Thứ 6, 11/10/2024, 23:20[GMT+7]

Hiệu quả từ việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân

Thứ 4, 02/07/2014 | 08:32:14
3,058 lượt xem
Tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tiến bộ KHKT giúp người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất để cải thiện đời sống. Nhận thức được tầm quan trọng của tiến bộ KHKT, những năm qua Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với các ban, ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân.

Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình trang trại “Nuôi gà an toàn sinh học” của gia đình ông Phạm Văn Tràng, xã Vũ Đoài (Vũ Thư).

Trong năm 2013, các cấp hội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, các công ty, doanh nghiệp cung ứng phân bón mở 3.064 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho 268.111 lượt hội viên, trong đó tổ chức 448 lớp tập huấn chăn nuôi và thủy sản cho 32.256 hội viên, 1.623 lớp tập huấn trồng trọt cho 140.489 hội viên. Đồng thời tổ chức cho hội viên nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm và hội thảo đầu bờ được 281 cuộc cho 29.313 hội viên. Một số mô hình tổ chức đã được xây dựng như: “Nuôi gà an toàn sinh học”, “Chăn nuôi lợn an toàn sinh học”, “Mô hình nuôi cá lóc bông”, “Mô hình nuôi ba ba gai”, “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học”… Qua các hoạt động trên giúp cho nông dân nâng cao kiến thức về KHKT, vận dụng vào sản xuất của gia đình để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trang trại của ông Phạm Văn Tràng, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) là một trong những trang trại điển hình về áp dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi. Trước đây, khi chăn nuôi theo kiểu truyền thống, gà của gia đình ông thường xuyên mắc dịch bệnh, hiệu quả chăn nuôi thiếu bền vững. Sau khi tham gia dự án VAHIP do Hội Nông dân tỉnh triển khai, được tập huấn kỹ thuật, ông Tràng chủ động đầu tư vốn thực hiện các nội dung về an toàn sinh học trong chăn nuôi từ việc xây dựng hệ thống chuồng trại để tránh sự xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài, chọn con giống, tiêm vắc-xin cho từng độ tuổi đến chế độ dinh dưỡng, nhiệt độ phù hợp trong chuồng… Từ khi tham gia dự án, ông cũng được hỗ trợ trang bị quần áo bảo hộ cho nhân công, dụng cụ phục vụ cho việc tiêm phòng vắc-xin định kỳ. Thực hiện những nội dung an toàn sinh học giúp ông thực hiện quy trình chăn nuôi khoa học, nâng cao kiến thức về sản xuất thực phẩm sạch, an toàn. Nhờ đó, đàn gà phát triển, sinh trưởng tốt, mỗi năm trang trại xuất ra thị trường hàng chục vạn quả trứng, thu về khoảng 300 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 4 lao động.

Xử lý rơm rạ bằng phương pháp ủ đống tại xã Trọng Quan (Đông Hưng).

Cũng như rất nhiều hộ nông dân khác, gia đình anh Vũ Văn Tiện, thôn Tống Khê, xã Đông Hoàng (Đông Hưng) trước đây khi thu hoạch lúa thường đốt rơm rạ tại ruộng. Từ khi được chuyển giao tiến bộ KHKT thông qua lớp tập huấn mô hình “Xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học” đã mang lại hiệu quả thiết thực. Gia đình anh cấy 4 sào lúa ở chân ruộng chua, đất bạc màu. Nếu như mọi năm cây lúa sinh trưởng chậm, lùn và đẻ ít nhưng từ khi sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ đã tạo cho đất một nguồn phân bón rất lớn để cải tạo đất giúp cây lúa đẻ nhiều, đất đai màu mỡ, năng suất lúa cao hơn từ 10 - 15%. Rất nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi đã được cải thiện, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nhờ việc chuyển giao tiến bộ KHKT như mô hình của gia đình anh Nguyễn Văn Chất, xã Tiến Đức (Hưng Hà) ứng dụng chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng; mô hình của gia đình anh Đỗ Quang Bốn, xã Thái Thượng (Thái Thụy) áp dụng tiến bộ KHKT để ươm giống thủy sản mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng giải quyết việc làm cho 15 lao động...

Để không ngừng mở rộng ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, từ đầu năm 2014 đến nay, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân thông qua việc mở 23 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm bón lúa, 6 lớp chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP, 8 lớp dạy nghề về chăn nuôi với hàng trăm lượt hộ nông dân tham gia. Bà Bùi Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện đời sống nông dân, nông thôn. Đây là điều kiện thuận lợi để người nông dân tiếp cận với các tiến bộ KHKT, các quy trình sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa