Chủ nhật, 19/01/2025, 06:09[GMT+7]

Khoa học và công nghệ trước tầm nhìn 2020

Thứ 5, 18/08/2011 | 14:57:18
2,023 lượt xem
Sở Khoa học và công nghệ Thái Bình vừa báo cáo trước Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình đề án: Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.

Dây chuyền sản xuất hạt giống chất lượng cao của nhà máy chế biến hạt giống thuộc Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình.

Đây là đề án đánh giá kết quả, thực trạng thành tựu khoa học công nghệ giai đoạn 2006-2019 và định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo; tầm nhìn đến năm 2020. Bài viết này xin được đề cấp đến những nét cơ bản nhất của bản đề án.

  • Thành tựu đạt được của nghiên cứu, ứng dụng. Quản lý và phát triển khoa học công nghệ

Theo đánh giá của đề án thì: Những năm qua, hoạt động Khoa học và Công nghệ đã bám sát và giải quyết được những nhiệm vụ cơ bản trong định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh giai đoạn 2001-2005 và đến 2010.

Trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất đời sống, thành tựu nổi bật nhất là: Tập trung đầu tư nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn nhiều giống cây trồng như: Lúa, ngô, đậu tương, khoai lang, cà chua, dưa, bí ớt... Kết quả đã chọn và đưa ra ứng dụng rộng rãi một số giống cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong đó, có 4 giống lúa là TBR1, BC15, Thái Xuyên 111, TBR 36 và một giống  lạc TB25, được Bộ NN và PTNT công nhận là giống Quốc gia. Khuyến cáo đưa ra sản xuất giống khoai tây có năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu: Manabell, Atdaitic... Các giống dưa hấu, dưa lê siêu ngọt; giống bí xanh số 1, giống ớt: Hot Chily, Ret chily. Phục vụ có hiệu quả chương trình chuyển đổi giống lúa dài ngày, chịu sự tác động của biến đổi khí hậu.. sang các giống lúa, giống cây trồng ngắn ngày, đưa năng suất trong những năm gần đây đạt bình quân 13 tấn thóc/ha/năm. Sản lượng ổn định trên 1 triệu tấn lương thực; nâng hệ số sử dụng đất từ 2,2 đến 2,6 lần, nhiều vùng 4 vụ thu nhập 100 đến 150 triệu đồng/ha.

Xây dựng thành công mô hình sản xuất giống và chuyên canh khoai tây hàng hoá; ứng dụng thành công biện pháp gieo thẳng bằng dụng cụ xạ hàng cải tiến, năng suất lúa tăng 10% so với lúa cấy, rút ngắn thời gian sinh trưởng. Trong chăn nuôi, nghiên cứu thành công lợn lại 3 máu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ Bioga xử lý phế thải trong chăn nuôi. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất con giống, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến hải sản; phòng trừ dịch bệnh. Sản xuất thành cộng: cá chim trắng, cá chép lai 3 máu, cá rôphi lai xa, cá tra, cá lóc bông, ngao, hầu cửa sông. Mô hình nuôi cá rô phi lai xa thương phẩm đạt 180 triệu đồng/ha ở nhiều vùng chuyển đổi. Ứng dụng công nghệ hàn tự động hồ quan chìm để sản xuất các kết cấu thép; chế tạo thành công máy uốn đai sắt, máy cắt cuộn giấy điện tử. Các công ép băng tự động sợi OE; công nghệ sinh hoá nâng cao chất lượng bia; nước uống.

Khoa học và công nghệ góp phần tích cực vào việc khôi phục các làng nghề truyền thống phát triển ngành nghề mới. Đã ứng dụng CNTT vào phục vụ cải cách hành chính xây dựng cho 36 xã nghề, mỗi xã có một trang website để giới thiệu trên mạng Internet. Nghiên cứu, điều tra, sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hoá Hán nôm; xuất bản Địa chí Thái Bình và Từ điển Thái Bình. Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến cải tiến, đã có trên 6750 sáng kiến, cải tiến, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Hai năm một lần tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật. Qua 3 lần tổ chức đã có 78 giải pháp công trình đạt giải. 28 công trình tham gia Hội thi toàn quốc có 4 công trình đạt giải và có một công trình đạt giải nhất Hội thi sáng tạo khoa học và Công nghệ Quốc tế, tổ chức ở Malaysiaon>.

Công tác quản lý khoa học và công nghệ được quan tâm đầu tư cả chiều sâu và chiều rộng. Triển khai có hiệu quả các hoạt động thẩm định, đánh giá và giám định công nghệ theo luật chuyển giao công nghệ được 21 dự án đầu tư trong tỉnh; hỗ trợ 24 doanh nghiệp đổi mới, cải tiến công nghệ tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng.

Cấp 253 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá và kiểu dáng công nghiệp. Thanh tra, kiểm tra, thẩm định các điều kiện kỹ thuật của trên 30 cơ sở có liên quan đến an toàn bức xạ hạt nhân; cấp phép hoạt động cho 32 cơ sở bức xạ. Phổ biến, hướng dẫn, áp dụng được 4000 lượt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm trọng điểm. Đã có 3000 lượt sản phẩm, hàng hoá các loại thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn, hợp quy. Hàng năm, kiểm định, hiệu chuẩn trên 55000 phương tiện, trên 6000 mẫu sản phẩm. Toàn tỉnh có trên 60 đơn vị xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế.

Điểm đáng kể trong thành tựu phát triển khoa học và công nghệ là phát triển tiềm lực. Đến nay, toàn tỉnh có 31.554 người có trình độ từ cao đẳng trở lên. Trong đó, 19 tiến sĩ, 602 thạc sĩ, 28 CKII, 286 CK1, 23.114 đại học, 7505 cao đẳng... chiếm 1,76% dân số toàn tỉnh. Cán bộ khoa học và công nghệ khối Nhà nước chiếm 67%; cơ quan Đảng đoàn thể: 2,7%, tập trung ở thành phố là chủ yếu. Có 16 đơn vị nghiên cứu triển khai dịch vụ khoa học và công nghệ, 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng có 30 phòng thí nghiệm, thử nghiệm chuyên ngành. Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ từ năm 2006-2010 là 76,03 tỷ đồng; Bộ KH và CN đầu tư cho 5 dự án thuộc chương trình nông thôn, miền núi: 6,681 tỷ đồng. Như vậy, bình quân chi ngân sách cho lĩnh vực này là 0,65%, thấp hơn bình quân chung cả nước.

  • Giải pháp phát triển giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020

Mục tiêu tổng quát đặt ra là: Nâng cao năng lực, trình độ khoa học và công nghệ, phấn đấu đến năm 2020 đưa trình độ và năng lực khoa học và công nghệ của tỉnh đạt mức khá trong cả nước; phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH, góp phần đưa Thái Bình trở thành tỉnh nông thôn mới, có nền nông nghiệp và công nghiệp theo hướng hiện đại.

Từ mục tiêu tổng quát trên, các mục tiêu cụ thể được xây dựng là: Phấn đấu đến năm 2015 nghiên cứu, chọn tạo thành công 3-5 giống cây trồng mới có tính vượt trội về năng suất, chất lượng đạt tiêu chuẩn giống Quốc gia. Xây dựng 3-5 doanh nghiệp, 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng  dụng công nghệ cao... để đến năm 2020 có 7-10 doanh nghiệp, 5-7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2015 đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 10 đến 15% và 30 đến 35% vào năm 2020. Xây dựng được 3-5 sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu Thái Bình có sức cạnh tranh cao.

Đến năm 2015, có số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 10% và năm 2020 là 15%. Có 25% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, đến năm 2020 là 50%. Xây dựng 2-3 doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công phần mềm phục vụ các nhu cầu trong nước và xuất khẩu; phát triển mạnh mẽ hệ thống dịch vụ công nghệ thông tin. Bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, phản biện... Củng cố và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài. Hình thành các tổ chức khoa học và công nghệ có khả năng giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở trình độ cao; phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao.

Để thực hiện được mục tiêu đề án, có 4 nhiệm vụ chủ yếu đặt ra cần được triển khai là: Nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ công tác lãnh đạo và quản lý Nhà nước của tỉnh; khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ; trong chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu và an ninh quốc phòng. Đề án phát triển năm 2015 tầm nhìn 2020 cũng nêu 5 chương trình, 6 dự án và 6 giải pháp bao gồm: Nâng cao nhận thức, đổi mới cơ chế, chính sách quản lý, tăng cường đầu tư nguồn lực, gắn kết các hoạt động; mở rộng hợp tác và hội nhập Quốc tế và tăng cường tiềm lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa