Thứ 2, 22/07/2024, 18:18[GMT+7]

TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y THÁI BÌNH Sản xuất thành công chế phẩm vi sinh xử lý ô nhiễm môi trường

Thứ 3, 17/01/2012 | 09:55:44
4,608 lượt xem
Phế thải không được xử lý hoặc xử lý không triệt để là nguồn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Việc không xử lý hoặc xử lý rác thải không đúng quy trình, bằng những công nghệ lạc hậu, tốn kém năng lượng và chi phí nhân công đang là trở ngại lớn cho nhiều địa phương.

Cán bộ Trường Đại Học Y Thái Bình kiểm tra quá trình lên men hữu cơ của chế phẩm phân bón vi sinh tại xã Vũ Lăng, Tiền Hải

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển nhanh và mạnh của các đô thị, vấn đề bảo đảm vệ sinh, chống ô nhiễm môi trường ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội.

Với nhiều địa phương chuyên sản xuất nông nghiệp, trong đó có Thái Bình thì giải pháp dùng các vi sinh vật để xử lý ô nhiễm môi trường gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm và xử lý rác thải hữu cơ nông nghiệp tạo nguồn nguyên liệu tái sinh đang là lựa chọn hàng đầu cho mô hình vệ sinh môi trường an toàn và hiệu quả.

Trước đây, bà con nông dân thường mang phế thải nông nghiệp sau khi thu hoạch (rơm, rạ, lõi ngô, vỏ đậu tương…) để đun nấu, làm thức ăn cho trâu, bò. Nhưng gần đây, nền kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện, bếp đun bằng rơm rạ xưa kia đã được thay thế bằng bếp ga, bếp than.

Vì vậy, rơm, rạ sau thu hoạch thường được đem đốt ngay trên đồng ruộng. Vào mùa mưa, rơm, rạ gây ách tắc hệ thống kênh, mương, gây ô nhiễm môi trường. Việc đốt rơm, rạ tại ruộng không chỉ làm ô nhiễm môi trường do khói bụi mà còn làm mất đi lượng lớn các chất dinh dưỡng có trong rơm, rạ, đất; tiêu diệt vi sinh vật có lợi trong đất và làm mất cân bằng sinh thái khu vực.

Xuất phát từ thực tế đó, Ban giám đốc Trung tâm Dịch vụ Khoa học - Kỹ thuật Y Dược Trường Đại học Y Thái Bình đã giao cho Thạc sỹ Lê Việt Hà nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh xử lý ô nhiễm môi trường tại các hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm và chất thải hữu cơ. Giải pháp đã tập trung nghiên cứu các đặc tính sinh học của 4 chủng vi sinh vật được lựa chọn, từ đó đưa ra quy trình lên men tạo chế phẩm EMIC- YTB. Chế phẩm EMIC- YTB do Trường Đại học Y Thái Bình nghiên cứu, sản xuất dưới dạng dung dịch và dạng bột, có chứa trong đó các vi sinh vật hoàn toàn không gây độc hại, an toàn đối với người và gia súc.

Trong khuôn khổ của đề tài, các cán bộ thuộc Trung tâm Dịch vụ Khoa học - Kỹ thuật Y Dược đã  hỗ trợ tập huấn cho bà con nông dân của xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải nâng cao nhận thức về thu gom, xử lý rác thải nông nghiệp ngoài đồng ruộng. Ban giám đốc Trung tâm đã chủ động phối hợp với UBND xã Vũ Lăng lựa chọn những hộ gia đình có tâm huyết, nhân lực, tôn trọng khoa học bảo đảm thực hiện đầy đủ các bước kỹ thuật để tham gia tập huấn xử lý ô nhiễm môi trường, khử mùi hôi thối của chuồng trại; làm phân bón hữu cơ vi sinh từ  chất thải hữu cơ và phế thải nông nghiệp.

Phương pháp tiến hành đơn giản, không tốn kém, lại không yêu cầu về công nghệ máy móc hiện đại. Để khử mùi hôi thối của chuồng  trại, sử dụng chế phẩm EMIC- YTB dạng dung dịch pha loãng theo tỉ lệ 1lít chế phẩm: 20 lít nước, phun đều lên khu vực bị ô nhiễm. Cứ 1 lít dung dịch đã pha loãng phun cho diện tích 10m2 chuồng trại. Để làm phân bón hữu cơ vi sinh chỉ cần hòa đều 40gr chế phẩm EMIC- YTB dạng bột vào 20 lít nước, sau đó cứ một lớp  rác - phân đã tưới đủ nước, ẩm, dày 20- 30cm thì phun tưới từ 2- 3 lít dung dịch chế phẩm vừa pha. Kích thước đống ủ tốt nhất là khoảng 2m x 2m x 1,5m. Dùng bao tải dứa, bạt thoáng, nilon để phủ kín đống ủ. Sau 10 ngày đảo trộn đống ủ một lần, nếu đống ủ khô thì cần phải tưới thêm nước. Sau 20 – 30 ngày ủ, Ban quản lý đề tài triển khai nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện tại 125 đống ủ rơm rạ, phân hữu cơ của xã Vũ Lăng. Kết quả, đã thu được hàng trăm tấn phân hữu cơ vi sinh bảo đảm chất lượng tốt, mục, tơi, phân có màu đen hoặc nâu đen, tỷ lệ thành phẩm đạt cao; có thể bón cho hàng chục mẫu ruộng lúa hoặc rau màu, đậu tương, khoai tây…

Kết quả này đã khẳng định chất lượng và hiệu quả tác động của phân bón hữu cơ vi sinh được làm từ chế phẩm vi sinh EMIC- YTB. Việc tái chế này không chỉ giúp ngăn ngừa lãng phí nguyên liệu mà còn làm sạch môi trường cảnh quan sinh thái, tránh tình trạng rác thải bị bỏ phí tại bãi rác, gây ô nhiễm môi trường.

Ngay sau khi triển khai thành công tại xã Vũ Lăng, UBND huyện Tiền Hải đã đặt mua chế phẩm EMIC- YTB, triển khai tới các hộ nông dân của tất cả các xã trong huyện. Cùng với đó, chế phẩm EMIC- YTB đã được bà con nông dân của các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Quỳnh Phụ; một số huyện của tỉnh Nam Định như Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thuỷ sử dụng để khử mùi hôi, diệt mầm bệnh tại các trang trại, gia trại, các bãi rác thải và xử lý rác, rơm rạ làm phân hữu cơ vi sinh, mang lại hiệu quả cao, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Với thành công đó, đề tài đã đạt giải ba tại hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật và công nghệ tỉnh Thái Bình năm 2010- 2011./.

                                                                                    Minh Nguyệt

  • Từ khóa