Thứ 7, 04/01/2025, 17:22[GMT+7]

Dùng cóc để diệt trừ sinh vật có hại

Thứ 4, 11/03/2015 | 08:46:34
12,947 lượt xem
Với đề tài nghiên cứu khoa học “Dùng cóc để diệt trừ sinh vật có hại”, hai em Ðàm Thị Duyên và Nguyễn Thu Trang, học sinh lớp 12A9 Trường THPT Bắc Ðông Quan đã đạt giải Nhì trong cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2014 - 2015” do Sở Giáo dục và Ðào tạo tổ chức và được chọn tham dự cuộc thi cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức.

Hai em Duyên và Trang cùng bạn học làm thực nghiệm để kiểm chứng hiệu quả của đề tài.

 

Việc sử dụng các loại hóa chất để diệt trừ sinh vật có hại hiện nay ngày càng phổ biến, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Từ năm 1993, ở Việt Nam đã triển khai chương trình “Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)” tại một số địa phương, trong đó có Thái Bình nhằm hướng dẫn người nông dân nuôi một số loài thiên địch như: ong mắt đỏ, kiến ba khoang, bọ rùa... để diệt trừ một số sinh vật có hại. Tuy nhiên, đây là những sinh vật khó kiểm soát được sự tồn tại và phát triển của chúng, chỉ cần điều kiện môi trường bất lợi thì số lượng này sẽ nhanh chóng giảm đi. Trong khi đó ở các vùng quê trong cả nước nói chung và Thái Bình nói riêng có nhiều thiên địch có thể diệt trừ sinh vật có hại, trong đó có thể kể đến các loài chim, rắn, cóc. Qua quan sát thực tế tại các vườn rau của gia đình và hàng xóm, các em thấy cóc là loài có khả năng diệt trừ sinh vật có hại tốt hơn so với các loài khác. Vì vậy, hai thành viên trong nhóm đã bắt tay vào thực hiện đề tài này với mong muốn giảm tình trạng ô nhiễm môi trường từ hóa chất, giúp người dân được ăn rau sạch để bảo đảm sức khỏe đồng thời nâng cao ý thức về bảo vệ thiên địch, trong đó có loài cóc.

 

Ðể đánh giá khả năng diệt trừ sinh vật có hại của cóc, các em tiến hành quây khu vườn rau khoảng 75m2 bằng lưới và thả từ 8 đến 9 cặp cóc. Xung quanh vườn là cây cối rậm rạp um tùm cùng với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa là điều kiện thuận lợi cho ruồi muỗi và các sinh vật gây hại, đặc biệt là sâu bướm phát triển. Những loài này là thức ăn chính của cóc và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người. Trong quá trình quan sát, các em biết được điểm khác biệt của cóc so với một số loài sinh vật khác là chủ yếu tập trung bắt mồi vào lúc chập tối nên đã tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên khoảng 7 con cóc ở những địa điểm khác nhau và mổ bao tử của chúng để quan sát. Kết quả, khi mổ cóc lúc chập tối bao tử của cóc căng đầy thức ăn, chủ yếu là kiến, gián, sâu bướm, ruồi, muỗi... Ðiều đó cho thấy, trong một đêm một con cóc có thể tiêu thụ được lượng côn trùng gây hại khá lớn. Nếu khu vườn rộng 75m2 thả 8 đến 9 cặp cóc thì lượng côn trùng gây hại này sẽ giảm đi khá nhiều.

 

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu các em cũng gặp một số khó khăn. Nguyễn Thu Trang, thành viên trong nhóm cho biết: “Khó khăn lớn nhất của chúng em trong quá trình thực hiện đề tài là lượng cóc ít do người dân dùng cóc để làm cóc thương phẩm (ruốc cóc, chả cóc, cam cóc) hoặc làm thức ăn cho một số loài (kỳ đà, rắn...) ngày càng nhiều”. Từ thực tế đó, hai em đã nghĩ đến việc phải nhân giống để sản sinh ra số lượng lớn cóc bắt đầu từ việc phân biệt con đực và con cái, tìm hiểu mùa sinh sản và thời gian sinh sản để cho chúng giao cấu, đến cách nuôi cóc con và tạo nơi trú ngụ cho cóc. Kết quả, sau 15 tháng nghiên cứu tại khu vườn làm thí nghiệm, lượng cóc đã tăng lên đáng kể, nhờ đó lượng sâu hại cây trồng, ruồi, muỗi… đã giảm rõ rệt.

 

Phấn khởi với những thành công bước đầu, hai em đang tích cực học tập và nghiên cứu để chuẩn bị cho cuộc thi khoa học cấp quốc gia dành cho lứa tuổi học sinh trung học được tổ chức vào tháng 3/2015. Em Ðàm Thị Duyên, Trưởng nhóm tâm sự: “Nếu như đề tài sử dụng cóc để diệt trừ sinh vật gây hại của chúng em được phổ biến rộng rãi ở các địa phương sẽ giải quyết được phần nào việc lạm dụng các loại thuốc hóa học trong lĩnh vực nông nghiệp, lập lại cân bằng sinh học, góp phần sản xuất rau sạch với chi phí thấp hơn rất nhiều việc mua thuốc trừ sâu, giúp hạ giá thành sản phẩm và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng”.

Nguyễn Cường

 

  • Từ khóa

Nhà nông - 7 năm trước

Cho mình xin tham khảo mô hình nuôi cóc tự nhiên đi ạ

Tải thêm