Thứ 4, 07/08/2024, 22:16[GMT+7]

Hiểm họa tiềm ẩn từ rác

Thứ 5, 05/04/2012 | 13:35:41
1,881 lượt xem
Mấy năm trở lại đây, đời sống người dân khu vực nông thôn Thái Bình không ngừng được cải thiện, cơ sở vật chất phát triển khá mạnh, do vậy, rác thải sinh hoạt không chỉ là vấn đề bức xúc nơi đô thị mà khu vực nông thôn cũng đang “quá tải”.

Xử lý rác thải khu vực nông thôn tại Phương Công (Tiền Hải).

Hầu hết rác thải sinh hoạt cả khu vực thành thị và vùng nông thôn mới chỉ được thu gom, tập kết để chôn lấp. Ô nhiễm môi trường là điều không tránh khỏi, mùi hôi thối và hơi khí độc cộng với nước rỉ từ rác thải chứa nhiều mầm bệnh phát tán ra môi trường xung quanh ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhiều bãi rác lộ thiên “vô tình” tạo điều kiện cho ruồi nhặng, chuột phát triển.

 

Nghiên cứu của trường Ðại học Y Thái Bình năm 2010 cho thấy lượng rác thải tại 2 phường của Thành phố Thái Bình chủ yếu là rác thải hữu cơ (69,0%) nhưng mới chỉ được thu gom không qua phân loại và xử lý. Tiến sỹ Vũ Phong Túc và nhóm nghiên cứu của Trường Ðại học Y Thái Bình cho biết: Rác thải là sản phẩm loại bỏ được thải ra trong quá trình hoạt động, sản xuất, chế biến của con người. Rác thải có nhiều nguồn khác nhau: Rác thải sinh hoạt; rơm rạ, rác thải đô thị; rác thải do quá trình sản xuất, rác thải từ các nhà máy công nghiệp. Rác thải được xếp thành 3 nhóm:  Rác thải hữu cơ;  rác thải rắn; rác thải lỏng.

 

Một trong những đặc điểm rõ nhất ở rác thải sinh hoạt là thành phần các chất hữu cơ chiếm tỷ lệ rất cao 55 - 65%. Trong rác thải sinh hoạt các chất phi hữu cơ như kim loại, thuỷ tinh, rác xây dựng... chiếm khoảng 12 - 15%. Phần còn lại là các cấu tử khác. Cơ cấu thành phần cơ học của rác thải đô thị không phải là những tỷ lệ bất biến, mà có biến động theo các tháng trong năm và thay đổi theo mức sống của cộng đồng.

 

Tiến sỹ Vũ Phong Túc cho biết thêm: Ở các nước phát triển, do mức sống của người dân cao cho nên tỷ lệ thành phần hữu cơ trong rác thải sinh hoạt thường chỉ chiếm 35 - 40%. So với thế giới thì rác thải sinh hoạt Việt Namon> nói chung và Thái Bình nói riêng có tỷ lệ hữu cơ cao hơn rất nhiều. Trong các cấu tử hữu cơ của rác sinh hoạt, thành phần hóa học của chúng chủ yếu là: C, H, O, N, S và các chất tro. Rác thải đô thị nếu để phân huỷ một cách vô tổ chức thì môi trường đặc biệt là nguồn nước sẽ bị ô nhiễm một cách trầm trọng.

 

- Các chất hỗn hợp gồm tất cả các chất rắn có nguồn gốc vô cơ hoặc hữu cơ.

 

Theo đánh giá của chuyên gia y tế, chất thải rắn đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ cộng đồng; nghiêm trọng nhất là đối với dân cư khu vực làng nghề, khu công nghiệp, bãi chôn lấp chất thải và vùng nông thôn ô nhiễm chất thải rắn đến mức báo động. Ðáng chú ý như bệnh như đau mắt, bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu chảy, dịch tả, thương hàn…do chất thải rắn gây ra.

 

TS Vũ Phong Túc khuyến cáo: Tình trạng người dân đổ rác bừa bãi ra lòng lề đường và mương rãnh hở vẫn còn phổ biến ở vùng nông thôn hiện nay gây ô nhiễm nguồn nước và ngập úng khi trời mưa. Nếu việc thu gom và vận chuyển rác thải không hết sẽ dẫn đến tình trạng tồn đọng chất thải trong các đô thị, làm mất mỹ quan, gây cảm giác khó chịu cho cả dân cư trong đô thị. Rác thải đổ bừa bãi xuống cống rãnh, ao, hồ, kênh, mương…làm cản trở dòng chảy của hệ thống thoát nước khu dân cư, là nguồn gây ô nhiễm cho nguồn nước mặt và nước ngầm. Khi có mưa lớn sẽ gây ô nhiễm trên diện rộng đối với các vùng bị ngập úng. Trong môi trường khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, rác thải bị thối rữa nhanh gây ra mùi hôi thối khó chịu và là nguyên nhân gây ra bệnh dịch, nhất là đối với rác thải độc hại, rác thải bệnh viện. Các bãi rác không hợp vệ sinh là các nguồn gây ô nhiễm nặng cho cả đất, nước và không khí. Chôn lấp rác là quá trình thải bỏ rác nguyên trạng vào trong đất.

 

Trong suốt thời gian rác được chuyển đến bãi chôn lấp, quá trình lên men kỵ khí sẽ xảy ra tạo các loại khí có mùi và nguy hại như H2S, NH3, CH4, CO2, NOX, SOX,… Ðồng thời, phát sinh một lượng rất lớn nước rò rỉ từ bãi rác có hàm lượng ô nhiễm cao, có khả năng gây ảnh hưởng xấu cho môi trường. Ðối với bãi chôn lấp cũ (không hợp vệ sinh) không có lớp lót đáy, không có hệ thống thu gom và xử lý khí thải và nước thải vẫn tiếp tục đào thải ra môi trường xung quanh nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Vì thế, mặc dù chi phí chôn lấp thấp nhưng tốn nhiều diện tích nên chi phí đất cao, chi phí xử lý môi trường sau khi chôn lấp cũng rất cao, những tác động đến môi trường và sức khoẻ cộng đồng là nghiêm trọng và lâu dài. Rác thải sinh hoạt được sinh ra trong quá trình ăn, ở, sinh hoạt, lao động sản xuất của con người và là một trong những nguyên nhân phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, phát sinh ra bệnh tật. Việc giải quyết tốt vấn đề rác thải phụ thuộc rất nhiều các yếu tố trong đó quan trọng nhất là ý thức của người dân bên cạnh đó có sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc xây dựng hệ thống thu gom, mô hình xử lý rác thải một cách đồng bộ, thuận tiện.

 

Quang Viện

  • Từ khóa