Thứ 3, 02/07/2024, 06:24[GMT+7]

Phát huy khả năng sáng tạo của trí thức trẻ trong ứng dụng khoa học vào thực tiễn

Thứ 5, 19/06/2014 | 16:15:29
1,899 lượt xem
Thái Bình là tỉnh có dân số đông, cơ cấu dân số trẻ. Toàn tỉnh hiện có gần 400 nghìn thanh niên trong độ tuổi từ 16 - 30, chiếm 21% dân số và 38% lực lượng lao động, trong đó một lực lượng lớn thanh niên là trí thức đang học tập, công tác trên mọi lĩnh vực. Đây là lực lượng đông đảo, xung kích, giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển quê hương, đặc biệt đối với một địa phương nông nghiệp đang trong quá trình chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa và

Máy cắt giấy A4 do kỹ sư cơ khí Hà Văn Tiến sáng chế đang được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng cũng như ưu thế của đội ngũ trí thức tỉnh nhà, trong những năm qua, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đã có nhiều nội dung hoạt động cụ thể nhằm tập hợp, bồi dưỡng và phát huy khả năng sáng tạo, vai trò xung kích, tình nguyện của đội ngũ trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai phong trào sáng tạo trẻ với các nội dung như: tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thanh niên, trí thức trẻ nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tích cực tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng… qua đó đã có hàng chục đề tài, sáng kiến của trí thức trẻ được phát minh và ứng dụng vào sản xuất và cuộc sống đem lại giá trị kinh tế cao.

Cùng với phong trào sáng tạo trẻ, Tỉnh đoàn đã tích cực phối hợp với các ngành tổ chức triển khai các cuộc thi: Hội thi Tin học trẻ, Hội thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật và Công nghệ Thái Bình, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng Thái Bình… qua đó đã thu hút được đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh thiếu niên nhi đồng trong tỉnh tham gia, tạo môi trường thúc đẩy đoàn viên thanh niên, trí thức trẻ hăng say sáng tạo.

Tại lễ Tôn vinh Trí tuệ - Sáng tạo Thái Bình năm 2013, có 7 đoàn viên, thanh niên đạt giải trong Hội thi “Sáng tạo Khoa học - Công nghệ và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình lần thứ V” và 14 đoàn viên thanh thiếu niên đạt giải trong Cuộc thi “Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thái Bình lần thứ nhất”. Riêng đội Tin học trẻ của tỉnh tham gia Hội thi Tin học trẻ toàn quốc đạt 1 giải nhì, 1 giải ba cá nhân.

Từ phong trào sáng tạo của thanh thiếu niên, đã có nhiều đề tài, sáng kiến trên các lĩnh vực được nghiên cứu, ứng dụng và mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như sản phẩm chế tạo máy cắt giấy A4 của Công ty TNHH cơ khí Quốc Hòa do kỹ sư cơ khí Hà Văn Tiến sinh năm 1982 sáng chế đạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo Khoa học - Công nghệ và Kỹ thuật Thái Bình năm 2012 - 2013 đang được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc. Việc chế tạo ra máy cắt giấy A4 đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Máy có chi phí đầu tư hợp lý, hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc nhập khẩu máy cắt cùng loại của nước ngoài. Máy hoạt động không gây ô nhiễm tiếng ồn, dùng năng lượng điện sạch nên không thải ra chất có hại cho môi trường xanh.

Hay đề tài “Nghiên cứu, sản xuất bể Biogas bằng vật liệu nhựa tái sinh để xử lý chất thải trong chăn nuôi và trong sinh hoạt” do kỹ sư trẻ Phạm Quang Trung là đồng tác giả đang được sử dụng rộng rãi trong cả nước. Bể Biogas bằng vật liệu nhựa tái sinh là sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế, tiết kiệm chi phí. Mỗi bể Biogas bằng nhựa tái chế có cùng thể tích với bể Biogas xây bằng gạch thì giá thành của bể nhựa tái chế rẻ hơn 35%, rẻ hơn 45% so với bể bằng nhựa composite. Đồng thời còn thu gom các loại phế thải bằng nhựa có thể tái sinh để sản xuất nguyên liệu đầu vào. Do đó, bể Biogas bằng nhựa tái chế là hướng đi đúng đắn, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay.

Đối với các em học sinh, việc đam mê sáng tạo khoa học ngày càng phổ biến. Trường hợp em Trịnh Tùng Anh, học sinh Trường THPT Hưng Nhân là thí dụ điển hình cho sự tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu sáng tạo. Mặc dù sống ở vùng đồng bằng nhưng qua xem tivi em biết được nỗi khổ của người dân sống trên vùng miền núi đó là thiếu nước sinh hoạt đã gợi trong em ý tưởng phải làm một điều gì đó để giúp người dân nơi đây. Từ những thiết bị bỏ đi (ống tiêm, đĩa CD, dây truyền dịch…) em đã xây dựng mô hình máy bơm sử dụng động năng gió và động năng nước tự động mà hiệu quả không kém gì so với máy bơm thông thường. Sau hơn 2 tháng, sản phẩm là mô hình máy bơm nước sử dụng động năng gió và nước của Tùng Anh ra đời. Với mô hình chiếc máy bơm này, khi chạy thử vẫn truyền được nước ở nhiều độ cao. Sản phẩm của em đã đạt giải nhất Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thái Bình lần thứ nhất năm  2012 - 2013”.

Thông qua các phong trào, hội thi, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật đã khẳng định được tài năng của trí thức trẻ tỉnh nhà trong việc phát minh ra nhiều sản phẩm có tính ứng dụng vào thực tiễn cao. Để tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo của đội ngũ trí thức trẻ, thời gian tới, Đoàn Thanh niên và các cấp bộ đoàn tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa