Thứ 4, 22/01/2025, 20:12[GMT+7]

Khoa học công nghệ Thái Bình Tiếp sức cho sự nghiệp phát triển KT-XH địa phương

Thứ 5, 29/03/2012 | 08:23:57
1,799 lượt xem
Những năm qua, nhiều tiến bộ KHKT, công nghệ mới, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống, đặc biệt là các lĩnh vực nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao. KH&CN đã thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Kiểm tra đề tài khoa học tại Công ty Pha lê Việt Tiệp, huyện Tiền Hải.

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu khí tuệ và an toàn bức xạ hạt nhân... Sở KH&CN đã tích cực phối hợp với các ngành tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KH&CN.

Trong năm 2011, đã có 80 đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp ngành được UBND tỉnh phê duyệt. Hầu hết các đề tài, dự án đã xuất phát từ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, khắc phục được tình trạng phân tán, dàn trải. Việc ứng dụng kỹ thuật tiến bộ thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã tạo chuyển biến tích cực trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Đã tiến hành khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao. Xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập cho người nông dân. Tiêu biểu như: Giống PC6, P6 đột biến, Japonica; giống dưa Thanh lê; giống lợn lai ¾ máu lợn rừng; giống Hầu... Trong lĩnh vực công nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường, khoa học xã hội và nhân văn... đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các luận cứ khoa học, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các giải pháp phòng, chữa bệnh và sức khỏe cộng đồng.

Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, công nghệ, sở hữu trí tuệ (SHTT) và an toàn bức xạ hạt nhân được triển khai đồng bộ. Công tác thanh tra chuyên ngành về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu, an toàn điện, vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh được tăng cường.

Năm 2011 đã hướng dẫn cho trên 20 doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn cơ sở và công bố hợp chuẩn, hợp quy với trên 100 sản phẩm hàng hóa; hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký mã số, mã vạch cho 5 doanh nghiệp với 20 sản phẩm; kiểm định trên 12.200 phương tiện đo lường các loại; tổ chức hàng chục đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua kiểm tra, đã kiến nghị xử phạt hành chính 12 cơ sở vi phạm. Chương trình áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tại các doanh nghiệp và một số cơ quan quản lý Nhà nước được triển khai tích cực. Đồng thời, tích cực triển khai chương trình hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh xây dựng, quảng bá thương hiệu; xây dựng chuyên đề, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng về các lĩnh vực liên quan đến hoạt động KH&CN.

Để KH&CN ngày càng có vai trò và vị trí quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong thời gian tới, hoạt động KH&CN cần tập trung vào tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục quán triệt sâu sắc và đầy đủ quan điểm của Đảng về phát triển KH&CN để tạo ra sự chuyển biến tích cực, cả trong nhận thức và hành động, Hàng năm, cùng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành cần có kế hoạch phát triển KH&CN; động viên mọi tầng lớp nhân dân, đội ngũ trí thức tích cực tham gia phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiếp thu, ứng dụng nhanh chóng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Cùng với đó, phải xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó lấy chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ KH&CN là chính, lựa chọn công nghệ sinh học là hướng ưu tiên để đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất, ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp cần phải đi tiên phong trong hoạt động chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH&CN.

Mặt khác, cần đổi mới cơ chế chính sách quản lý KH&CN, áp dụng cơ chế khoán gọn thực hiện các đề tài, dự án KH&CN, cơ chế tuyển chọn, đấu thầu công khai các đề tài, dự án KH&CN trọng điểm của tỉnh để thu hút lực lượng cán bộ KH&CN có trình độ cao ở ngoài tỉnh tham gia. Tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý KH&CN từ tỉnh xuống cơ sở. Xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN, cần tập trung xây dựng quy hoạch kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ KH&CN của tỉnh. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ KH&CN trẻ, cán bộ trực tiếp làm việc ở cơ sở, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Tạo môi trường, điều kiện làm việc cho các tài năng sáng tạo KH&CN. Từng bước phát triển thị trường KH&CN ở địa phương thông qua tổ chức Chợ Công nghệ và Thiết bị, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để cập nhật các tiến bộ KHKT, công nghệ mới đã nghiên cứu thành công ở tỉnh ngoài để áp dụng vào tỉnh. Phát động phong trào quần chúng ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tiến tới hình thành sàn giao dịch công nghệ ở Thái Bình.

Với những kết quả đã đạt được trong năm 2011, với sự quan tâm, chỉ đạo của cấp trên và sự quan tâm phối hợp có hiệu quả của các sở, ban ngành, địa phương cùng sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ KH&CN trong tỉnh, hoạt động KH&CN tỉnh Thái Bình sẽ có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

VŨ MẠNH HIỀN

Tỉnh ủy viên - Giám đốc sở Khoa học - Công nghệ Thái Bình

  • Từ khóa