Thứ 3, 30/07/2024, 21:24[GMT+7]

Những sáng tạo từ đam mê khoa học

Thứ 2, 16/05/2016 | 11:30:32
1,938 lượt xem
Chưa từng trải qua các khóa tập huấn về nghiên cứu khoa học thế nhưng bằng niềm đam mê sáng tạo và kinh nghiệm thực tiễn, các nhà sáng chế không chuyên đã cho ra đời nhiều sản phẩm, giải pháp hữu ích ở những lĩnh vực khác nhau, góp phần phục vụ thiết thực cho đời sống xã hội.

Anh Trần Đại Nghĩa thử nghiệm máy cấy lúa không dùng động cơ TDN.

 

Sau nhiều năm tự mày mò nghiên cứu, ông Nguyễn Trọng Sơn, số nhà 7, ngõ 60, đường Chu Văn An, thành phố Thái Bình đã chế tạo ra giàn và thiết bị cảm biến chữa cháy bán tự động dùng trong lĩnh vực cứu hỏa. Được làm từ những vật liệu đơn giản như ống nước, van nước, dây cáp lụa, còi báo, bồn chứa nước… nên khi hư hỏng sản phẩm dễ tìm được đồ thay thế. Với nguyên lý hoạt động bán tự động, người sử dụng có thể chữa cháy theo chế độ cơ cấu cơ khí hay tự động. Sản phẩm sẽ góp phần quan trọng cùng lực lượng cứu hỏa thực hiện chữa cháy trong các ngõ nhỏ, nơi các xe chữa cháy khó tiếp cận được. Nhờ tính ứng dụng thực tiễn cao, sản phẩm đã đạt giải khuyến khích trong Hội thi Sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật năm 2014 - 2015. Kết quả hội thi đã tạo động lực cho ông Sơn trong việc tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp, đề tài khác. Với quan niệm “Sống có ích như thế nào” hiện ông vẫn đang trăn trở với đề tài “Xây dựng và phát triển đội tuyển bóng đá quốc gia”.

 

Cũng giống như ông Sơn, anh Trần Đại Nghĩa ở xã Đông Hoàng (Tiền Hải) đến với khoa học bằng niềm đam mê và tinh thần nhiệt huyết tràn đầy. Sau quá trình lao động tại Hàn Quốc, trở về địa phương, anh quyết tâm học hỏi, chế tạo thành công máy cấy lúa không dùng động cơ TDN. Sản phẩm có thể cấy được 360m2/giờ, 6 - 8 sào Bắc bộ/ngày. Giá thành phù hợp, dễ sử dụng và có khả năng ứng dụng cao nên sản phẩm đã đạt giải thưởng trong hội thi Sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật cấp tỉnh, quốc gia và được vinh danh trong chương trình “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam” năm 2016.

 

Hiện nay, thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phong trào sáng tạo khoa học tại các nhà trường đã thu hút được số người tham gia đông đảo. Ngoài các đề tài, giải pháp của giáo viên không khó để bắt gặp những sáng chế đầy tính sáng tạo của học sinh. Nguyễn Vũ Hà Linh, học sinh lớp 7A, Trường THCS Thụy Hải (Thái Thụy) là một trong những học sinh say mê nghiên cứu, sáng tạo. Linh đã mày mò, chế tạo ra bồn hoa thông minh. Không giống như các bồn hoa thông thường, bồn hoa thông minh có nhiều tính năng ưu việt, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Sản phẩm sẽ góp phần hữu ích trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Nguyễn Vũ Hà Linh chia sẻ: Hiện nay, có rất nhiều hội thi, cuộc thi về sáng tạo khoa học. Đây là tín hiệu vui đối với học sinh chúng em. Bởi thông qua sân chơi trí tuệ này, em và các bạn sẽ được thỏa sức sáng tạo, áp dụng những bài học lý thuyết vào thực tiễn và thể hiện niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình.

 

Trên đây chỉ là ba trong số nhiều sản phẩm của các nhà sáng chế không chuyên tại Thái Bình. Dù khác nhau về độ tuổi, trình độ học vấn nhưng ở họ đều có một điểm chung, đó chính là niềm đam mê sáng tạo khoa học công nghệ. Điều này được thể hiện rất rõ trong các đề tài, giải pháp của họ. Tham gia dự thi, đạt giải hay không với họ không quan trọng bằng việc sản phẩm của mình có hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn như thế nào. Từ đóng góp của các nhà sáng chế không chuyên, cần có chính sách hỗ trợ để họ không ngừng sáng tạo, cho ra đời thêm nhiều sản phẩm hữu ích, đưa khoa học kỹ thuật đến gần hơn và mang lại hiệu quả thiết thực hơn trong đời sống.

 

Như Hoàng

 

  • Từ khóa