Thứ 4, 22/01/2025, 11:44[GMT+7]

Cần hiểu rõ hơn về bão và áp thấp nhiệt đới

Thứ 2, 21/07/2014 | 10:28:23
1,584 lượt xem
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng về số lượng và cường độ và không còn tuân theo quy luật khí hậu. Những dao động ngoài quy luật của bão và áp thấp nhiệt đới lại là những vấn đề cần lưu ý nhất trong công tác theo dõi dự báo và phòng chống. Hơn lúc nào hết vấn đề chủ động đối phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai luôn phải đặt lên hàng đầu.

Đồ họa đường đi của một cơn bão.

Theo số liệu thống kê từ năm 1980 đến nay, trung bình mỗi năm Thái Bình chịu ảnh hưởng khoảng 3 cơn bão, gây thiệt hại không nhỏ.

Năm 2012 mặc dù cuối mùa mưa bão nhưng cơn bão số 8 rất mạnh và bất thường. Việc khắc phục hậu quả nặng nề sau cơn bão vẫn còn đó. Năm 2013, sự tàn phá hủy diệt của cơn bão Haiyan là một thảm họa khủng khiếp của thiên tai đối với Philippines. Vào Biển Đông bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc sau di chuyển theo hướng Tây Bắc; sáng sớm ngày 11/11/2013, bão đã đi vào khu vực Quảng Ninh,  Hải Phòng tuy không có thiệt hại về người nhưng cũng gây thiệt hại lớn về tài sản đối với các ngành sản xuất, kinh tế… mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng trong công tác phòng tránh.

Để giảm thiểu thiệt hại do bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) thì việc sử dụng có hiệu quả các bản tin dự báo bão, ATNĐ có ý nghĩa rất quan trọng. Muốn vậy người sử dụng cần hiểu và nắm được các thông tin cơ bản của các bản tin dự báo bão và ATNĐ, nhằm làm cho người đọc hoặc nghe bản tin dự báo nắm bắt nhanh các thông tin cần thiết phục vụ cho công tác phòng chống bão tại địa phương khu vực mình phụ trách.

ATNĐ là xoáy thuận nhiệt đới có gió mạnh nhất từ cấp 6 - 7, có thể có gió giật. Bão là một xoáy thuận nhiệt đới có gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão từ cấp 10 - 11 được gọi là bão mạnh, từ cấp 12 trở lên gọi là bão rất mạnh, những cơn bão quá mạnh còn được gọi là siêu bão (như bão Haiyan…). Bão được coi là đã đổ bộ khi tâm bão đã vào đất liền. Bão tan là bão đã suy yếu thành vùng áp thấp, sức gió mạnh nhất dưới cấp 6 (nhưng cũng có trường hợp  sức gió trong bão đã hạ xuống dưới cấp 6 nhưng sau 1 - 2 ngày có khả năng mạnh trở lại thành ATNĐ hoặc bão).

Vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão hoặc  ATNĐ là vùng có gió mạnh từ cấp 6 trở lên do bão hoặc xoáy thuận nhiệt đới gây ra (vùng này đôi khi cũng rất khó xác định nhất là khi có ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoặc gió mùa đông bắc, không khí lạnh tăng cường).

Những nguy hiểm do bão gây ra
+ Gió mạnh: Gió mạnh từ cấp 8 trở lên có thể làm đổ các nhà xưởng, nhà tạm, cây cối, cột điện, làm bay các biển báo, mái nhà… rất nguy hiểm. Gió mạnh có thể giật tung các cửa sổ của nhà cao tầng, do đó khu vực xung quanh các nhà cao tầng cũng có thể rất nguy hiểm. Như vậy, gió mạnh cấp bão gây nguy hiểm đến tính mạng con người và có thể gây thiệt hại lớn về tài sản. Vì thế, cần thiết phải thực hiện sơ tán hoặc trú ẩn trước khi có gió mạnh cấp bão xảy ra.

+ Mưa lũ: Khu vực mưa lớn thường nằm ở phía bên phải đường đi của bão và thời gian xảy ra khoảng trước và sau 6 giờ khi bão đi qua. Lượng mưa phụ thuộc vào kích thước của bão, tốc độ di chuyển và việc tương tác của bão với các hệ thống khác. Sự tương tác của bão khi gặp phải front lạnh có thể gây nên tố lốc và mưa rất lớn.

+ Nước dâng do bão: Nước dâng do bão là lượng nước bị đẩy vào bờ do gió mạnh của bão. Lượng nước này kết hợp với thủy triều tạo nên triều do bão có thể nâng mực nước biển lên đến hơn 5m. Thêm vào đó, sóng do gió bề mặt gây nên cũng làm tăng thêm độ cao của mực nước. Mực nước dâng cao như vậy gây lụt lớn cho các khu vực ven biển, đặc biệt là khi có kết hợp với triều cường của khu vực. Bão càng mạnh, nước dâng do bão càng lớn. Nước dâng do bão làm nước mặn xâm nhập, lấn sâu vào đất liền.

+ Tố lốc: Các cơn bão mạnh có thể gây nên tố lốc, làm tăng thêm mức độ tàn phá của bão, tố lốc có thể xảy ra trước và sau khi bão đi qua, các vùng càng xa tâm bão càng có khả năng xảy ra tố lốc nhiều hơn.

Vì sao cần phải liên tục theo dõi các bản tin dự báo mới nhất?
Khi có bão hoặc ATNĐ, mỗi ngày chúng ta có từ 4 đến 8 bản tin dự báo và có thể nhiều hơn tùy theo mức độ khẩn cấp, vì dự báo bão không đơn giản, không chính xác tuyệt đối được, thời gian dự báo càng dài, sai số càng lớn, mỗi ngày có 4 đến 8 bản tin dự báo là để giảm thiểu các sai số dự báo.

Các trung tâm dự báo nước ngoài cũng vậy, như trung tâm dự báo của Mỹ mà nhiều người tỏ ra tin cậy cũng phải điều chỉnh dự báo liên tục, có khi lần sau dự báo khác xa lần trước.

Ví dụ như dự báo cơn bão Cimaron của hải quân Mỹ dưới đây:
Dự báo đường đi bão Cimaron của hải quân Mỹ: đầu tiên là hướng vào Việt Nam, sau đó vào đảo Hải Nam, rồi chuyển hướng sang Hong Kong, rồi sau đó lại hướng vào Việt Nam.

Người dân các nước khác cũng phải thường xuyên theo dõi các tin dự báo bão mới để kịp thời có biện pháp phòng tránh thích hợp.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng về số lượng và cường độ và không còn tuân theo quy luật khí hậu. Những dao động ngoài quy luật của bão và ATNĐ lại là những vấn đề cần lưu ý nhất  trong công tác theo dõi dự báo và phòng chống. Hơn lúc nào hết vấn đề chủ động đối phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai luôn phải đặt lên hàng đầu.

Kỹ sư  Vũ Kim Thao
(Trung tâm Khí tượng thủy văn Thái Bình)

  • Từ khóa