Thứ 6, 29/03/2024, 02:16[GMT+7]

Chứng bệnh đau mỏi cơ xương khớp ở lao động nữ

Thứ 5, 19/04/2012 | 16:17:20
1,716 lượt xem
Theo kết quả nghiên cứu, phần lớn công nhân nữ phải làm việc trên 8 tiếng/ngày (89,9%). Tỷ lệ công nhân nữ thường bị đau mỏi ít nhất một khớp trong quá trình lao động là 93,1%.

Lao động nữ chiếm tỷ lệ cao trong xã hội, cả những nghề độc hại.

Theo các số liệu thống kê chính thức của Tổng cục Thống kê thì với 50,9% dân số, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên, cả nước có khoảng 44,1 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân, trong đó có gần 21,1 triệu lao động là nữ (chiếm 47,8%).

Bằng các phép đo cụ thể, trong các nghiên cứu về lao động nữ, kết quả cho thấy: “cùng độ tuổi và người cùng địa phương thì kích thước cơ thể của nữ giới thấp, nhỏ, ngắn hơn nam giới 7-13%, còn trọng lượng thì kém hơn khoảng 21%, lực cơ bắp của nam cao hơn nữ 20-49% ở độ tuổi 15-60 tuổi và ở độ tuổi khỏe mạnh nhất (25-30 tuổi) thì lực này ở nam cao hơn nữ 44%”. Cũng theo khảo sát được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng thì “đã có các chính sách ưu tiên cho lao động nữ, nhưng trong thực tế, lao động nữ ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức, nhất là trong khu vực các đơn vị kinh tế tư nhân, tại các đơn vị cổ phần và có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân nữ thiếu nhà ở đúng theo đúng nghĩa, làm thêm giờ quá nhiều, chính sách thai sản chưa được thực hiện nghiêm chỉnh, tốn nhiều thời gian và sức lực vì phải đi làm xa, doanh nghiệp trả lương thấp, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội trong đó có bảo hiểm thất nghiệp và nợ bảo hiểm y tế, điều kiện chăm sóc vệ sinh phụ nữ kém...”.

Mới đây, nhóm nghiên cứu gồm Tiến sỹ Vũ Phong Túc và Trương Công Đạt (Trường Đại học Y Thái Bình) tiến hành nghiên cứu trên 450 công nhân nữ tại 2 nhà máy may Đức Trí và TAV thuộc khu công nghiệp Phúc Khánh (Thái Bình) với mục tiêu: “Mô tả thực trạng đau mỏi cơ xương khớp của công nhân nữ làm việc tại một số nhà máy may”. Phương pháp nghiên cứu chọn mẫu: Chọn chủ định 2 công ty may (Minh Trí và TAV) có quy trình may tương tự nhau. Lập danh sách toàn bộ các công nhân có thời gian làm việc trên 6 tháng theo từng tổ sản xuất mà họ làm việc. Tại mỗi tổ sản xuất chọn ngẫu nhiên các công nhân từ danh sách vào nghiên cứu cho đến khi đủ cỡ mẫu điều tra. Bằng phương pháp phân loại đối tượng phỏng vấn theo nhóm tuổi, kết quả cho thấy độ tuổi chủ yếu của nữ công nhân may là 21-25 tuổi chiếm 44,9%; độ tuổi 26-30 chiếm 37,8%. Tỷ lệ các công nhân có độ tuổi dưới 20 tuổi và trên 30 tuổi chiếm một tỷ lệ khá nhỏ là 8,7% mỗi nhóm. Theo kết quả nghiên cứu, phần lớn công nhân nữ phải làm việc trên 8 tiếng/ngày (89,9%). Tỷ lệ công nhân nữ thường bị đau mỏi ít nhất một khớp trong quá trình lao động là 93,1%.

Các vị trí bị đau mỏi nhiều nhất trong quá trình lao động là vùng vai, vùng gáy, vùng lưng, vùng thắt lưng. Thời gian xuất hiện của đau mỏi cơ xương khớp thường là cuối ca lao động: 48,2% các đau mỏi cơ xương khớp là đau ở mức độ vừa phải; ở mức độ rất đau chỉ chiếm 3,1%. Chủ yếu nguyên nhân gây ra đau mỏi cơ xương khớp là ngồi lâu; tiếp theo là đứng lâu và tư thế gò bó. 48,9% nữ công nhân từng phải nghỉ việc vì đau mỏi cơ xương khớp. Tiến sỹ Vũ Phong Túc cho biết: Đau mỏi cơ xương khớp là bệnh rất phổ biến đối với người lao động, bệnh thường do các tư thế làm việc không đúng gây nên. Công nhân nữ nhà máy may là những người phải làm việc theo ca, dây truyền đơn điệu và lao động trong thời gian dài có thể gây ra đau mỏi cơ xương, làm giảm năng xuất lao động, giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình và doanh nghiệp.

Tiến sỹ Vũ Phong Túc khuyến nghị các đơn vị ngành may có sử dụng lao động nữ lưu ý tiến hành một số giải pháp cải thiện lao động: Tránh tư thế làm việc gây khó khăn cũng như các tư thế cố định kéo dài và các cử động đột ngột. Bố trí khoảng thời gian nghỉ ngơi xen lẫn với thời gian lao động một cách hợp lý. Quản lý chăm sóc sức khoẻ: khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị các trường hợp rối loạn cơ xương. Ngăn ngừa rối loạn cơ xương bằng các bài tập thể dục giữa giờ, áp dụng phương pháp nghỉ ngơi tích cực.

Bài, ảnh: Lê Quang Viện


 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày