Thứ 7, 18/01/2025, 16:56[GMT+7]

Phát triển Khoa học và Công nghệ gắn với thực tiễn

Thứ 4, 22/06/2011 | 08:49:27
2,300 lượt xem
Thực hiện phương châm gắn khoa học và công nghệ (KH&CN) với thực tiễn, những năm gần đây, hoạt động KH&CN đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Mô hình khảo nghiệm sản xuất các giống lúa mới có triển vọng vụ xuân 2011 của Trung tâm khảo nghiệm khuyến nông, khuyến ngư Thái Bình tại xã Đông Hải huyện Quỳnh Phụ. Ảnh Thành Tâm

Nhiều tiến bộ KHKT, công nghệ mới, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống, đặc biệt là các lĩnh vực nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao.

Với việc xác định KH&CN là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, là phương tiện chủ lực để đi tắt, đón đầu, rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh trong khu vực, những năm qua, Sở KH&CN đã tích cực phối hợp với các ngành tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về KH&CN; các chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng đã tập trung sâu hơn vào nghiên cứu ứng dụng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các luận cứ khoa học, giúp xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Từ năm 2006- 2010, ngành nông nghiệp đã chọn tạo, đưa ra ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nhiều giống cây trồng có giá trị kinh tế cao và được công nhận là giống quốc gia như: giống lúa TBR1, BC15, TBR 36, Thái Xuyên 111; giống lạc TB25... Đã nghiên cứu, sản xuất thành công lợn lai 3 máu, giống lợn lai 3/4 máu lợn rừng phục vụ phát triển trang trại, gia trại; sản xuất thành công và làm chủ quy trình nuôi thâm canh một số giống thuỷ, hải sản có giá trị kinh tế cao, như các loại cá:  Chim trắng,  Chép lai 3 máu, Rô phi lai xa...

Trong lĩnh vực công nghiệp, KH&CN đã thực sự là giải pháp quan trọng, đang từng bước giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đứng vững và phát triển, có uy tín trên thị trường, góp phần quan trọng vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, với nhiều ứng dụng được áp dụng trong sản xuất kinh doanh như: công nghệ hàn tự động hồ quang chìm để sản xuất các kết cấu thép và khung nhà tiền chế; máy uốn đai sắt phục vụ các công trình xây dựng; công nghệ sử dụng dầu Diezen cho máy sấy phun trong sản xuất gạch ceramic; công nghệ sản xuất xơ Polyester từ nhựa phế thải phục vụ tiêu dùng...

Hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã góp phần hỗ trợ, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp quản lý chất lượng hàng hoá, hạn chế gian lận thương mại. 5 năm qua, đã có trên 3.000 sản phẩm hàng hoá được công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp chuẩn, hợp quy; tiến hành kiểm định, hiệu chuẩn  trên 55.000 phương tiện đo các loại, kiểm nghiệm trên 6.000 mẫu sản phẩm phục vụ kịp thời công tác quản lý Nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Toàn tỉnh có trên 60 đơn vị xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc tế; 300 sản phẩm, hàng hoá của 70 đơn vị đã được cấp mã số, mã vạch; 20 doanh nghiệp được nhận giải thưởng chất lượng quốc gia, 2 giải quốc tế. Đã kiểm tra, thanh tra 615 lượt cơ sở, phát hiện và xử lý 443 vụ vi phạm hành chính, tiêu huỷ trên 13.000 hàng hoá không bảo đảm tiêu chuẩn về chất lượng và không rõ nguồn gốc.

Công tác quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ cũng thu được những kết quả đáng kể, với trên 250 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá và kiểu dáng công nghiệp; 6.750 sáng kiến, cải tiến trong nhiều lĩnh vực được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, trong đó, 8 công trình đạt giải Hội thi sáng tạo toàn quốc, 2 công trình đạt giải quốc tế; thẩm định, đánh giá 21 dự án đầu tư; hỗ trợ cho 24 doanh nghiệp đổi mới, cải tiến công nghệ gần 5 tỷ đồng. Hoạt động thông tin KH&CN tiếp tục được đổi mới cả về nội dung và hình thức. Tích cực triển khai xây dựng chương trình hỗ trợ các tổ chức kinh tế, cá nhân trong tỉnh xây dựng, quảng bá thương hiệu; xây dựng chuyên đề, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động KH&CN của tỉnh.

Phát triển khoa học và công nghệ là động lực phát triển kinh tế- xã hội, là nền tảng và điều kiện tiên quyết để Thái Bình phát triển nhanh, mạnh, bền vững theo hướng hiện đại. Vì vậy, mục tiêu đặt ra của ngành KH&CN là phải chủ động tham mưu, tư vấn, cung cấp luận cứ khoa học cho việc đề ra các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; chú trọng nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN tiên tiến, công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu đến năm 2020 Thái Bình cơ bản trở thành tỉnh nông thôn mới có nền nông nghiệp và công nghiệp hiện đại.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa