Thứ 5, 01/08/2024, 03:21[GMT+7]

Đẩy mạnh tuyên truyền bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Thứ 4, 24/09/2014 | 08:43:32
1,406 lượt xem
Để các doanh nghiệp áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ vào phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ dưới nhiều hình thức.

Sản phẩm bạc Đồng Xâm được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện Đề án “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể”.

Trong những năm qua, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nước ta không ngừng được hoàn thiện với mục đích bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng liên quan và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt động sáng tạo trong mọi lĩnh vực, bảo đảm cho việc phổ biến tiến bộ khoa học, công nghệ, văn hóa nghệ thuật vào mục đích phát triển xã hội mà không bị người khác đánh cắp.

Tại Thái Bình, hiện có trên 3.000 doanh nghiệp. Nhìn chung, các doanh nghiệp còn hạn chế kiến thức về SHTT, chưa nhận thức được việc tạo dựng, xác lập, phát triển và bảo vệ thương hiệu là cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp. Vì thế, nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh không tận dụng được những lợi thế từ việc bảo hộ quyền SHTT mang lại như: tạo ra thu nhập cho doanh nghiệp thông qua chuyển giao quyền sử dụng, bán và thương mại hóa sản phẩm và dịch vụ đã được bảo hộ quyền SHTT; nâng cao giá trị doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư hoặc các tổ chức tài chính. Vì vậy, việc áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ vào quá trình phát triển của doanh nghiệp trong tỉnh thời gian qua chưa được chú trọng. Hằng năm chỉ có khoảng 50 doanh nghiệp làm các thủ tục, hồ sơ đăng ký xác lập quyền về sở hữu công nghiệp. Từ năm 2006 đến nay toàn tỉnh mới có 400 đối tượng sở hữu công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.

Để các doanh nghiệp áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ vào phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật về SHTT dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tọa đàm, tập huấn, hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, giúp các doanh nghiệp nắm bắt được lợi ích của việc bảo hộ tài sản trí tuệ doanh nghiệp.

Sở cũng thường xuyên phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý SHTT trong doanh nghiệp về Luật Sở hữu trí tuệ, điều kiện xác lập quyền và thực thi quyền SHTT với hội nhập kinh tế quốc tế. Trung bình mỗi năm, Phòng quản lý chuyên ngành Sở Khoa học và Công nghệ đã tư vấn, hướng dẫn cho khoảng 150 doanh nghiệp làm các thủ tục về đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, Sở còn tư vấn, hướng dẫn các cơ sở thiết kế bố trí nhãn hiệu theo đúng quy định. Cụ thể từ năm 2012, Sở đã đề xuất với Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt cho địa phương thực hiện các đề án xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Bạc Đồng Xâm", "Gạo thơm Thái Bình", "Chiếu cói Quỳnh Phụ"; nhãn hiệu công nghiệp cho "Sản phẩm Ngao" của huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Đến nay các dự án đã được triển khai thực hiện và dự kiến kết thúc cuối năm 2015.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 2204/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng được triển khai tích cực, đồng bộ với mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm ở địa phương và giá trị hàng hóa nông sản. Từ năm 2012, Sở đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt 6 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và tuyên truyền kiến thức pháp luật.

Để đẩy mạnh và phát huy hơn nữa hiệu quả của hoạt động SHTT trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hướng mục tiêu thu hút mối quan tâm của cộng đồng về SHTT thông qua các hoạt động: tư vấn cho các chủ thể liên quan về bảo hộ, khai thác, quản lý quyền SHTT; tọa đàm với doanh nghiệp về sử dụng hệ thống SHTT, thực hiện quản lý hiệu quả và nhân rộng Chương trình 68; trưng bày triển lãm tại các trung tâm thương mại, giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt những nhãn hiệu đáng tin cậy, các loại hàng giả, hàng nhái…, góp phần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Mạnh Dũng

  • Từ khóa