Thứ 4, 22/01/2025, 16:48[GMT+7]

Sử dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi Mô hình cần nhân rộng

Thứ 3, 20/05/2014 | 09:19:20
1,411 lượt xem
Công nghệ đệm lót sinh thái là kỹ thuật làm đệm lót chuồng trại trong chăn nuôi bằng việc sử dụng trấu, mùn cưa và các loại men, giúp hạn chế mùi hôi thối của chất thải trong quá trình chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường và giúp vật nuôi tăng trưởng tốt.

Mô hình nuôi lợn bằng đệm lót sinh thái của gia đình anh Nguyễn Văn Trung thôn Chí Cường, xã Nam Cường (Tiền Hải).

 

Năm 2012, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình đã triển khai áp dụng mô hình tại 3 hộ nuôi gà tại 3 xã, 6 hộ nuôi lợn tại 4 xã. Các điểm được chọn thí điểm mô hình là các gia đình nằm ở giữa khu dân cư đông đúc, Trung tâm đã hỗ trợ cho mỗi hộ nuôi 30% số tiền làm đệm lót và giống vật nuôi, thức ăn với tổng số tiền là 11 triệu đồng/hộ. Ngoài ra còn tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật làm đệm lót cho bà con và cử cán bộ theo dõi sát sao trong suốt quá trình nuôi.

 

Năm 2013, Trung tâm nhân rộng mô hình áp dụng với hộ nuôi gà ở 6 xã, nuôi lợn ở 36 hộ tại 15 xã thuộc 8 huyện, thành phố. Trung tâm đã hỗ trợ 30% số tiền làm đệm lót, 26% chi phí thức ăn đối với chăn nuôi lợn từ lúc lợn cai sữa đến khi xuất chuồng, hỗ  trợ  giống    thức  ăn với  nuôi gà, tính bình quân là 9,5 triệu đồng/hộ.

 

Theo chị Nguyễn Thị Dịu, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Quỳnh Phụ: Việc thiết kế chuồng bằng đệm sinh thái rất đơn giản, nguyên liệu đầu tư ban đầu chi phí thấp nhưng lại có giá trị sử dụng cao, lâu dài. Với diện tích chuồng lợn 20m2 có thể nuôi được 15 con, chuồng gà 100m2 nuôi được 500 con, nguyên liệu cơ bản là trấu, mùn cưa, cám ngô hoặc cám gạo hòa lẫn với 2 - 3kg men vi sinh. Ðệm lót nền chuồng được xử lý tốt có thể sử dụng liên tục trên 6 tháng, thậm chí cả năm. Ðệm lót sau đó được sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Sau 3 - 4 tháng sử dụng mới cần bổ sung 5% đệm lót lên men mới để sử dụng lại.

 

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Gia Ðĩnh, thôn Gia Hòa 2, xã An Vinh (Quỳnh Phụ), mô hình nuôi 500 con gà thịt, ông cho biết: “Trước đây tôi nuôi gà bằng cách truyền thống, gà thường bị bệnh về đường hô hấp và bệnh đường ruột, tỷ lệ hao hụt cao, gà tăng trọng chậm, nhất là mùi hôi thối từ chất thải làm ảnh hưởng tới hàng xóm xung quanh. Năm 2013, tôi nuôi 500 con gà thịt sử dụng đệm lót sinh thái đã cho kết quả rất tốt, không thấy biểu hiện của bệnh về đường hô hấp, độ đồng đều cao, gà tăng trưởng nhanh, đặc biệt là giải quyết được vấn đề về ô nhiễm môi trường”.

 

Tại gia đình anh Nguyễn Văn Trung, thôn Chí Cường, xã Nam Cường (Tiền Hải), áp dụng đệm lót sinh thái nuôi lợn đã xuất được hai lứa, anh cho biết: Về mùa lạnh, đệm lót đã giữ ấm cho lợn nên lượng thức ăn tiêu tốn ít hơn, chất lượng nạc cao hơn do lợn không cần tích trữ mỡ để chống đỡ với cái lạnh so với nền chuồng bằng xi măng (hoặc lúc tắm, hay vệ sinh chuồng trại làm giảm thân nhiệt của lợn). Móng lợn cũng ít bị tổn thương hơn so với nền xi măng. Ðặc biệt, điều anh tâm đắc nhất là nuôi lợn trên đệm lót không gây mùi hôi, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.    

 

Ông Nguyễn Văn Ðình, Trưởng phòng Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi - thủy sản (Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư) nhận xét: “Qua 2 năm thực hiện mô hình, đa số các hộ chăn nuôi đánh giá cao về kết quả đạt được của mô hình như: giảm tỷ lệ bệnh tật trên đàn gia súc, gia cầm, giảm chi phí công chăm sóc, giảm ô nhiễm mỗi trường... Qua đó nâng cao năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, rất phù hợp với khu đông dân cư. Chính vì vậy thời gian tới cần nhân rộng mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh thái”.

 

Năm 2014, Trung tâm đang tiếp tục khảo sát, dự kiến sẽ thực hiện tại 24 hộ, hỗ trợ 5,1 triệu đồng/hộ.

Văn Quyết

 

  • Từ khóa