Thứ 5, 08/08/2024, 19:18[GMT+7]

Hiệu quả đề tài trồng dưa chuột nếp 1

Thứ 4, 27/08/2014 | 08:03:56
5,350 lượt xem
Ðề tài “Xây dựng mô hình trình diễn giống dưa chuột nếp 1 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo trên địa bàn tỉnh Thái Bình” nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất.

Ở tỉnh ta, từ năm 2006 trở lại đây, diện tích trồng rau màu cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó có cây dưa chuột ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, sản xuất dưa chuột còn nhiều bất cập. Các giống dưa chuột ta hầu hết bị lẫn tạp, chất lượng kém; thời gian sinh trưởng không đồng đều ảnh hưởng xấu đến năng suất; khả năng chống chịu sâu bệnh kém; chất lượng giảm, độ thuần giống thấp... Trước thực trạng đó, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã thực hiện Ðề tài “Xây dựng mô hình trình diễn giống dưa chuột nếp 1 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo trên địa bàn tỉnh Thái Bình” nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất. 

Ðược thực hiện trong hai năm 2012 - 2013, đề tài “Xây dựng mô hình trình diễn giống dưa chuột nếp 1 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo trên địa bàn tỉnh Thái Bình” đã xây dựng được 4 mô hình tại 4 xã Song An, Tân Hòa (Vũ Thư) và Thụy Văn, Thụy Bình (Thái Thụy) với 197 hộ tham gia, quy mô 9 ha, theo phương pháp ô thửa lớn. Kết quả trồng giống dưa chuột nếp 1 tại các địa phương thực hiện thử nghiệm mô hình ở 2 vụ Xuân sớm và Ðông xuân đều đạt kết quả khá cao.

Mặc dù chi phí đầu tư cho 1 ha trồng dưa chuột nếp 1 cao hơn so với trồng dưa chuột địa phương khoảng 15 triệu đồng song hiệu quả kinh tế của giống dưa chuột nếp 1 mang lại cao hơn hẳn. Có thể kể như mô hình sản xuất dưa chuột nếp 1 tại xã Song An (Vũ Thư), năng suất trung bình đạt 35 tấn/ha, thu nhập trung bình 203 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi thuần 128,575 triệu đồng/ha, gấp 1,7 lần so với trồng dưa chuột địa phương. Các hộ trồng giống dưa chuột địa phương mặc dù không mất tiền mua hạt giống nhưng năng suất, giá thành thấp, hiệu quả kinh tế không cao, lãi thuần bình quân chỉ đạt 75,45 triệu đồng/ha. Mô hình trồng dưa chuột nếp 1 tại xã Thụy Văn (Thái Thụy) trong vụ Ðông xuân 2012 thời tiết rét nhiều nhưng năng suất trung bình vẫn đạt 33,95 tấn/ha, thu nhập trung bình đạt 186,725 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi thuần 112,3 triệu đồng/ha, gấp 1,94 lần so với trồng dưa chuột địa phương.

Ở vụ Ðông xuân 2013, mô hình dưa chuột nếp 1 tại 2 xã Tân Hòa (Vũ Thư) và Thụy Bình (Thái Thụy) đều đạt năng suất từ 30,22 - 31,73 tấn/ha. Với giá bán từ 5.800 - 6.000 đồng/kg đã mang lại thu nhập 175,276 - 190,38 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi thuần đạt 100,851 - 115,955 triệu đồng/ha, gấp 1,68 - 1,83 lần so với trồng giống dưa chuột địa phương. Theo tính toán, trong 2 năm 2012 - 2013, 9 ha dưa chuột nếp 1 đã mang lại lợi nhuận gần 1 tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Qua trồng khảo nghiệm cũng cho thấy, giống dưa chuột nếp 1 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, thời gian sinh trưởng 90 - 100 ngày ở vụ Ðông xuân, 110 - 120 ngày ở vụ Xuân sớm. Giống cho thu quả sau gieo hạt 45 - 55 ngày, hình dạng quả đẹp, thon dài từ 18 - 25cm, có khả năng chống chịu sâu bệnh và khả năng thích ứng khá với điều kiện địa phương, năng suất cao, chất lượng tốt, ít hạt, có hương thơm đặc trưng.

Ðặc biệt, đây là loại giống chịu lạnh tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Nếu như sản xuất giống dưa chuột địa phương năng suất trung bình trong toàn tỉnh đạt 28,59 - 29,44 tấn/ha/vụ thì với giống dưa chuột nếp 1, năng suất trung bình đạt từ 35 - 40 tấn/ha/vụ. Với giá bán bình quân từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, phần lớn các hộ trồng loại dưa này cho thu nhập 2 - 4 triệu đồng/sào/vụ chiếm 71,87%, số hộ có thu nhập dưới 2 triệu đồng/sào/vụ (chiếm 6,88%), 21,25% số hộ cho thu nhập trên 4 triệu đồng/sào/vụ. Về hiệu quả xã hội, với 9 ha mô hình sản xuất dưa chuột nếp trong hai năm 2012 - 2013 đã tạo được trên 5.000 ngày công sản xuất. Mô hình cũng đã tổ chức được 5 lớp tập huấn với 250 lượt người tham gia, góp phần giúp các học viên nắm vững lý thuyết và thực hành thành thạo các khâu kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ảnh do cơ sở cung cấp.

Góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động là kết quả đáng ghi nhận của việc xây dựng mô hình trình diễn giống dưa chuột nếp 1. Mong rằng mô hình sẽ được tiếp tục mở rộng và thực hiện hiệu quả tại các địa phương trong tỉnh, mở ra một hướng sản xuất mới nhằm thay đổi tập quán canh tác truyền thống theo hướng áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến để sản phẩm đạt chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao.

Ngọc Mai

*Quy trình kỹ thuật sản xuất dưa chuột nếp 1 tại Thái Bình

Ðiều kiện sản xuất: Chọn đất không bị ô nhiễm, nguồn nước tưới là nước sạch. Không sử dụng phân chuồng tươi hoặc nước phân tươi để bón hoặc tưới.

Quy trình kỹ thuật sản xuất:

Giống: Giống dưa chuột nếp 1 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo.

Thời vụ gieo hạt: Vụ Ðông xuân: Gieo hạt vào 5/1 - 15/1; vụ Xuân sớm: Gieo hạt từ 25/1 - 5/2.

Làm đất: Ðất trồng tốt nhất là đất thịt nhẹ, cát pha, phù sa ven sông, giàu mùn và chất dinh dưỡng, dễ tưới, tiêu. Ðất được cày ải, sạch cỏ dại, bừa nhỏ vừa phải, được lên luống theo kích thước rộng 1,6m (cả rãnh), cao 25 - 30cm, rãnh rộng 25 - 30cm. Ðối với vụ Ðông xuân trồng 2 hàng trên luống, hàng cách hàng 75 - 80cm, cây cách cây 30 - 35cm. Vụ xuân sớm trồng 2 hàng trên luống hàng cách hàng 75 - 80cm, cây cách cây 35 - 40cm.

Gieo hạt: Dưa chuột có thể gieo thẳng hoặc gieo vào bầu. Ðối với gieo hạt, lượng hạt cần 1,4 - 1,6kg hạt/ha. Hạt được ngâm 6 - 8 giờ bằng nước sạch, ủ cho nứt nanh rồi đem gieo. Ðối với gieo bầu, gieo bầu bằng túi polyetylen kích thước 7x10cm có đục lỗ (có thể dùng bầu bằng lá chuối). Gieo mỗi bầu 1 - 2 hạt. Sau mọc 7 - 10 ngày đưa ra trồng.

Bón phân: Trồng dưa chuột an toàn cần được bón phân N:P:K cân đối.

Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh: Thời kỳ cây non cần tỉa bớt cây xấu, bị bệnh, bảo đảm đúng mật độ, khoảng cách. Khi cây mới trồng, thường xuyên tưới nhẹ nước lã. Sau trồng 25 - 30 ngày tiến hành cắm giàn cho cây. Nếu không cắm giàn thì nên phủ rạ khi cây bắt đầu phát tua cuốn để cho cây bám. Khi cây vào kỳ ra quả rộ có thể tưới nước vào rãnh luống (ngập 1/3 luống, không để trần gây úng). Thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.

Thu hoạch, bảo quản: Thu đúng lúc, đúng lứa quả, thu vào buổi sáng sớm, không để dập nát, xây xát. Bảo quản nơi thoáng mát.

  • Từ khóa