Thứ 7, 20/04/2024, 20:18[GMT+7]

Dùng chế phẩm vi sinh - Con đường đi tới nền nông nghiệp sạch

Thứ 5, 29/03/2012 | 10:15:08
2,651 lượt xem
Không chỉ đốt rơm rạ, rác thải sinh hoạt đang là vấn đề “nóng” ở các vùng quê. Xử lý rơm, rạ, rác thải như thế nào để có lợi cho môi trường và cuộc sống luôn là câu hỏi đối với các nhà khoa học.

Xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm EMIC-YTB

Từ những trăn trở, nhóm nghiên cứu của Trường Ðại học y Thái Bình (gồm PGS-TS Phạm Ngọc Khái, Phó Hiệu trưởng nhà trường; TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng quản lý khoa học; TS Vũ Phong Túc, Giám đốc Trung tâm bảo đảm chất lượng GD và khảo thí; Thạc sỹ Lê Việt Hà, giảng viên bộ môn sinh học) đã nuôi cấy và sản xuất, ứng dụng thành công chế phẩm vi sinh EMIC-YTB. Chế phẩm có thể “hóa giải” bức xúc về nạn “đốt đồng” xảy ra sau mùa gặt và rác thải sinh hoạt.

Nông thôn Thái Bình đang từng ngày đổi thay, rơm rạ không còn là chất đốt chủ yếu, điện, khí gas, than…đã thay thế nguồn “chất đốt truyền thống” bấy lâu nay vì thế mà sau mỗi mùa gặt rơm rạ được đốt ngay tại ruộng, gây ra khói bụi, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em, người già và người có bệnh hô hấp, bệnh mạn tính. 

Thực tế cho thấy, nhằm tăng nhanh giá trị nông nghiệp mà nhiều người đã lạm dụng phân bón hóa học. Hệ quả là đất bạc màu, chai cứng, sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp. Gần đây, nhiều hộ nông dân ở Thái Bình đang có xu hướng quay trở lại dùng phân hữu cơ, đặc biệt là sử dụng chế phẩm sinh học. Sở dĩ, nông dân sử dụng phân bón hữu cơ còn hạn chế là bởi thời gian ủ phân theo phương pháp truyền thống thường mất 50 - 60 ngày, nhiều khi vì kịp thời vụ gieo trồng mà người dân phải bón phân còn tươi, chưa hoai mục… Ðây là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh, các chủng nấm, vi sinh có hại vào đất, gây nên một số bệnh nguy hiểm không những cho cây trồng mà cả sức khỏe của con người. Sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học nhằm giải quyết tốt vấn đề môi trường đồng thời tạo thêm nguồn phân bón hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình đang được sự đầu tư của Sở Khoa học & công nghệ và môi trường Thái Bình thông qua dự án “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn Thái Bình”, trong đó, Trường Ðại học Y Thái Bình đã nghiên cứu, sản xuất thành công chế phẩm vi sinh xử lý chất thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp, làm phân bón “EMIC-YTB”.

Theo Tiến sỹ Y khoa Vũ Phong Túc, việc xử lý rác, rơm rạ bằng chế phẩm sinh học EMIC-YTB được triển khai tại 3 xã Phương Công, Tây Ninh, Vũ Lăng huyện Tiền Hải từ tháng 3 năm 2011, đã đạt được một số kết quả khả quan. Chế phẩm này có đặc tính ưu việt là an toàn với môi trường và con người, không tạo ra các chủng vi sinh vật mới gây bệnh. Kích thích cây trồng sinh trưởng phát triển đồng thời bảo đảm sự cân bằng sinh thái. Trong chế phẩm EMIC-YTB có khoảng 80 loài vi khuẩn cả kỵ khí và hiếm khí thuộc 10 chi khác nhau. Chúng bao gồm các vi khuẩn quang hợp (tổng hợp ra chất hữu cơ từ CO2 và H20), vi khuẩn cố định Nitơ (sử dụng chất hữu cơ của vi khuẩn quang hợp để chuyển N2 trong không khí thành các chất Nitơ), xạ khuẩn (sản sinh chất kháng sinh ức chế vi khuẩn sinh vật gây bệnh và phân giải chất hữu cơ), vi khuẩn lactic (chuyển hóa thức ăn khó tiêu thành thức ăn dễ tiêu), nấm men (sản sinh vitamin và các axit amin). Các vi khuẩn sinh vật trong chế phẩm EMIC tạo ra một hệ sinh thái, hỗ trợ lẫn nhau, cùng sinh trưởng và phát triển. Ðây là loại chế phẩm sinh học sử dụng các chủng vi sinh vật hữu ích trong tự nhiên nhằm phân giải nhanh các chất hữu cơ có trong rác thải, rơm rạ thành các chất dinh dưỡng dễ tiêu cho cây. Thành phần sinh học chính của chế phẩm này chủ yếu là các chủng loại vi sinh vật được phân lập tại các vùng sinh thái của Việt Namon>.

Tiến sỹ Vũ Phong Túc cho biết: “Thời gian qua Trường Ðại học Y Thái Bình đã thử nghiệm chế phẩm ở quy mô nhỏ tại 10 xã của huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình, với nguồn nguyên liệu chính để ủ phân gồm: rác, rơm rạ, bèo, cỏ, dây dưa dây bí và phân chuồng tươi…kết quả cho thấy khi sử dụng chế phẩm trong quá trình ủ không có mùi hôi thối bay ra, nhìn bằng cảm quang các loại phế thải thực vật sau khi ủ hoai mục hơn. Sau ủ 20 - 25 ngày là có phân hoai mục để bón cho cây trồng, cây trồng phát triển tốt hơn, ít bị bệnh hơn. Ðặc biệt sử dụng chế phẩm để ủ đất hoặc phân làm bầu cho cây gốc ghép tại vườn ươm giống cây ăn quả khi ra ngôi cây sinh trưởng nhanh, không bị nấm bệnh hại. Các hộ dân được hưởng ứng dụng chế phẩm vi sinh đều khẳng định việc sử dụng chế phẩm EMIC-YTB để ủ phân bón cho cây trồng mang lại kết quả khả quan”. Ðánh giá chất lượng xử lý rác, rơm rạ bằng chế phẩm EMIC-YTB tại 3 xã Phương Công, Tây Ninh và Vũ Lăng (Tiền Hải) cho thấy chất lượng đống ủ phân vi sinh đạt kết quả cao với đánh giá tốt từ 75,5% đến 84,9%.

Công nghệ sinh học đang là một trong những ngành công nghiệp phát triển tạo động lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt, phân bón vi sinh (chế phẩm của công nghệ sinh học) là cơ sở của việc nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, góp phần cải thiện độ màu mỡ của đất.

 

 Lê Quang Viện

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày