Khoa học công nghệ - trụ cột phát triển của ThaiBinh Seed
Hội đồng khoa học Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình đánh giá chất lượng giống lúa.
Thưa ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, trên chặng đường gần 45 năm xây dựng và phát triển, đâu là những dấu mốc đáng nhớ đối với sự trưởng thành của ThaiBinh Seed?
Ông Trần Mạnh Báo: Những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Bắc tiếp tục là hậu phương lớn của tiền tuyến. Nêu cao khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến lớn miền Nam, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”..., năm 1966, Thái Bình đã trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước đạt năng suất 5 tấn thóc/ha/năm. Với kết quả đó, ngày 31/12/1966, Bác Hồ về thăm và Người đã biểu dương, động viên cán bộ, nhân dân Thái Bình có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngày 1/1/1967, trong bài phát biểu tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, Người đã căn dặn, đại ý rằng: “…muốn có nhiều thóc để góp phần đánh Mỹ thì phải làm nhiều việc, trong đó phải cung cấp giống tốt cho nông dân…”.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu và xác định giống là khâu đột phá giúp tăng năng suất lúa nên ngay trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1967, Ủy ban hành chính tỉnh đã quyết định thành lập Phòng giống (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Năm 1968, hai trại sản xuất giống lúa cấp I tại xã Ðông Cơ (huyện Tiền Hải) và xã Ðông Cường (huyện Ðông Hưng) ra đời. Năm 1971, chỉ thị về việc chọn lọc giống lúa cung ứng cho nông dân được ban hành. Ðặc biệt là mốc son ngày 10/1/1972, đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh đã ký quyết định thành lập Công ty Giống lúa Thái Bình - một trong những doanh nghiệp giống cây trồng được thành lập sớm nhất ở Việt Nam. Ðến năm 1998 đổi tên thành Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Năm 2004 được cổ phần hóa thành Công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình. Ðến năm 2011 được đổi tên thành Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình - ThaiBinh Seed.
Từ những ngày đầu thành lập nhiều gian khó trong chiến tranh đến nay là sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, để Công ty không ngừng phát triển và tạo dựng được thương hiệu mạnh như hiện nay, ThaiBinh Seed đã xây dựng chiến lược gì, thưa ông?
Ông Trần Mạnh Báo: Theo quy luật, hội nhập là xu hướng thời đại. Những năm gần đây, quá trình hội nhập diễn ra cả trên lĩnh vực chuyển giao KHCN, đồng thời kéo theo sự cạnh tranh quyết liệt của sản phẩm chất lượng cao và trình độ quản lý hiện đại. Chính vì vậy, Công ty đã xác định phải đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh, quản lý, nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm tốt cho riêng mình hoặc hợp tác tạo ra những sản phẩm chung, chuyển giao sản phẩm KHCN cho sản xuất đại trà. Có như vậy mới có thể tồn tại và phát triển được.
Từ nhận thức ấy, năm 2001, ThaiBinh Seed đã xây dựng chiến lược phát triển dựa trên ba trụ cột chính là xây dựng nguồn nhân lực, ứng dụng KHCN và mở rộng quan hệ hợp tác, trong đó KHCN chính là nền tảng, tiền đề để tiếp thu công nghệ, hợp tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng quan hệ hợp tác và huy động mọi nguồn lực để thực hiện chiến lược phát triển.
Chiến lược lấy khoa học công nghệ làm trụ cột đã phát huy hiệu quả như thế nào trong hoạt động thực tế của Công ty, thưa ông?
Ông Trần Mạnh Báo: Chiến lược phát triển từ điểm tựa là KHCN của ThaiBinh Seed được thể hiện trên năm lĩnh vực.
Một là, hoạt động nghiên cứu khoa học. Ðây được coi là hướng mũi nhọn của ThaiBinh Seed với kinh phí mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Năm 2002, ThaiBinh Seed đã thành lập Phòng Nghiên cứu phát triển, năm 2007 thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vừa là nơi nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm giống mới, xây dựng quy trình canh tác vừa là nơi trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Ðến nay, Công ty đã chủ trì và tham gia thực hiện hơn 20 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và doanh nghiệp. Ðặc biệt, ThaiBinh Seed đã được công nhận 10 giống cây trồng quốc gia và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là một trong những doanh nghiệp có cơ sở vật chất cho nghiên cứu, sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng tốt nhất trong hệ thống doanh nghiệp giống cây trồng Việt Nam.
Hai là, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ThaiBinh Seed đã chủ động xây dựng thương hiệu và đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam. Ðây là thương hiệu đầu tiên trong ngành giống cây trồng Việt Nam. ThaiBinh Seed cũng là công ty đầu tiên ở Việt Nam xây dựng thương hiệu và mua bản quyền giống lúa thuần. Ðến nay, ThaiBinh Seed đã đăng ký bảo hộ bản quyền di truyền 15 giống cây trồng mới tại Văn phòng Bảo hộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hơn 30 nhãn hiệu sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ. Thương hiệu “Lúa giống Thái Bình” đi đến mọi miền Tổ quốc, các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới. Năm 2015, ThaiBinh Seed đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu mới.
Ba là, hoạt động ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và quản lý. Trong những năm qua, hoạt động nổi bật của ThaiBinh Seed là lai tạo giống mới, chế biến, bảo quản và cơ giới hóa, tự động hóa trong quá trình sản xuất. Ðến nay, Công ty đã áp dụng hai hệ thống quản lý tiêu chuẩn ISO và hệ thống quản lý tổng hợp chất lượng toàn diện (TQM) của Nhật Bản.
Bốn là, hoạt động nâng cao chất lượng sản phẩm. Xác định chất lượng sản phẩm là uy tín, thương hiệu và là sự sống còn của doanh nghiệp, vì vậy, ThaiBinh Seed luôn chú trọng sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất và được đánh giá cao trên thị trường Việt Nam và là doanh nghiệp đầu tiên trong hệ thống giống cây trồng Việt Nam và Thái Bình có phòng thử nghiệm quốc gia mã số VILAS100.
Năm là, quá trình đào tạo và hội nhập. Ðể nhanh chóng tiếp thu được tiến bộ KHCN mới, ThaiBinh Seed đã đồng thời tiến hành đổi mới nguồn nhân lực và thiết lập mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước. Hiện nay, ThaiBinh Seed đã hoàn thành tái cơ cấu và đào tạo lại nguồn nhân lực với 45% người lao động có trình độ đại học và trên đại học, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác để có cơ hội tiếp cận nguồn gen và giống mới của các nước trong khu vực và các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành của cả nước, kết hợp với đào tạo cán bộ. ThaiBinh Seed hiện là thành viên Hiệp hội Giống châu Á - Thái Bình Dương (APSA) và có quan hệ với nhiều viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ứng dụng KHCN và đổi mới công tác quản lý trong thời gian qua đã giúp ThaiBinh Seed có tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, vươn lên trở thành một trong những công ty giống cây trồng hàng đầu Việt Nam, có tầm ảnh hưởng trên thị trường cả nước và có uy tín đối với thị trường khu vực. Trong chiến lược phát triển đến năm 2020, ThaiBinh Seed vẫn tiếp tục coi KHCN là nền tảng của sự phát triển, là điểm tựa trụ cột và đột phá của Công ty trong thời kỳ hội nhập.
Xin trân trọng cảm ơn ông! Nhân dịp năm mới, chúc ThaiBinh Seed ngày càng phát triển, góp phần mang lại những mùa vàng bội thu cho bà con nông dân.
Hương Giang (thực hiện)
Tin cùng chuyên mục
- Khắc phục sự cố không đăng nhập được VNeID trên thiết bị mới 01.04.2025 | 11:10 AM
- Toàn văn: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia 13.01.2025 | 10:08 AM
- Quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả 17.10.2024 | 15:31 PM
- Sóng nhiệt kỷ lục ở Nam cực đe dọa tương lai Trái đất 06.08.2024 | 09:46 AM
- 201 thí sinh tham gia Hội thi tin học trẻ tỉnh Thái Bình năm 2024 10.06.2024 | 19:17 PM
- Tổng kết và trao giải hội thi, cuộc thi sáng tạo khoa học năm 2022 - 2023 18.12.2023 | 16:35 PM
- Hội thảo khoa học về vai trò của khoa học và công nghệ trong việc sản xuất, tiêu thụ và phát triển sản phẩm nông nghiệp 16.12.2023 | 14:38 PM
- Hội nghị khoa học về chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch 28.10.2023 | 12:02 PM
- Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nước mắm 15.02.2023 | 18:51 PM
- Tàu container lớn nhất thế giới 13.02.2023 | 08:42 AM
Xem tin theo ngày
-
Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội
- Đối thoại với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế