Thứ 6, 09/08/2024, 22:21[GMT+7]

Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện và “cú đúp” giải thưởng sáng tạo kỹ thuật

Thứ 2, 18/04/2016 | 09:11:25
5,775 lượt xem
Ðạt giải nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XII (năm 2012 - 2013), cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường THCS An Vũ (Quỳnh Phụ) lại vừa tiếp tục đạt giải nhất tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XIII (năm 2014 - 2015). Thế là “cô Nguyện từ điển” đã thêm một lần một lần bước lên bục vinh quang tôn vinh những nhà sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.

Cô giáo Mai Thị Bích Nguyện trong lễ trao giải hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XIII.

 

Vẫn là một phần mềm, nếu như lần đầu cô giáo Mai Thị Bích Nguyện và các cộng sự đạt giải nhất với đề tài “Nghiên cứu, xây dựng phần mềm từ điển tiếng Việt, đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa trực tuyến” thì giải nhất lần thứ hai thuộc về đề tài “Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục”, đây cũng là phần mềm về theo dõi và đánh giá thi đua đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Tâm sự về ý tưởng thực hiện đề tài, cô giáo Nguyện cho biết: Sau nhiều năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô nhận thấy sự tác động tích cực, mạnh mẽ của các phong trào thi đua trong dạy và học song bên cạnh đó việc tổ chức các phong trào thi đua cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, một số phong trào chưa thực sự động viên, khuyến khích được người tham gia và chưa đi vào thực tế. Làm gì để các phong trào thi đua không trở thành hình thức, chạy theo thành tích, chỉ có “phát” mà không “động” luôn là điều trăn trở đối với cô hiệu trưởng trẻ tuổi. Từ kinh nghiệm quản lý và những điều mắt thấy, tai nghe từ thực tế cuộc sống, tự cô đã trả lời cho mình câu hỏi: Nhất định việc đánh giá thi đua phải minh bạch, công khai, khách quan, không thiên vị, nể nang, không phiến diện, không nhìn người, phải nhìn việc và nhất là không được phân biệt giữa lãnh đạo và nhân viên thì mới thúc đẩy được thi đua, mang lại ý nghĩa và hiệu quả thực sự. “Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục” đã ra đời từ những điều trăn trở đó.

 

Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua đã được cô giáo Nguyện cùng các cộng sự thiết kế trên một giao diện vô cùng tiện ích, khoa học, dễ hiểu và dễ áp dụng. Phần mềm bao gồm bộ tiêu chí thi đua với 27 tiêu chí chính trong từng lĩnh vực hoạt động giáo dục như: chất lượng cuối năm, đăng ký giảng dạy, hội giảng, hồ sơ chuyên môn, hội họp... Trong mỗi tiêu chí lại có nhiều chỉ số hết sức cụ thể để xác định nội hàm cho từng tiêu chí. Với hàng trăm chỉ số cụ thể, bộ tiêu chí đánh giá thi đua không chỉ cụ thể về nội dung, về yêu cầu mà còn đảm bảo tính hợp lý, toàn diện, phù hợp với thực tiễn trường học. Một ví dụ điểtn hình là trong thực tế hiện nay, tại không ít cơ quan, đơn vị, nhiều cuộc họp dễ bị rơi vào tình trạng “đóng băng”. Vì nhiều lý do nên người tham gia họp ngại phát biểu ý kiến. Vì vậy, trong bộ tiêu chí đánh giá thi đua đã thiết kế tiêu chí “Ðóng góp ý kiến”. Tiêu chí này nhằm khuyến khích mọi người đóng góp ý kiến, từ đó phát huy trí tuệ của tập thể trước một vấn đề cần thực hiện. Một ví dụ nữa là trong các trường học thường tổ chức các đợt hội giảng, vì vậy trong bộ tiêu chí cũng xây dựng tiêu chí thi đua cụ thể trong hội giảng tương ứng với các danh hiệu để tặng cho giáo viên như: viên phấn vàng; giờ dạy có tiến bộ vượt bậc so với chính mình;  giờ dạy ứng dụng công nghệ thông tin thành thạo, hiệu quả nhất; giờ dạy có sự sáng tạo, khám phá tinh tế nhất; giờ dạy sử dụng các kỹ thuật dạy học tích cực hiệu quả nhất; người có lời góp ý hay nhất... Với từng tiêu chí cụ thể này cũng nhằm phát huy tối đa tính sáng tạo, sự hứng thú trong thể hiện khả năng và nỗ lực thi đua của mỗi cá nhân.

 

Cùng với bộ tiêu chí thi đua toàn diện, dễ đánh giá, xếp loại, công khai, phần mềm còn có tính năng cập nhật các văn bản liên quan đến thi đua, hướng dẫn thi đua nên có tiện ích giúp cho người sử dụng không mất thời gian tìm, tra cứu. Cũng giống như phần mềm từ điển tiếng Việt mà cô giáo Nguyện đã nghiên cứu lần trước, đây cũng là phần mềm mở nên rất dễ dàng bổ sung nội dung thuộc về thi đua góp phần khuyến khích tư duy sáng tạo của mọi người. Bên cạnh đó, phần mềm còn có chức năng cho phép người sử dụng đăng nhập vào hệ thống để kiểm tra các đánh giá đối với bản thân và có chức năng phản hồi thông tin của người được đánh giá thi đua. Trong mỗi chỉ tiêu đánh giá trong các tiêu chí chính đều được chấm điểm (điểm cộng cho cống hiến; điểm trừ cho mắc lỗi). Khi mỗi cá nhân có thêm điểm cộng hay điểm trừ được cập nhật, hệ thống sẽ tự động tính toán lại ngay thứ tự trong bảng xếp hạng thi đua. Sự công khai và minh bạch này giúp mỗi cá nhân và tập thể có thể tự đánh giá được bản thân để từ đó tạo động lực phấn đấu, nâng cao thứ tự của bản thân trong bảng xếp hạng. Với sự tích hợp đầy đủ thông tin về thi đua nên phần mềm cũng có chức năng quản lý tin tức, lưu trữ thông tin thi đua của đơn vị. Chức năng này cho phép cán bộ, giáo viên đăng các thông tin liên quan đến quá trình hoạt động của nhà trường cũng như sáng kiến, kinh nghiệm của mình lên trang tin điện tử của nhà trường để mọi người cùng biết, trao đổi, học tập lẫn nhau từ đó nâng cao nghiệp vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ, giáo viên trong nhà trường. Kịp thời thông báo đến phụ huynh hoạt động của trường, lớp để phụ huynh có thể theo dõi, nắm bắt việc học tập, hoạt động của con em mình. Kịp thời biểu dương những cá nhân có thành tích tốt, tạo động lực thúc đẩy thi đua trong đơn vị.

 

Không chỉ gói gọn trong theo dõi và đánh giá thi đua trong trường học, với các chức năng về hệ thống tiêu chí, chấm điểm tự động, quản lý thi đua… nên phần mềm có khả năng áp dụng rộng rãi trong các mô hình nhà trường hoặc các đơn vị phòng, ban, sở, ngành, doanh nghiệp. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng trường, từng đơn vị mà hệ thống tiêu chí đánh giá có thể tăng, giảm, thêm bớt. Việc thay đổi nội dung hoàn toàn do người quản lý cập nhật mà không cần thiết phải thiết kế lại chương trình, giao diện. Vì vậy, ngay sau khi biết về đề tài ”Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua trong các cơ sở giáo dục” của cô giáo Nguyện, không ít doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tìm đến và cô giáo Nguyện đã không ngại chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu theo dõi, đánh giá thi đua tại đơn vị. Trên thực tế, phần mềm của cô giáo Nguyện và các cộng sự của mình đã được áp dụng trong phong trào thi đua của nhà trường, mỗi năm đã được bổ sung các tiêu chí đánh giá ngày càng toàn diện. Cũng chính bởi sự áp dụng việc theo dõi và đánh giá thi đua này mà Trường THCS An Vũ từ một trường trung bình đã vươn lên thành trường có thành tích cao trong phong trào dạy và học của huyện Quỳnh Phụ.

 

Với riêng cô giáo Nguyện, khi được hỏi: “Chị có mong muốn lập hat-trick trong sáng tạo kỹ thuật?”, cô chia sẻ cô sẽ vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học, vẫn mong muốn được tìm tòi, sáng tạo những điều mới mẻ, hữu ích đối với công tác dạy và học, không phải là mong đạt giải mà đơn giản chỉ vì sự nghiệp trồng người mà cô đã lựa chọn.

 

 

Tôi đã nghiên cứu kỹ và đánh giá cao đề tài “Phần mềm theo dõi và đánh giá thi đua tại các cơ sở giáo dục” của cô giáo Mai Thị Bích Nguyện. Mặc dù vấn đề đánh giá thi đua là một vấn đề không mới nhưng phương pháp theo dõi và đánh giá thi đua mà phần mềm thiết kế lại thể hiện sự sáng tạo, khoa học và vô cùng mới. Không chỉ thể hiện tính mới, tính sáng tạo, phần mềm này còn thể hiện tính hiệu quả kinh tế - xã hội và tính nhân rộng. Tôi cho rằng nếu phần mềm này được ứng dụng rộng rãi sẽ mang lại những hiệu quả hết sức tích cực trong công tác thi đua, khen thưởng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

 

(Tiến sĩ Ðỗ Quý Phương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh)

Trần Thu Hương

  • Từ khóa