Thứ 5, 10/10/2024, 03:15[GMT+7]

Bệnh "cận thị giả" - nguy cơ tiềm ẩn tuổi học đường

Thứ 5, 24/11/2011 | 04:07:34
5,615 lượt xem
Các cụ xưa có câu: "Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay" hàm nghĩa nói lên tầm quan trọng của đôi mắt đối với số phận giàu sang hay cơ cực của một đời người. Bởi lẽ, tự nhiên sinh ra con người từ thời tiền sử đã có đôi mắt để "nhìn xa, trông rộng" với chức năng sinh học là nhìn lướt nhanh để săn bắt thú rừng, xác định địch thủ và chỉ nhìn gần khi làm các thao tác tỷ mỷ chăm sóc bản thân và đồng loại.

Việc đo thị lực chính xác đòi hỏi phải có phòng kiểm tra đúng tiêu chuẩn và bác sỹ phải có chuyên môn về mắt. Trong ảnh: Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thị Tư, Trưởng khoa mắt, Bệnh viện Đại học Y Thái Bình thao tác kỹ thuật soi đáy mắt cho bệnh nhân.

 

Loại trừ các bệnh lý khác về mắt, trong bài viết này chỉ đề cập đến vấn đề tật khúc xạ mà cụ thể là cận thị và cận thị giả. Theo PGS,TS Hoàng Năng Trọng, Đại học Y Thái Bình, vốn dĩ giải phẫu của mắt con người có cấu tạo đặc biệt để nhìn xa, đồng thời với khả năng tập trung nhìn gần trong thời gian ngắn và như vậy, khi làm bất cứ việc gì bằng thị lực trong thời gian kéo dài đều có ảnh hưởng trái ngược với tạo hóa mà tự nhiên ban tặng cho con người, do vậy hệ thống thị giác trở lên căng thẳng và mất dần chức năng nhìn xa.

 

Thạc sỹ, Bác sỹ Bùi Đức Lương, Bệnh viện Đại học Y Thái Bình khám xác định tật khúc xạ cho bệnh nhân.

 

Về cơ chế sinh học, mắt phải điều tiết để nhìn gần, có nghĩa là nếu một người nào đó tập trung nhìn gần trong một khoảng thời gian kéo dài, hoạt động của mắt tập trung và căng thẳng như đọc sách, làm máy tính hoặc các kỹ thuật mang tính chính xác cao, lúc đó các cơ "thể mi" sẽ "khóa" chặt các thấu kính trong mắt ở trạng thái điều tiết phồng để mắt có thể định dạng và hội tụ ảnh các vật thể ở gần.

 

Mới đây, tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng, hiện nay tỷ lệ người cận thị (các tật khúc xạ khác như viễn, loạn thị) đang có xu hướng gia tăng ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Khuyến cáo chỉ ra rằng, tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ ở một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và Đảo quốc Đài Loan chiếm khoàng trên 50%; ở Việt Nam có khoảng 20% số người được khảo sát.

Phần lớn các hiệu kính thời trang có bán kèm kính thuốc

 

Hiện tượng ban đầu thường thấy mỏi mắt, nhức mắt khi làm việc với màn hình máy tính, đọc sách nhiều, đeo thử kính cận thấy dễ chịu, nhìn và đọc chữ rõ hơn nên nghĩ là đã bị cận thị! Nhưng bản chất là do mắt bị điều tiết quá mức, gây nên hiện tượng nhìn không rõ, thuật ngữ y học gọi là “cận thị giả”, nghĩa là nhìn xa không rõ. "Cận thị giả" hay "giả cận thị" được các nhà y học kết luận  không phải là bệnh lý cố hữu mà là những rối loạn thoáng qua rất giống một triệu chứng của một bệnh hay một hội chứng nào đó. Theo một thống kê của ngành Y tế, nước ta có khoảng 50% học sinh bậc THCS và 30% với bậc tiểu học mắc tật khúc xạ nhưng do bị chẩn đoán sai, trong đó chủ yếu là các em không đến các phòng khám chuyên khoa về mắt mà tự ý ra hiệu kính mua và đeo kính, do vậy phải đeo kính oan nên nhiều em đã bị ảnh hưởng xấu đến thị lực.

 

Bác sỹ chuyên khoa II Vũ Xuân Thủy, Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải trong một khảo sát đối với 35 trường THCS và đại diện khu vực nông thôn tại Tiền Hải cho biết: thị lực khu vực thị trấn, thị tứ 1-3/10 chiếm 12,8%; 4-7/10 chiếm 4,3%; 8-10/10 chiếm 82%. Khu vực nông thôn 1-3/10 chiếm 4,2%; 4-7/10 chiếm 3,1%; 8-10/10 chiếm 92,7%. Như vậy, vùng thị trấn nhóm học sinh có thị lực bình thường chiếm 82,8%, nhóm học sinh có thị lực giảm trung bình từ 4/10-7/10 chiếm 4,3%, nhóm học sinh có thị lực giảm trầm trọng 1/10-3/10 chiếm 12,8%. Vùng đại diện nông thôn có khá hơn, nhóm thị lực giảm trầm trọng 1/10-3/10 chiếm 4,2%.

 

Như vậy, so sánh mức độ giảm thị lực trầm trọng thì học sinh ở thị trấn, thị tứ chiếm tỷ lệ cao hơn học sinh vùng nông thôn. Sau khi khảo sát, khám liệt điều tiết và soi bóng đồng tử đối với 139 học sinh tại Tiền Hải, BS Thủy cho biết thêm: thực trạng cận thị và cận thị giả của học sinh THCS có kết quả: cận thị giả 21 học sinh, chiếm tỷ lệ 15,1%; cận thị 118 học sinh chiếm 84,9%. Cũng theo kết quả khảo sát, tỷ lệ học sinh THCS mắc tật khúc xạ sử dụng kính để điều chỉnh thị lực theo khối học khu vực thị trấn, thị tứ chiếm 78%; khu vực nông thôn 38%. Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh THCS mắc tật khúc xạ sử dụng kính không đúng số để điều chỉnh thị lực khu vực nông thôn là 8,9%, khu vực thị trấn, thị tứ chiếm 12,4%, trong đó học sinh khối 9 chiếm tỷ lệ cao nhất so với toàn huyện.

 

Bác sỹ Thủy còn đưa ra khảo sát thực trạng 05 hiệu kính thuốc trên địa bàn huyện Tiền Hải (02 nông thôn, 03 thị trấn) cho thấy cả 05 hiệu kính thuốc trên địa bàn huyện không có giấy phép hành nghề, dụng cụ mài lắp kính và kiểm tra thị lực thô sơ, bảng thử thị lực chỉ có 04/05 cửa hàng, chủ hiệu kính không qua đào tạo, không được tập huấn và thường là kết hợp bán kính với bán và sửa chữa đồng hồ...Kết quả phỏng vấn học sinh mắc tật khúc xạ, có 43,5% có nhận thức đúng về lứa tuổi học sinh thường mắc tật khúc xạ, trong đó có 70,9% trả lời tật khúc xạ có thể chữa được và chữa bằng cách đeo kính.

 

Theo kết quả điều tra, 80,4% học sinh chưa bao giờ đi kiểm tra định kỳ thị lực; số học sinh đi kiểm tra định kỳ thường xuyên chỉ chiếm gần 18%, trong số đó có 6,2% đo thị lực định kỳ từ 3-6 tháng, 4,9% đo thị lực định kỳ trên 6 tháng đến trên một năm, kiểm tra thị lực định kỳ dưới 3 tháng chiếm tỷ lệ 2,3%. Các bệnh viện tư nhân và cửa hàng kính tư nhân là hai địa chỉ mà các em học sinh thấy có triệu chứng mắc tật khúc xạ đến khám và mua kính, chiếm 35%. Cũng theo kết quả khảo sát về thói quen sinh hoạt, học tập ở nhà dẫn đến mắc tật khúc xạ của học sinh THCS tại Tiền Hải, Bác sỹ Thủy cho biết: 59,1% học sinh không có góc học tập ở nhà, 74% học sinh học với bóng điện huỳnh quang, 28,9% xem tivi, chơi điện tử, máy tính trên 2 giờ liên tục mỗi ngày; 38,5% khi ngồi học với cự ly gần dưới 30cm.

 

Theo các Bác sỹ chuyên khoa, cận thị nặng sẽ dẫn đến thoái hóa võng mạc trung tâm, bong võng mạc, lác hoặc glôcôm…thậm chí nặng có thể bị mù. Đối với trẻ không bị cận mà vẫn phải đeo kính khiến thị lực không tăng, gây nhức mắt, mỏi mắt, dần dần mất thị giác 2 mắt, dẫn đến bị cận thị nặng, bong võng mạc và rất dễ bị mù. Do đó khi khám thị lực cho trẻ nên  thận trọng, chẩn đoán đúng tật khúc xạ.

 

Các bác sỹ chuyên khoa về mắt cũng khuyến cáo với các bậc phụ huynh là khi thấy con mình có biểu hiện mắt nhìn không bình thường nên cho con đến cơ sở y tế có uy tín như phòng khám mắt bệnh viên Đa khoa, bệnh viện mắt, khoa mắt Bệnh viện Đại học Y Thái Bình đo khám. Thực tế, nhiều trẻ em mắc tật khúc xạ khi khám ở cơ sở tư nhân được kê đơn kính thuốc và đeo kính cận, thế nhưng khi đến khám tại bệnh viện Đại học Y Thái Bình được các bác sỹ chuyên khoa khám đúng quy trình thì kết quả không phải cận thị mà là “cận thị giả”.

 

Thông tư 07 ngày 25-7-2007 của Bộ Y tế đã quy định, người đứng đầu các cơ sở kinh doanh kính thuốc phải có bằng Trung cấp y trở lên, đã có thời gian hành nghề chuyên khoa mắt ít nhất 2 năm tại các cơ sở khám, chữa bệnh về mắt...thế nhưng, thực tế hầu như các hiệu kính tư nhân và đa số các phòng khám mắt tư nhân trên địa bàn Tiền Hải nói riêng và địa bàn Thái Bình nói chung không được tập huấn kỹ thuật và trang thiết bị sơ sài, nhiều học sinh bị chẩn đoán sai tật khúc xạ dẫn đến phải đeo kính không đúng, kết quả là "cận thị giả" thành "cận thị" thật! Theo khảo sát của Bộ Y tế: "chỉ có trên 20% cơ sở kinh doanh kính mắt đủ các điều kiện theo quy định. Trên thực tế, việc đo thị lực chính xác không đơn giản chỉ là có bảng chữ kiểm tra, có máy đo thị lực. Cùng một bệnh nhân, nếu đo thị lực ở những thời điểm và điều kiện khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Do đó, việc đo thị lực chính xác đòi hỏi phải có phòng kiểm tra đúng tiêu chuẩn và bác sỹ phải có chuyên môn về mắt".

 

Học sinh THCS và Tiểu học là đối tượng dễ mắc tật khúc xạ, nhất là học sinh ở khu vực thành phố và thị trấn, trong khi đó nhu cầu khám và điều trị, chỉnh kính tăng thị lực gây quá tải ở các cơ sở khám và điều trị về mắt, mặt khác người dân mua và sử dụng kính thuốc tùy tiện nên dẫn đến các nguy cơ báo động, tiềm ẩn về cận thị giả thành cận thị thật trong lứa tuổi học đường.

 

Bài và ảnh: LÊ QUANG VIỆN

  • Từ khóa