Thứ 6, 16/05/2025, 08:44[GMT+7]

Ứng dụng công nghệ mới trong quản lý chất thải y tế

Thứ 4, 29/09/2010 | 08:46:40
3,872 lượt xem
Đến thời điểm này, việc ứng dụng công nghệ mới vào quản lý CTYT của bệnh viện cơ bản đã hoàn thành. Nhận thức của cán bộ, nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về bảo vệ môi trường sống, môi trường khám chữa bệnh được nâng lên, không còn tình trạng CTYT chưa được xử lý trước khi đưa ra môi trường.

Hệ thống đốt rác thải y tế của Bệnh viện đa khoa Quỳnh Phụ.

Chất thải y tế là những chất thải phát sinh từ các hoạt động khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, sinh hoạt của người bệnh, gia đình bệnh nhân, nhân viên y tế và các chất thải phát sinh tự nhiên khác nằm trong khuôn viên bệnh viện.

 

Việc quản lý chất thải y tế (CTYT), đặc biệt là các chất thải nguy hại là một vấn đề quan trọng, cấp bách bởi nó có thể gây nguy hại đến sức khỏe của con người, tác động xấu đến môi trường sống và bùng phát dịch bệnh.

 

Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Phụ đã tiến hành thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt, chất thải rắn, sau đó tiến hành khử trùng bằng hóa chất Javen, Cloramin- B phun hàng ngày.

 

Rác thải sinh hoạt sẽ được cán bộ vệ sinh môi trường của Thị trấn Quỳnh Côi vận chuyển về bãi chứa rác thải của thị trấn; đối với rác thải nguy hại, các khoa phòng tiến hành thu gom chất thải lây nhiễm cho vào túi nhựa PE màu vàng, chất thải hóa học, chất thải phóng xạ cho vào túi PE màu đen và đem đi xử lý bằng lò đốt chất thải y tế Chuwastar- F- 1S. Đối với nước thải y tế, trước khi thải ra môi trường đều được tiến hành khử trùng.

 

Tuy nhiên, việc quản lý CTYT vẫn còn bị buông lỏng, thả nổi, không đúng quy định, phó thác việc này cho cán bộ hộ lý, điều dưỡng. Các loại ống nhựa cho chứa máu, nước tiểu và các bệnh phẩm sau xét nghiệm, theo quy định phải đựng vào các túi nilon mang chôn hoặc đốt nhưng việc xử lý này chưa bảo đảm yêu cầu, nhất là các ống nghiệm không có chất chống đông máu nên có cả cục máu đông đã được mang đi chôn dù chưa được xử lý; trong khi đó, nhiều người nhặt rác do không có kiến thức về nhiễm khuẩn đã đào trộm, rửa lấy ống nhựa mang bán... Bệnh viện vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm đạt tiêu chuẩn môi trường.

 

Để đảm bảo mọi nguồn phát sinh ô nhiễm từ hoạt động khám chữa bệnh không gây tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, năm 2009, Bệnh viện đã thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ mới, tăng cường các biện pháp quản lý chất thải y tế, nguy hại và chống nhiễm khuẩn” thuộc chương trình xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, miền núi của Bộ KH&CN và kinh phí KHCN của tỉnh năm 2009- 2010.

 

Các biện pháp can thiệp bao gồm: Tập huấn kiến thức quản lý CTYT cho tất cả các nhân viên nằm trong hệ thống quản lý chất thải; xây mới nhà chứa rác nguy hại theo đúng quy định; đầu tư hệ thống máy đốt rác, CTYT nguy hại; cải tạo nhà chứa rác sinh hoạt do đó các đối tượng nhặt rác không vào nhặt, bới gây mất vệ sinh và hạn chế các loại côn trùng, chuột tha rác ra môi trường; xây dựng riêng biệt một khu xử lý chất thải tại bệnh viện; xây dựng, quy hoạch lại hệ thống thoát nước thải y tế và nước thải sinh hoạt; lắp đặt các thiết bị xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường.

 

Tiến hành cải tạo quy trình xử lý CTYT phù hợp với thực tế của bệnh viện. Đối với các chai nhựa đựng dịch truyền, dây chuyền không dính máu, bơm tiêm sạch, lọ thủy tinh dày đựng thuốc... không nằm trong nhóm nguy hiểm được xử lý một lần trước khi đem bán.

 

Đối với những chất nguy hại như: nhau thai, bơm tiêm dính máu... được xử lý triệt để trước khi đem vào lò đốt. Hầu hết các loại CTYT đã được bệnh viện tiến hành đốt hàng ngày. Mỗi ngày đốt từ 20- 30 kg, chiếm 3/4 CTYT của bệnh viện. Đối với công trình xử lý nước thải, được xử lý bằng công nghệ lắng kết hợp với lọc sinh học và khử trùng bằng nước Javen.

 

Đến thời điểm này, việc ứng dụng công nghệ mới vào quản lý CTYT của bệnh viện cơ bản đã hoàn thành. Nhận thức của cán bộ, nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về bảo vệ môi trường sống, môi trường khám chữa bệnh được nâng lên, không còn tình trạng CTYT chưa được xử lý trước khi đưa ra môi trường. Một trong những khó khăn lớn đối với bệnh viện hiện nay là nguồn rác thải đã qua xử lý song vẫn chưa tìm được nơi tiêu thụ.

 PV

  • Từ khóa