Thứ 6, 26/04/2024, 20:30[GMT+7]

Phát triển nhờ đổi mới

Thứ 6, 20/04/2012 | 14:08:52
1,452 lượt xem
Việc thực hiện đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) không chỉ giúp ngành KHCN Thái Bình xây dựng thành công chiến lược và lựa chọn được hướng đi đúng đắn mà còn tạo bước đột phá trong việc xây dựng và phát triển tiềm lực KHCN.

Kiểm định công-tơ đo điện năng tiêu thụ tại Điện lực Thái Bình. Ảnh Ngọc Trâm

Việc đổi mới quản lý và tổ chức hoạt động KHCN thời gian qua đã bắt đầu khơi dậy các nguồn lực, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Sự linh hoạt và chủ động trong việc đổi mới đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Một trong những thành quả đó là kết quả hoạt động của Quỹ phát triển KH & CN. Với nguồn vốn ban đầu  của Quỹ được UBND tỉnh cấp là 3.000 triệu đồng. Đến nay, tổng của Quỹ là trên 4.200 triệu đồng.

Những năm qua, Quỹ đã cho Hội nông dân tỉnh và 02 doanh nghiệp vay để sản xuất phục vụ phát triển nông nghiệp. Kết quả hoạt động bước đầu của Quỹ đã tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu KHCN, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc đổi mới quản lý hoạt động khoa học cũng đã góp phần huy động nguồn lực của các ngành, các cấp, thu hút nhân lực KHCN ngoài tỉnh, thiết lập tốt cơ chế liên kết giữa ba nhà: khoa học - quản lý - doanh nghiệp và có nhiều hoạt động tạo hiệu ứng xã hội để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ theo chiều sâu và chiều rộng nhằm phát huy hiệu quả thực thi các chương trình KHCN của tỉnh.

Đổi mới quản lý các đề tài, dự án KHCN một cách minh bạch, công khai đã có tác động lựa chọn đề tài, dự án gắn kết nghiên cứu với thực tế sản xuất và đời sống, nâng cao chất lượng xem xét, giám định kết quả thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và huy động thêm nguồn lực trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện theo các chương trình mục tiêu của địa phương.

Các cuộc hội thảo, những buổi tư vấn, hướng dẫn  được tổ chức hàng năm đã thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học và địa phương. Thông qua đó, giúp các viện nghiên cứu, các trường đại học, các nhà khoa học nắm rõ nhu cầu của ngành, của địa phương. Ngược lại, các ngành và địa phương cũng nắm rõ được thành quả và năng lực nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà  khoa học.

Trên cơ sở kết nối cung cầu đó, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học giúp các ngành, địa phương xây dựng đề xuất nhiệm vụ KHCN phù hợp với tình hình thực tế của từng nơi. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn nhân lực ngành KHCN cũng có những điểm mới, đội ngũ trí thức của tỉnh không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực  cho sự nghiệp công  nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.

Những năm qua, Sở KH & CN Thái Bình đã dốc sức tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo thế và lực cho việc xây dựng và phát triển KHCN. Phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh tập trung ưu tiên vào ứng dụng và chuyển giao, phổ biến, nhân rộng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống, thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, giảm mức tiêu hao năng lượng, vật tư nguyên liệu, góp phần giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

 Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ để phát triển sản xuất - kinh doanh. Xác định đầu tư nguồn lực cho phát triển khoa học và công nghệ dựa trên nguyên tắc đẩy mạnh xã hội hoá, dựa trên các nguồn lực nội sinh, đồng thời phải tận dụng tối đa các nguồn lực khoa học và công nghệ từ bên ngoài ; củng cố và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh trước mắt cũng như lâu dài ; hình thành các tổ chức khoa học và công nghệ có khả năng giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ở trình độ cao; chú trọng phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao... Kinh nghiệm đó đã góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của ngành KHCN Thái Bình.

Có thể nói, nhờ việc đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động KHCN đã đưa đến cho KHCN Thái Bình nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, để hoạt động KHCN tiếp tục được phát huy, phát triển và nhân rộng hơn nữa còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ và cần sự chung tay vào cuộc của các sở, ngành. Đó là việc điều chỉnh cơ cấu kinh phí theo hướng tăng kinh phí sự nghiệp KHCN.

Đồng thời, có cơ chế quản lý kinh phí đầu tư phát triển KHCN phù hợp theo hướng tăng quyền chủ động và thẩm quyền của Sở KH & CN. Bên cạnh đó là tiếp tục sửa đổi bổ sung định mức phân bổ ngân sách đối với các đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước cho phù hợp. Ngoài ra cũng cần có chính sách đãi ngộ với các cán bộ khoa học đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước về KHCN nhằm thúc đẩy mạnh hơn việc đưa KHCN vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Ngọc Hân

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày