùng sản xuất, vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, việc xây dựng các kho này ở các trạm trung chuyển, cửa khẩu cũng cần được đầu tư nhằm bảo đảm chất lượng nông sản trong quá trình vận chuyển. Các phương tiện vận chuyển cũng cần được đầu tư.

Ðồng thời, Nhà nước cần có chính sách để tăng cường đầu tư vào các công nghệ bảo quản hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay có nhiều công nghệ bảo quản hiện đại đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng như công nghệ sấy thăng hoa, công nghệ bảo quản lạnh và lạnh đông và gần đây nhất là công nghệ CAS (Cell Alive System, do Nhật Bản chuyển giao cho nước ta). Các công nghệ này đều là những công nghệ sạch, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hạn chế tối thiểu được các tổn thất sau thu hoạch. Tuy nhiên, các công nghệ này đều đòi hỏi đầu tư lớn và vì vậy cần có sự phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa 4 nhà (nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân). Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền và có chính sách hỗ trợ, bắt buộc đối với người sản xuất để áp dụng các quy trình sản xuất sạch như VietGAP, EuroGAP, nhất là đối với những nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Namon>.

Việc thực hiện được đồng bộ các giải pháp trên sẽ giảm được tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, từ đó góp phần cải thiện thu nhập của bà con nông dân, giúp họ gắn bó với đồng ruộng hơn.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ đề án về cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch đến năm 2020, trong đó đề ra mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo còn 5 - 6%, rau quả 10 - 12%, giảm mức tổn thất về chất lượng thủy sản dưới 10%... Với mức kinh phí đầu tư dự tính khoảng 40.000 tỷ đồng, đề án này đang được kỳ vọng là sẽ mang lại một bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

1. Theo www.khuyennongvn.gov.vn

2. Theo http://nongnghiep.vn

Ths. Phạm Phương Thảo

(Trường Chính trị Thái Bình)

  • Từ khóa