Thứ 2, 12/05/2025, 03:43[GMT+7]

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính ở Thái Bình

Thứ 3, 16/11/2010 | 15:01:28
3,119 lượt xem
Hiện nay, công nghệ thông tin (CNTT) thực sự là công cụ hữu ích được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH, riêng đối với các cơ quan nhà nước, CNTT còn được đánh giá như là điều kiện cơ bản, nền tảng yếu tố quan trọng cho sự thành-bại trong cải cách hành chính (CCHC).

Bộ phận một cửa liên thông thành phố. Ảnh: Thành Tâm

Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, các sở, ban, ngành, các huyện, Thành phố và đơn vị trực thuộc đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước, nhất là công tác Cải cách hành chính (CCHC) và bước đầu đã có chuyển biến tích cực.

 

Đồng chí Lê Tiến Ninh, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) cho biết: hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) của Thái Bình những năm gần đây đã phát triển đáng kể. Đến nay, hầu hết các sở, ban, ngành, UBND các huyện, Thành phố đã có mạng LAN kết nối mạng chuyên dùng của Chính phủ, mạng máy tính kết nối Internet tốc độ cao ADSL,  trong đó có 12 điểm kết nối cáp quang.

 

Chỉ tính riêng trong các cơ quan QLNN từ cấp huyện trở lên, hiện có gần 3.400 máy tính các loại, trong đó có trên 100 máy chủ. Nhiều cơ quan, đơn vị đã trang bị 100% máy tính cá nhân, có nối mạng cho cán bộ, công chức, viên chức phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ. 

 

Năm 2007, Trung tâm CNTT và viễn thông đã nghiên cứu, xây dựng, triển khai sử dụng Phần mềm quản lý văn bản và hỗ trợ điều hành tại sở TT&TT, sau đó Văn phòng UBND tỉnh, sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn, sở Tư pháp, sở Công thương, UBND Thành phố, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Thanh tra tỉnh cũng áp dụng, thực hiện có hiệu quả. 

 

Ví như tại văn phòng UBND tỉnh, nơi hàng ngày phải tiếp nhận và xử lý hàng trăm văn bản đi và đến, cao điểm vào ngày đầu tuần lên tới 500 văn bản nhưng qua một thời gian triển khai ứng dụng phần mềm đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần giảm chi phí văn phòng, giúp việc quản lý, tra cứu văn bản, hỗ trợ lãnh đạo xử lý công việc thuận tiện, khoa học, hiệu quả.

 

Hay như phần mềm “ Một cửa điện tử” triển khai tại UBND Thành phố và huyện Đông Hưng phục vụ công tác CCHC đã giảm bớt thời gian cho cán bộ tiếp nhận, thụ lý, thống kê và quản lý hồ sơ khoa học, tăng tính  công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), đồng thời cung cấp các công cụ giúp người dân có thể dễ dàng  tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua hệ thống mã vạch đặt tại Bộ phận một cửa qua mạng Internet.

 

Dự án "ứng dụng CNTT thực hiện cơ chế một cửa liên thông" do Sở kế hoạch và đầu tư chủ trì hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện dự kiến sẽ đưa và sử dụng cuối năm nay sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục đầu tư.

 

Hệ thống mạng thông tin diện rộng của cơ quan đảng gồm 9 mạng LAN nội bộ kết nối với 8 huyện, Thành uỷ với Tỉnh uỷ và kết nối đến đảng uỷ cấp xã.  100% đảng uỷ xã đã được trang bị máy tính, kết nối mạng Internet, sử dụng hòm thư điện tử thuộc hệ thống thư điện tử của UBND tỉnh để trao đổi một số văn vản của Đảng.

 

 

Các thí sinh trong hội thi tin học trẻ tỉnh Thái Bình lần thứ II.

Ảnh: Ngọc Trâm

 

Các hệ thống phần mềm dùng chung của các cơ quan Đảng được triển khai đồng bộ, cơ sở dữ liệu đảng viên, phần mềm đặc thù chuyên ngành kiểm tra đảng, tài chính đảng, đặc biệt là cơ sở dữ liệu đảng viên toàn đảng bộ tỉnh đã được cập nhật đầy góp phần  quan trọng thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, thay đổi về nhận thức, lề lối, tác phong công tác, nâng cao hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp uỷ đảng.

 

Để thực hiện tốt Đề án 30 của Chính phủ về Đơn giản hoá TTHC trên các lĩnh vực QLNN giai đoạn 2007-2010, sở TT& TT  đã thiết kế trang  “ Dịch vụ công trực tuyến” đặt liên kết trực tiếp tại trang Thông tin điện tử của UBND tỉnh, đăng tải 1.329 thủ tục hành chính 3 cấp tỉnh-huyện-xã, các mẫu đơn theo kết quả rà soát giai đoạn I của tổ Đề án 30.

 

Tổ truyền thông  của Đề án 30 đã liên tục cập nhật các tin, bài viết, hình ảnh, vi deo về tiến độ thực hiện Đề án, các văn bản của Thủ tướng Chính phủ.... qua đó, đã giúp người dân và doanh nghiệp  có thể tra cứu các TTHC, tải các mẫu đơn, tìm hiểu về chủ trương, tiến độ CCHC, tham gia vào việc rà soát các TTHC.

 

Nhằm đẩy nhanh lộ trình phát triển và ứng dụng CNTT trong toàn tỉnh, hiện nay, tỉnh đã triển khai xây dựng “Cổng thông tin điện tử Thái Bình” với 1 cổng chính và 27 cổng thành phần của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đồng thời xây dựng thí điểm 7 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 tích hợp trên cổng nhằm tạo mọi điều kiện cho mọi người dân và doanh nghiệp  trong vào ngoài nước có thể giao tiếp, truy cập nắm được các chủ trương, chính sách của tỉnh, công tác tuyển dụng cán bộ, mua sắm tài sản công, nắm được cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ.

 

Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng thực sự việc khai thác thế mạnh  của CNTT trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa cao. Việc triển khai ứng dụng CNTT ở một số đơn vị, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ cán bộ công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc còn thấp, nhất là do thói quen, ngại thay đổi phương thức làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức ở cơ sở cũng là một rào cản lớn.

 

Hạ tầng mạng, nguồn nhân lực CNTT cũng như nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế nên giảm hiệu quả ứng dụng thực tế. Để bảo đảm việc triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đạt hiệu quả cao, thời gian tới tỉnh cần xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cho CNTT, nhất là đầu tư cho công nghiệp CNTT, công nghiệp nội dung số, đào tạo  nguồn nhân lực CNTT, đặc biệt là thu hút nguồn nhân lực CNTT trình độ cao về làm việc trong các cơ quan nhà nước.

 

Ban hành các quy định về  tổ chức triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, khuyến khích các đơn vị, cá nhân, tổ chức triển khai công tác quản lý điều hành trên môi trường mạng tiến tới từng bước bắt buộc phải thực hiện điện tử hoá công tác quản lý điều hành.

 

Tập trung đầu tư có chiều sâu các dự án CNTT trong các cơ quan nhà nước nhất là đối với việc đầu tư ứng dụng phần mềm CNTT phục vụ quản lý, điều hành  và hỗ trợ công tác chuyên môn, nghiệp vụ góp phần tăng hiệu quả quản lý và điều hành của các cơ quan nhà nước, thúc đẩy KT-XH phát triển.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa