Thứ 3, 23/07/2024, 22:33[GMT+7]

Hoạt động sở hữu trí tuệ Còn lắm gian nan

Thứ 6, 22/04/2011 | 15:34:42
515 lượt xem
Không thể phủ nhận rằng, thời gian qua, hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) và bảo hộ quyền SHTT nước ta đã có những bước phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt, những năm gần đây, trước xu thế hội nhập, vấn đề SHTT trở thành "kim chỉ nam" dẫn đường cho mọi hoạt động của doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp cho các sản phẩm trí tuệ của mình.

Trạm xử lý nước thải công xuất 4560m3/ngày phục vụ cho hai KCN Nguyễn Đức Cảnh và Phú khánh. Ảnh Thành Tâm

Đối với Thái Bình, những năm qua, nhờ những chính sách và cơ chế của Nhà nước, của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều khởi sắc và phát triển mạnh mẽ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh có bước phát triển vượt bậc, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập.

Các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong đó có tiềm năng về tài sản trí tuệ đang dần được các đơn vị, doanh nghiệp khai thác. Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về các hoạt động thuộc lĩnh vực KH &CN, trong đó có hoạt động SHTT đã tổ chức thực hiện các biện pháp phát triển hoạt động SHTT, thúc đẩy phong trào hoạt động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất.

Sở đã theo dõi, tổng hợp và tuyên truyền phổ biến các tiến bộ kỹ thuật, các sáng kiến của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của SHTT và bảo hộ SHTT; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà nước, tổ chức cá nhân trong lĩnh vực SHTT trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; hưởng ứng các phong trào đẩy mạnh hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh do Bộ KH &CN, Cục SHTT phát động.

 Từ năm 2000 đến nay, toàn tỉnh đã có 6.750 sáng kiến cải tiến trong nhiều lĩnh vực được áp dụng vào thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đã có gần 100 đề tài, sáng kiến đạt giải tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, 8 công trình đạt giải cấp toàn quốc; xây dựng và cấp trên 220 nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm hàng hoá và 156 bằng sở hữu công nghiệp. Trong năm 2010, đã có 7 doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu hơn 20 sản phẩm nổi tiếng của tỉnh tại Chợ công nghệ thiết bị vùng Đồng bằng sông Hồng - Techmart Quảng Ninh và Chợ công nghệ thiết bị Thủ đô- Techmart Hà Nội.

Cùng với đó, các hoạt động tuyên truyền, đào tạo tập huấn về sở hữu công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu được đẩy mạnh; thường xuyên xây dựng các chuyên đề, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng nhận biết, phân biệt hàng thật, giả.

Đặc biệt, trong năm 2010, nhằm phổ biến, nâng cao hiểu biết của người dân cũng như các doanh nghiệp về lĩnh vực SHTT, Sở KH &CN phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Công ty Cổ phần Sở hữu Công nghiệp Investip thực hiện chương trình "Sở hữu trí tuệ và cuộc sống" phát sóng vào tối thứ 6 hàng tuần trên Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh. Đây thực sự là cơ hội cho doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm ra công chúng, tạo dựng, khai thác, bảo vệ, phát triển và khẳng định thương hiệu độc quyền của mình trên thị trường.

Được coi là tài sản chính của doanh nghiệp nhưng trên thực tế SHTT vẫn chưa thực sự được đông đảo các doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm đúng mức. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tựu chung lại ở một quốc gia còn tồn tại thói quen 'xài của chùa” cả một quá trình dài thì dường như công tác này vẫn còn quá gian nan. Mặt khác, sự nhận thức chưa cao về SHTT của toàn xã hội, nhất là với doanh nghiệp, năng lực đổi mới và ứng dụng khai thác quyền SHTT của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, tiếp tục là rào cản đáng kể đối với các hoạt động SHTT.

Trong số hàng trăm doanh nghiệp quốc doanh, công ty cổ phần… trên địa bàn tỉnh thì mới chỉ có khoảng vài chục đơn vị quan tâm đăng ký bảo hộ quyền đối với các loại tài sản trí tuệ của mình, song chủ yếu là nhãn hiệu và một số ít là kiểu dáng công nghiệp và sáng chế. Không những thế, không ít doanh nghiệp vẫn thờ ơ, thậm chí thiếu hiểu biết về SHTT. Họ quan niệm, xây dựng nhãn hiệu không nhất thiết phải bảo hộ cho nhãn hiệu đó, chỉ cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ cũng đủ sức tạo uy tín đối với người tiêu dùng, làm được như vậy là đã có chỗ đứng trên thương trường. Hơn nữa, việc thực hiện quyền SHTT cũng chưa thực sự đi vào hiệu quả, khiến tình trạng vi phạm quyền SHTT còn phức tạp, nạn làm hàng giả, hàng nhái còn khá phổ biến làm giảm lòng tin vào các hoạt động SHTT.

Khi mà việc thực thi cũng còn chưa thực sự hiệu quả, nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế, ý thức bảo hộ quyền tác giả của các đơn vị và cá nhân còn yếu. Đó chính là những thách thức đặt ra đối với hoạt động SHTT Việt Namon> nói chung, tỉnh ta nói riêng khi hội nhập kinh tế quốc tế.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa